ĐỘNG KINH ĐƯỢC PHÂN LOẠI NHƯ THẾ NÀO ?
Động kinh là một bệnh lý của não bộ, đặc trưng bởi sự phóng điện đột ngột quá mức, đồng bộ và nhất thời của một nhóm các neuron trong não, biểu hiện bằng các triệu chứng tương ứng với vùng não bị kích thích. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng thường xuất hiện ở trẻ em và người lớn trên 65 tuổi. Với một số loại động kinh nếu được phát hiện sớm và áp dụng đúng phương pháp điều trị, người bệnh vẫn có cơ hội cắt được cơn, hồi phục sức khỏe và nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường. Vậy động kinh được phân loại như thế nào?
Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, người bệnh động kinh chiếm tỉ lệ khoảng 0.5 – 1% dân số và được xem là một thách thức lớn đối với nền y học hiện nay. Động kinh xảy ra do sự phóng điện đột ngột, không kiểm soát của một nhóm các tế bào thần kinh của vỏ não, làm xuất hiện các cơn co giật lặp đi lặp lại nhiều lần với những thay đổi từ nhận thức, cảm giác đến hành vi vận động và chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể.
Động kinh được phân loại như thế nào?
Đặc điểm lâm sàng của cơn động kinh phụ thuộc vào vị trí phóng điện ở não và mức độ lan rộng của nó. Dựa vào triệu chứng lâm sàng, động kinh được chia làm hai nhóm chính là động kinh toàn thể và động kinh cục bộ.
Động kinh toàn thể
Xảy ra do sự kích thích cả hai bên vỏ não và thường gây ra các cơn co giật toàn thân.
Động kinh co cứng – co giật (Tonic – Clonic seizures): Trải qua hai giai đoạn gồm giai đoạn cơn co cứng, lúc này các cơ đột nhiên co lại, người bệnh ngã xuống, mất ý thức hoàn toàn trong 10 – 20 giây, tiếp đó là giai đoạn co giật liên tục kéo dài khoảng 2 – 3 phút. Sau đó các cơ giãn dần ra, vẫn mất ý thức, thở sâu, đồng tử hai bên giãn nhẹ. Khi tỉnh dậy (ý thức được phục hồi) người bệnh thấy người mỏi mệt rã rời, mất cảm giác và không biết điều gì đã xảy ra trước đó, đau đầu, dễ cáu gắt, khám có thể thấy phản xạ gân xương tăng ở tứ chi, phản xạ Babinski (+) hai bên. Cũng có bệnh nhân sau khi hồi phục ý thức lại chuyển vào ngủ sâu và kéo dài.
Động kinh vắng ý thức (Absence seizures): Thường xảy ra ở trẻ em. Cơn vắng ý thức biểu hiện bằng sự gián đoạn ý thức và hành động với môi trường xung quanh trong một thời gian ngắn, chỉ khoảng 3– 30 giây, chẳng hạn ngừng đi, nói chuyện, hay ngừng làm việc. Các cơn vắng ý thức lặp lại nhiều lần trong ngày, có thể lên tới tần số 50 - 100 cơn/ngày, bởi vậy nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tập trung, làm giảm khả năng nhận thức và học tập của trẻ.
Động kinh rung giật cơ (Myoclonic seizures): Dùng để chỉ tình trạng giật cơ bắp đột ngột, không tự chủ, nhanh chóng ở một phần của cơ thể hoặc toàn thân thường xảy trong một thời gian ngắn. Người bệnh thường có biểu hiện như bị “sốc điện”. Bệnh thường khởi đầu ở tuổi thanh niên, cơn giật thường xảy ra vào buổi sáng, đôi khi làm bệnh nhân ngã nhưng hồi phục lại ngay lập tức.
Cơn mất trương lực cơ: Người bệnh đột ngột mất trương lực của một nhóm cơ khiến họ bất ngờ bị ngã xuống đất, mí mắt có thể sụp xuống, gật đầu về phía trước, buông bỏ hoặc đánh rơi đồ vật đang cầm trên tay,… trong khi vẫn còn ý thức. Trường hợp chiếm khoảng 1% số những bệnh nhân động kinh.
