THUỐC TẠI VƯỜN, THẦY TẠI NHÀ
THẾ MẠNH CỦA THUỐC NAM TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
Bài đăng báo Sức khỏe cộng đồng số Đặc biệt ngày 25/12/2018
Trên nền thế mạnh về nguồn tài nguyên dược liệu, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã tích lũy được những kinh nghiệm và truyền thống lâu đời trong sử dụng các loại cây, con, khoáng vật để làm thuốc, góp phần hình thành nên một kho tàng tri thức khổng lồ mang bản sắc riêng theo từng dân tộc, từng vùng miền. Nguồn tri thức này được bồi đắp, kế thừa và phát triển theo suốt chiều dài lịch sử của nền y học dân tộc Việt Nam, thuận theo quan điểm "Nam dược trị nam nhân" mà Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh đã khởi xướng...
1. Y học cổ truyền quy các vị thuốc theo ngũ hành ứng với các tạng phủ
Căn cứ vào từng vị thuốc chữa bệnh, Đông y đã chia ra tính năng của từng loại thảo dược như sau:
Tứ khí, ngũ vị tức là bốn khí, năm vị…
Chúng biểu thị tính năng cơ bản của thảo dược. Người ta nhận thức tính vị của từng vị thuốc một mặt dựa vào vị giác (nếm) và khứu giác (ngửi); mặt khác còn phải căn cứ vào hiệu quả phản ánh khách quan trên lâm sàng trị liệu mà xác định.
Bốn khí đó là tính hàn (lạnh), nhiệt (nóng), ôn (ấm), lương (mát) trong đó hàn lương thuộc về một nhóm âm dược, nhiệt ôn thuộc về một nhóm dương dược. Còn có một thứ tính không ôn, không lương, được gọi là tính bình, nhưng xét về dược lý, không được đơn độc cho là một khí.
Năm vị là: vị cay, chua, mặn, ngọt, đắng. Ngoài ra còn có vị nhạt. Vị của thuốc khác nhau, tác dụng chữa bệnh cũng không giống nhau. Vị cay nói chung hay phát tán (quế, tía tô, kinh giới...), hành khí, chỉ thống (sa nhân, mộc hương...). Vị ngọt nói chung hay bổ dưỡng, còn hay làm giảm sự co thắt đau đớn, lại làm hòa các vị thuốc như cam thảo, hoàng kỳ. Vị chua hay thu liễm, cố sáp (vỏ quả lựu, vỏ chiêu liêu), hay chỉ tả (lá ổi, vỏ thao lao) hoặc sáp tinh (quả trâu cổ). Vị đắng hay thanh nhiệt, tả thực, táo thấp (hoàng bá, hoàng đằng). Vị mặn hay làm mềm chất rắn, tan khối kết, tư nhuận tiềm giáng (ghìm xuống) (rong biển, huyền sâm). Vị nhạt hay thấm lợi tiểu tiện (ý dĩ, thông thảo).
Phần khí là phần bốc hơi, tính nhẹ, thuộc dương. Phần vị chất đậm, tính nặng, thuộc âm. Các vị thuốc được chia làm hai nhóm lớn. Đó là loại khí nhiều, vị ít, thuộc dương, có tính nóng, đi lên và làm tan ra (như bạc hà, tía tô). Thứ hai là loại vị nhiều, khí ít, thuộc âm, có tính lạnh, làm ngưng lại và đi xuống (như hoàng liên, tam thất).
Vị thuốc cay đơn thuần là thuần dương, tính nóng. Vị thuốc đắng hay mặn đơn thuần là thuần âm, tính lạnh.
Nhưng khí và vị có thay đổi tùy theo tỷ lệ hỗn hợp của thành phần cấu tạo của các vị thuốc: Vị thuốc cay nhiều, đắng ít thì tính ấm; vị thuốc đắng nhiều, cay ít thì tính mát; vị thuốc cay mà hơi ngọt thì tính ấm; vị thuốc ngọt mà nhạt thì tính mát. Trong khí vị lại chia ra hậu (đậm đà, nồng nặc) và bạc (nhạt nhẽo, nhẹ nhàng). Hậu thuộc âm, nhưng khí hậu lại thuộc dương: còn bạc thuộc dương, nhưng khí bạc lại thuộc âm.
Thăng, giáng, phù, trầm…
Biểu thị tính chất của thảo dược sau khi uống vào người, sẽ sản sinh ra tác dụng riêng biệt như đi lên (thăng), đi xuống (giáng), phát tán, nổi (phù), tiết lợi, chìm (trầm). Loại thăng phù có những tác dụng thăng dương, phát biểu, tán hàn, ôn lý như dùng lá liễu, nọc sởi, lức dây làm thấu phát ban sởi, dùng thăng ma để làm thăng để chữa trung khí hạ hãm. Loại trầm giáng có những tác dụng ghìm dương, giáng nghịch, thu liễm, thẩm thấp, thanh nhiệt, tả hạ, như dùng thạch quyết minh để ghìm dương, chữa can dương bốc lên; dùng hạt tía tô giáng khí để chữa ho suyễn.
