BIẾN CHỨNG HẠ GLUCOSE MÁU TRÊN BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Hạ Glucose máu là một trong những cấp cứu nội khoa thường gặp trên lâm sàng, đó là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên bệnh nhân đái tháo đường sử dụng insuline hoặc thuốc hạ đường huyết Sulfamide.
Hạ Glucose máu hay còn được gọi là hạ đường huyết, xảy ra khi Glucose huyết tương tĩnh mạch dưới 2,7 mmol/l (50 mg/dL).
1. Nguyên nhân gây hạ Glucose máu
- Chế độ ăn không đủ về số lượng và chất lượng hoặc là do quên bữa, bỏ bữa ăn ở bệnh nhân đái tháo đường điều trị bằng insuline hay thuốc hạ đường huyết.
- Hoạt động thể lực quá mức: Ở người không bị bệnh đái tháo đường lượng dung nạp Glucose của cơ vân được bù bằng chuyển hóa Glycogen ở gan thành Glucose. Điều này là do giảm insuline trong máu do vận động làm tăng Catecholamine gây ức chế tế bào β tụy. Điều hòa này bị giảm ở bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị bằng insuline.
- Hệ thống điều hòa Glucose bị rối loạn ở bệnh nhân đái tháo đường lâu ngày. Phần lớn bệnh nhân đái tháo đường type 1 đáp ứng kém với Glucagon khi hạ đường huyết.
- Quá liều insuline.
- Quá liều thuốc hạ đường huyết Sulfamide, thuốc hạ đường huyết có tác dụng kéo dài. Đặc biệt bệnh nhân có suy gan, thận, người cao tuổi dễ có nguy cơ hạ đường huyết.
- Các nguyên khác: Stress, suy vỏ thượng thận, bệnh lý dạ dày đái tháo đường, thai nghén, hạ đường huyết tự miễn (có kháng thể kháng insuline). Hạ glucose máu cũng được ghi nhận sự đáp ứng với điều trị Corticoid mà không thấy trong lọc huyết tương và ức chế miễn dịch, u tế bào β tuỵ.
- Hạ đường huyết lúc đói không cường insuline: Các rối loạn phối hợp với giảm lưu lượng Glycogen dự trữ ở gan, do rối loạn cung cấp Acid amin đến gan, do bất thường chuyển hóa Glucose ở trẻ sơ sinh, dạ đường huyết do rượu, u ngoài tuyến tuỵ…
2. Sinh lý bệnh
Khi Glucose máu bắt đầu giảm dưới mức sinh lý sẽ kích thích vùng dưới đồi kích thích tuyến yên tiết ACTH (làm tăng Cortisol) và STH (làm tăng Glucose).
Khi hạ Glucose máu nhiều còn làm xuất hiện cảm giác thèm ăn đường và kích thích hệ lưới - hành tủy kích thích tủy thượng thận tiết Adrenaline, hệ thần kinh phó giao cảm, tế bào α tụy tiết Glucagon, kích thích tiết ADH, dạ dày ruột tiết các chất chuyển hóa như Gastrin, Secretine.
Adrenaline kết hợp với Glucagon làm tăng thoái biến Glycogen và tăng tạo Glucose tại gan. Gây cường giao cảm: Vã mồ hôi, lo lắng, nhịp tim nhanh.
Gastrin, secretine làm tăng hấp thu Glucose ở ruột non. Kích thích hệ phó giao cảm gây đói bụng, buồn nôn và nôn.
Những triệu chứng trên thường xuất hiện sớm, nhưng hạ Glucose máu tác động chủ yếu trên tế bào não và xảy ra trong vòng vài phút. Thiếu Glucose máu dẫn đến giảm tiêu thụ Oxy. Nhu cầu Glucose của tế bào não khoảng 60mg/phút và khi còn <30 mg/phút sẽ xảy ra hôn mê.
Tổn thương tế bào não không hồi phục khi nếu sự thiếu Glucose trầm trọng và kéo dài. Não bị tổn thương nặng nề nhất là ở những bệnh nhân đái tháo đường dễ bị hoại tử, xuất huyết, kích ứng phù não.
3. Triệu chứng
Triệu chứng lâm sàng của hạ Glucose máu thường xảy ra khi đói, tương ứng thời gian tác dụng đỉnh của insuline hoặc thuốc hạ đường huyết Sulfamide đối với bệnh nhân tiểu đường. Các biểu hiện được cải thiện nhanh khi cung cấp Glucose kịp thời.
Hạ Glucose máu mức độ nhẹ có những biểu hiện sau:
- Mệt mỏi, buồn ngủ, chóng mặt.
- Vã mồ hôi.
- Cảm giác đói bụng, đau vùng thượng vị, có thể nôn hoặc tiêu chảy.
- Hồi hộp, loạn nhịp tim, huyết áp tăng, đau vùng trước tim.
- Chuột rút, dị cảm đầu chi và quanh môi, nhức đầu, nhìn đôi, ớn lạnh.
- Rối loạn nhân cách, tính cách.
- Cơn khó thở thì thở ra.
Nếu phát hiện kịp thời và xử trí ở giai đoạn này dấu hiệu lâm sàng trên sẽ cải thiện nhanh.
Hạ Glucose máu mức độ nặng có thể xảy ra đột ngột hoặc xảy ra trên nền các biểu hiện lâm sàng của hạ Glucose máu mức độ nhẹ. Trong giai đoạn này triệu chứng lâm sàng chủ yếu là dấu hiệu tâm thần kinh.
- Đờ đẫn, trầm cảm hoặc kích động, hoang tưởng, ảo giác, có cơn mất ý thức thoáng qua.
- Cứng hàm.
- Cơn động kinh toàn thể hoặc khu trú thể Bravais-Jackson, có dấu hiệu thần kinh khu trú.
- Rối loạn tiểu não - tiền đình: Mất thăng bằng, chóng mặt, rối loạn vận động.
Hôn mê do hạ Glucose máu: Xảy ra thường không đột ngột, kèm theo co giật, tăng phản xạ gân xương, co đồng tử, cứng hàm, vã mồ hôi, mặt đỏ bừng và hồi phục sau khi truyền Glucose kịp thời trước khi qua giai đoạn không phục hồi có hôn mê sâu và dẫn đến tử vong.
Cận lâm sàng: Glucose huyết tương: 2,7 mmol/l (50 mg/dl).
4. Dự phòng
Với những diễn biến nguy hiểm của hạ Glucose máu như vậy, cần phải có những phương án dự phòng thích hợp, đặc biệt đối với bệnh nhân đái tháo đường:
- Kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn và tập luyện để hạn chế phải sử dụng insuline và thuốc hạ đường huyết.
- Xử trí hạ Glucose máu cần phải làm ngay tức thời, tại chỗ bằng mọi biện pháp có thể thực hiện trước khi đến bệnh viện (uống dung dịch Glucose, nước đường, bánh kẹo hay đồ ăn tinh bột ngay), không nên chờ đợi kết quả Glucose huyết tương mà có thể tạm tin cậy vào test đường huyết mao mạch.
- Không nên bỏ bữa hoặc gắng sức khi đang điều trị bệnh bằng insuline hoặc thuốc hạ đường huyết.
- Nên dùng insuline và thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý tăng liều.
Tiến sĩ – Lương Y: Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)
Quý vị cần tư vấn về sức khỏe vui lòng liên hệ nhà thuốc, các bác sĩ sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về bệnh, thuốc và quy trình khám chữa bệnh!
Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282