Nhiều câu chuyện, theo anh Hồ Tất Ái - Trưởng ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, thuộc khoa học huyền bí, là chuyện của thế giới tâm linh. Anh kể rằng, khi một đoàn các Mẹ Việt Nam anh hùng ở Bình Định lên thăm nghĩa trang, có một gia đình trong đoàn đi tìm mộ người thân, cả năm rồi không thấy. Hôm ấy, bác gái đi thắp hương ở các phần mộ, cũng là ngẫu nhiên. Bỗng thấy bác hét lên một tiếng rồi ngất đi, chúng tôi cứ tưởng bác bị cảm, hoặc giả cũng do quang cảnh nghĩa trang trầm mặc quá mà bác xúc động. Thế nhưng khi tỉnh lại, bác bảo với chúng tôi đúng đây là phần mộ của người em mà bác đang tìm kiếm nhiều năm qua. Rồi nhiều trường hợp khác, chỉ biết con em mình hy sinh trong chiến tranh, không biết phần mộ ở đâu. Gia đình đã đi tìm nhiều năm mà không thấy. Vậy mà trong một chuyến đi cùng mấy đoàn khách thăm nghĩa trang, đốt hương xong, họ như có người cầm tay dẫn đường, đi vòng vèo tới mấy ngôi mộ ở tận xa thắp hương, nhìn lại mới biết là mộ người nhà mình. Người dân ở đây cho rằng đó là các anh hùng liệt sĩ dẫn đường chỉ lối.
Anh Ái trầm ngâm: Ở nơi linh thiêng này, lời hứa là rất quan trọng, điều gì đã hứa là phải làm. Anh hồi tưởng lại: Một lần vào dịp cuối năm Quý Mùi (2003), anh em ở Ban quản lý Nghĩa trang bàn nhau dự định chiều ngày 26 - 12 âm lịch sẽ làm vài mâm cỗ, trước là thắp hương cúng các anh chị, sau là bữa cơm tất niên coi như động viên anh chị em trong cơ quan sau một năm làm lụng vất vả. Thế rồi nhiều đoàn lên thăm viếng, thành ra công việc bận quá, chưa tổ chức được. Đêm hôm ấy, rồi đến ngày 27, 28 cũng thế, đêm nào các anh cũng gọi: Anh em sao hứa mà không làm... sao hứa mà không làm...?
Một chuyện khác, thầy giáo Hải quê Hà Nam, công tác ở trường Đại học KHXH&NV đi cùng đoàn lên thăm nghĩa trang, khi đi qua nghĩa trang khu III là khu quy tập mộ các liệt sĩ của mấy tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh... thì người ta bỗng nghe thầy hát vang cả núi rừng liền một lúc 6 bài về Trường Sơn. Ngay đêm hôm ấy, thầy gọi điện về cho gia đình kể rằng đi ngang qua nghĩa trang khu III, các anh bảo hát cho các anh nghe những bài hát Trường Sơn nên thầy hát.
Anh em ở Ban quản lý cho biết rằng khu ấy thiêng lắm. Ngày rằm, mồng một đến thắp hương tại đó, họ vẫn nghe thấy tiếng anh em liệt sĩ nói cười, chào hỏi: “Các anh đến thắp hương đấy à?”
Anh Ái từng là lính trinh sát đặc công. Đối với người chiến sĩ được rèn luyện vững vàng như anh thì chuyện sống chết, hoang đường không có gì đáng sợ. Sau 7 năm công tác tại đây, một kỷ niệm làm anh còn nhớ mãi. Anh kể rằng:
- Đêm 14-11-2001, tôi và đồng chí Chủ tịch công đoàn cơ quan lên khu nghĩa trang thắp hương, chúng tôi thấy một người ngồi bên cạnh tượng đài. Chuyện thân nhân liệt sĩ lên nghĩa trang đêm hôm khuya khoắt cũng không phải là lạ. Tôi cứ nghĩ, có lẽ khách phương xa tới muộn. Dù sao tôi cũng đánh tiếng từ xa, không thấy người đó trả lời. Tôi ngạc nhiên quá, đến gần hơn, cách khoảng chục mét, tôi lại cất tiếng chào hỏi. Người đó vẫn im lặng. Khi chúng tôi tới gần tượng đài còn cách khoảng vài mét, người đó đi lùi ra một đoạn. Tôi đốt hương và nói: “Chúng tôi lên đây thắp hương và có vài lời với các anh hùng liệt sĩ. Anh ở đâu tới vậy?” Người đó nói: “Tôi cũng là liệt sĩ, ở nơi khác đến đây thăm anh em!” Quả thật lúc đó tôi vã mồ hôi hột, còn anh Chủ tịch công đoàn thì châm cả lửa vào tay. Quay lại thì không thấy người ấy đâu nữa.