Loại thuốc thăng phù phần nhiều là cay ngọt, ấm nóng; loại thuốc trầm giáng phần nhiều là đắng, chua, lạnh, mát. Lại còn tùy thuộc vào khí vị bạc hay hậu. Khí bạc thì phát tiết (phát hãn, thăng dương) như kinh giới, sài hồ, thăng ma, cát căn. Khí hậu thì phát nhiệt (ôn lý, tán hàn) như quế, can khương, tiêu lốt. Vị hậu thì tiết lợi (thanh hỏa, tả hạ) như lá muống, vỏ đại... Vị bạc thì thông (thông giáng, hạ hành) như phục linh, mộc thông, bạch thược.
Hoa, lá của thảo dược với chất nhẹ, xốp, phần nhiều có tính thăng phù. Hạt, quả có chất nặng, phần nhiều có tính trầm giáng. Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ.
Vị thuốc cũng có thể bị cải biến tính chất do sự bào chế của con người. Nếu bào chế đúng cách thì có thể điều chỉnh tác dụng, ví dụ như vị thuốc nếu sao rượu sẽ làm cho nó có tính đi lên; sao với gừng để tán; sao với giấm để thu liễm; sao với muối để đi xuống.
Dược vật quy kinh
Từ thực tiễn lâm sàng lâu đời, trong Y học cổ truyền, người ta quy các vị thuốc theo ngũ hành ứng với các tạng phủ. Vị thuốc này có tác dụng trị liệu riêng biệt các bệnh tật ở tạng phủ này, vị thuốc khác lại có tác dụng đối với tạng phủ khác. Người ta tổng kết những kinh nghiệm đó thành dược vật quy kinh. Thuốc nào chữa bệnh ở kinh nào thì xếp nó quy vào kinh đó.
- Những cây có vị cay, tính nóng thuộc Kim nhu bạc hà, tía tô, gừng, riềng, củ gấu… hợp với kinh phế, có tác dụng làm ra mồ hôi, làm hạ nhiệt, chống co thắt cơ trơn, do đó trị được các chứng viêm nhiễm, làm thông khí quản, chống đầy hơi và lên men.
- Những cây có vị chua, tính mát thuộc Mộc, hợp với kinh can, như giấm, rau sam.. đều có tác dụng chống co quắp, co thắt, co cứng, làm bớt ra mồ hôi, dùng trị di tinh, tiêu chảy...
- Những cây có vị mặn, tính lạnh thuộc Thủy, hợp với kinh thận, làm mềm các chất ứ đọng ở trong ruột, gây nôn tháo hoặc làm tẩy xổ.
- Những cây có vị đắng, tính hàn thuộc Hỏa, hợp với kinh tâm, như xuyên tâm liên, hoàng đằng, dùng hạ nhiệt.
- Những cây có vị ngọt, tính ấm thuộc Thổ, hợp với kinh tỳ, như cam thảo, có tác dụng điều bổ, làm tăng sự hấp thu của ruột và dạ dày.
- Những cây có vị nhạt, tính bình, hợp với tam tiêu, như ô rô, rau nước dừa, có tác dụng tiêu thấp, lợi tiểu.
Với sự phát triển của thực vật học, hóa học, dược lý học... việc xác định hoạt chất trong cây cỏ dùng để làm thuốc đã chứng minh sự hiệu nghiệm của những kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian. Ánh sáng của khoa học hiện đại cũng làm sáng tỏ dần phương pháp thực nghiệm trị bệnh lâu đời của y học cổ truyền.
2. Sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe là xu hướng của thế giới
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, thế giới cũng đang có xu hướng định hình lại phương pháp nghiên cứu tìm ra các thuốc mới từ thảo dược thiên nhiên thay vì chú trọng đến việc tổng hợp hóa học trong phòng thí nghiệm với nhiều khó khăn, nhiều độc tính cùng chi phí lớn (khoảng 700 triệu USD cho phát triển một loại thuốc mới). Các nhà khoa học dược, các tập đoàn dược phẩm lớn hiện đang chú trọng vào sàng lọc từ thiên nhiên để tìm ra các hoạt chất sinh học mới có dược tính mạnh hơn, ít độc tố hơn và với chi phí cho nghiên cứu phát triển thấp hơn so với tổng hợp hóa học.
Chính vì vậy, ngoài những tiềm năng và thế mạnh về nguồn tài nguyên và thuốc từ dược liệu, theo cùng xu hướng thế giới, Việt Nam có nhiều cơ hội giúp thúc đẩy phát triển ngành dược liệu trong nước.
Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng lớn về dược liệu trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Theo kết quả điều tra đến năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận được trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc; trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu (như quế, hồi, hòe, nghệ, actiso, sa nhân, kim tiền thảo, đinh lăng, thảo quả…). Đặc biệt, Việt Nam đang sở hữu nhiều loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu như: sâm Ngọc linh, ba kích, châu thụ, ngân đằng…
Trên nền thế mạnh về nguồn tài nguyên dược liệu, cộng đồng dân tộc Việt Nam đã tích lũy được những kinh nghiệm và truyền thống lâu đời trong sử dụng các loại cây, con, khoáng vật làm thuốc góp phần hình thành nên một kho tàng tri thức khổng lồ mang bản sắc riêng theo từng dân tộc, từng vùng miền. Ngành y tế đã tổng hợp được danh mục các loài cây thuốc từ cộng đồng các dân tộc và thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian trên cả nước. Những tri thức bản địa này là cơ sở quan trọng nhằm hỗ trợ cho việc sàng lọc, nghiên cứu phát triển sản phẩm phục vụ công tác phòng và chữa bệnh của nhân dân.
Thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam là rất lớn. Hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền hiện có 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập; 92,7% bệnh viện đa khoa tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh. Như vậy, nhu cầu sử dụng dược liệu rất lớn (khoảng 10%/năm); trong đó, khối bệnh viện y học cổ truyền công lập sử dụng khoảng 300 loại dược liệu khác nhau ở mức khoảng 3.000 tấn mỗi năm.
Trong một số phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, y học cổ truyền rất có ý nghĩa trong chữa trị các bệnh lý mãn tính. Bản thân Bộ trưởng cũng từng giới thiệu nhiều người thân đi khám y học cổ truyền và đạt kết quả mỹ mãn. Bà cũng trăn trở làm sao để tăng tỉ lệ sử dụng, khám chữa y học cổ truyền, như tại Trung Quốc tỉ lệ này là 40%. Bộ trưởng khẳng định, việc bảo tồn, phát huy giá trị của y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được Bộ Y tế thể chế hóa bằng nhiều chính sách phát triển khác nhau.
Thực tế cho thấy, rất nhiều căn bệnh, kể cả nan y cũng có thể chữa trị khỏi bằng y học cổ truyền. Y học cổ truyền có nhiều thế mạnh có thể được khơi dậy, phát huy, gắn chặt với công tác y học dự phòng. Sự quan tâm của Bộ Y tế đến công tác phát huy giá trị y học dân gian vào chăm sóc sức khỏe ban đầu chắc chắn sẽ là một động thái để giảm tải cho khu vực điều trị bằng y học hiện đại vốn luôn là một vấn nạn trầm kha của ngành Y tế. Để làm được điều này, cần một hệ thống chính sách đồng bộ khuyến khích mạng lưới các nhà thuốc đông y liên kết lại, cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong sử dụng y học cổ truyền để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, tham gia tích cực vào hoạt động y học dự phòng, để giúp người dân có một nền tảng sức khỏe toàn diện, giảm bớt phát sinh bệnh tật và nhờ thế, cũng giảm bớt áp lực cho hệ thống cơ sở y tế hiện đại, tập trung được nguồn lực vào chữa trị những loại bệnh tật phát sinh do điều kiện môi trường, do biến đổi khí hậu và do áp lực cuộc sống nhiều hơn. “ Thuốc tại Vườn, Thày tại Nhà ” nên trở thành phương châm hành động, thành khẩu hiệu của công tác y tế dự phòng, của các đơn vị y tế cấp cơ sở, để trở thành một phong trào lôi kéo sự tham gia của các tổ chức xã hội, các đoàn thể, cá nhân và toàn dân, hướng tới một xã hội khỏe mạnh, một dân tộc khỏe mạnh, một quốc gia khỏe mạnh. Sao cho mỗi người dân đều có ý thức tận dụng cây cỏ quanh vườn để làm thực phẩm dưỡng sinh, tích lũy kiến thức để trở thành “ thày thuốc trong nhà ” biết sử dụng, khai thác các dược liệu thiên nhiên dễ kiếm làm bài thuốc chữa trị các bệnh nhẹ, phòng ngừa các bệnh nặng, để sao cho “ Thức ăn là thuốc, không để Thuốc là Thức ăn ”…
Nên chăng, ngành Y tế cần phối hợp chặt chẽ với Hội Giáo dục & Chăm sóc Sức khỏe cộng đồng xây dựng một cơ chế hợp tác cho phép phát huy mạnh mẽ hơn nữa sự vào cuộc của lực lượng Nam y Việt Nam trong nhiệm vụ y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho toàn dân.
Lê Thành Nam Phương