Hội chứng West: Hội chứng West được xếp vào loại động kinh toàn thể thứ phát, do bệnh não không đặc hiệu. Chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 1 tuổi chiếm khoảng 2,8% động kinh trẻ em, nam nhiều hơn nữ. Các cơn động kinh thường xảy ra rất ngắn, tối đa trong khoảng 2-3 giây. 80% các trường hợp có sự co thắt gấp người cả hai bên cơ thể và đối xứng. Ví dụ như đứa bé đang nằm, bổng nhấc đầu lên khỏi giường, gấp đầu và mình gấp đôi người lại. Các chi có biểu hiện như sau, các chi trên bắt chéo trước ngực, chi dưới tư thế gấp. Nếu co thắt ở tư thế duỗi thì hai chi trên duỗi thẳng và khép bắt chéo.
Động kinh cục bộ
Gây ra do một ổ hưng phấn ở vỏ não, đó có thể chỉ kích thích tại chỗ hoặc sau lan ra toàn bộ thể vỏ não, gây tiếp cơn co giật toàn thân.
Động kinh thùy trán: Nhiều cơn động kinh thuỳ trán có các biểu hiện rất kỳ lạ và thường được chẩn đoán nhầm là cơn tâm thần, thậm chí cả sau khi theo dõi bằng điện não đồ vi tính. Có 4 loại cơn: cơn vắng giống như cơn cục bộ phức tạp, cơn tăng động, cơn trương lực cục bộ và cơn vận động phức tạp. Ban đầu thường không mất ý thức nhưng khi giật mặt nhiều có thể giảm hoặc mất ý thức.
Động kinh thùy thái dương: Người bệnh có thể ngửi thấy mùi khó chịu hoặc cảm thấy miệng có vị đắng ngắt hay tanh mùi sắt, tinh thần và cảm xúc sẽ thay đổi lạ thường, không thể tự chủ, không kiểm soát được hành vi và ý thức.
Động kinh thuỳ đỉnh: Các cơn đặc hiệu tổn thương vỏ não cảm giác nguyên phát là hiện tượng cảm giác từng phần đơn giản (ví dụ như tăng cảm giác hoặc đau) ở mặt, tay. Các cơn này thường là cơn cục bộ có hoặc không có toàn bộ hoá thứ phát. Các biểu hiện khác như ảo giác, vận động xoay tròn và rối loạn ngôn ngữ.
Động kinh thuỳ chẩm: Các cơn thường là cục bộ đơn giản kèm theo có triệu chứng về thị lực. Mù trong cơn và vận động quay mắt về bên đối diện và rung giật nhãn cầu có thể xảy ra.
Động kinh thực vật: Sẽ bị giãn hoặc co đồng tử, đỏ bừng mặt và cổ, bị vã mồ hôi, sởn gai ốc, đồng thời tim đập chậm hoặc nhanh, đột ngột hạ huyết áp và đau đầu từng cơn...
Động kinh cục bộ vận động Bravais Jackson – BJ: Biểu hiện lâm sàng bằng cơn co giật nửa người không mất ý thức, khởi phát có thể là co giật ở bàn tay, bàn chân hoặc cả ở mặt sau đó lan ra nửa người: đầu và mắt giật quay về phái chân tay co giật, đối diện với bên có ổ bệnh lý. Cơn kéo dài khoảng 2 – 3 phút cũng có khi chuyển thành cơn co giật toàn thân và mất ý thức (cơn lớn).
Phân loại động kinh có ý nghĩa quan trọng giúp bác sĩ tìm ra định hướng điều trị và có kế hoạch dùng thuốc thích hợp. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, cần tăng cường giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân và cả gia đình bệnh nhân nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và tạo điều kiện tối đa cho người bệnh tham gia lao động và hoà nhập cuộc sống cộng đồng.
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282