Còn nhiều chuyện thuộc về thế giới tâm linh ở nghĩa trang này. Chị Trần Thị Thê, công tác nghĩa trang đã 25 năm. Chị có mặt ở đây từ năm 1981 khi mới thành lập nghĩa trang đến giờ. Chị kể thời kỳ đầu có hơn chục người, chủ yếu là chị em. Những ngày mới lên nghĩa trang, đêm đêm nằm nghe thấy tiếng các anh linh liệt sĩ cười đùa, rồi đàn hát những bài ca thời xưa, chị em cũng hoảng. Hai ba người quây lại ngủ chung một giường. Rồi sáng sớm, nghe tiếng các anh tập thể dục, tiếng bước chân hành quân trong đội ngũ, tiếng hô chào cờ, tiếng hô khẩu hiệu. Các chị mới đầu rất sợ, nhưng sau nghĩ đến các liệt sĩ xả thân vì nước lại cảm thấy thương vô cùng, thành ra ngày rằm, mồng một nào cũng lên thắp hương viếng mộ.
Nhà ngay cạnh nghĩa trang và lại công tác ngay trong ban quản lý, vì thế nên chị Thê gần như trực luôn ở đây ban đêm cũng như dịp lễ tết. Chị kể rằng, cả chục năm sống ở đây, cứ mỗi khi nhà có việc gì lớn thì đều lên xin các anh. Năm ngoái chị xây nhà, cũng làm mâm cỗ cúng, gọi là “báo cáo với các anh”. Chị tin rằng, chắc các anh phù hộ nên cái quán nhỏ của chị rất đông khách, ăn nên làm ra. Rồi thì chuyện người nhà ốm đau, thi cử của con cái, chị cũng làm lễ, trước là tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, sau nữa cũng mong các anh phù hộ độ trì cho. Dần dần, việc đó trở thành nghi lễ quen thuộc của bà con người Kinh ở quanh đây.
Những câu chuyện tâm linh có lẽ sẽ làm nhiều người mơ hồ sợ hãi. Nhưng với những người đồng đội của các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây, đó là câu chuyện của những người đang sống, các anh vẫn đang hiện hữu bên cạnh cuộc đời này. Có đoàn thương binh từ Hà Nội vào, năm nào cũng tới thăm nghĩa trang. Có anh mù 2 mắt, anh cụt 2 chân, hai tay, về đây thăm lại chiến trường xưa, thăm lại đồng đội cũ. Các anh ngủ lại giữa nghĩa trang, đốt lửa, thầm thì trò chuyện và hát lại những bài hát năm xưa cho những người đồng đội nghe. Họ đang sống lại những năm tháng hào hùng.
Chuyện linh thiêng, huyền bí ở nơi đây có phải thuộc khoa học huyền bí - như nhận định của anh Ái, chị Thê - hay do họ quá xúc động vì tấm gương hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, hoặc vì khung cảnh tịch mịch, thâm nghiêm, sự thăm thẳm đất trời giao hoà giữa âm dương, hư thực ở nơi đây thêu dệt nên? Dù là hoang đường, những câu chuyện đầy tính nhân bản đó vẫn gửi gắm một điều: Các anh đã chiến đấu anh dũng, đã nằm xuống, nhưng các anh không bao giờ chết; các anh đã trở thành bất tử trong mỗi trái tim Việt Nam.
Ngày 27-7, trong chương trình Nhịp cầu xuyên Á, thanh niên 3 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan gặp nhau tại đây. Họ sẽ cùng nắm tay nhau, thắp những nén hương, những ngọn nến lên 10.363 ngôi mộ. Nghĩa trang Trường Sơn sẽ lung linh trong ánh nến, khói hương huyền ảo. Một thông điệp mà các thế hệ sau gửi đến các anh là: Các anh sẽ sống mãi trong lòng Tổ quốc và nhân dân.
Nguồn: (Báo Sức khỏe và Đời sống
Số chuyên đề cuối tháng, 7/2004)