GỢI Ý 5 MÓN ĂN BÀI THUỐC TỪ LÁ DÂU CHO NGƯỜI UNG THƯ VÚ
Ung thư vú là nỗi lo của chị em phụ nữ, ăn gì để giúp phòng chống ung thư vú cũng là vấn đề được quan tâm. Xuất phát từ những nguyên tắc dinh dưỡng và từ công dụng của lá dâu, xin giới thiệu 5 món ăn bài thuốc từ lá dâu cho người ung thư vú.
Công dụng chữa bệnh của lá dâu
Dâu tằm là loại cây được trông phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng là đất nước trồng nhiều dâu tằm. Cây dâu gắn với văn hóa của nhân dân ta từ xa xưa, cây dâu dùng để trừ tà, nuôi tằm dệt lụa, làm thuốc chữa bệnh. Rất nhiều vị thuốc liên quan đến cây dâu như: Lá dâu (tang diệp), cành dâu (tang chi), vỏ rễ dâu (tang bạch bì), quả dâu chín (tang thầm), tổ trứng bọ ngựa trên cây dâu (tang phiêu tiêu), cây tầm gửi trên cây dâu (tang kí sinh), sâu dâu, nấm dâu, bạch cương tàm… Trong đó, lá dâu là vị thuốc được dùng nhiều, đặc biệt là trong những phương thuốc trị u nang tuyến vú, ung thư vú, viêm tắc tuyến vú, tiêu sữa của chị em phụ nữ.
Lá dâu tằm chứa các thành phần bay hơi như tinh dầu (0,0035%) bao gồm các phân đoạn trung tính (32%), acid (26%), phenol (28%), carbonyl (11%), base. Các thành phần không bay hơi như các protein (lá già nhiều hơn lá non), các carbohydrat (lá non nhiều hơn lá già), các flavoniod, các dẫn chất coumarin, các vitamin (B, C, D, caroten), các sterol, các acid hữu cơ và các thành phần khác poly prenoid alcol (moraprenol -11) và polypyranoid ceton (bombiprenon).
Nhiều công trình nghiên cứu hiện đại đã chứng minh lá dâu có những tác dụng dược lý như: Ức chế vi khuẩn gram (+), chống oxy hóa, chống viêm, bảo vệ tế bào gan, an thần, điều hòa huyết áp, giãn tĩnh mạch…
Theo đông y: Lá dâu (tang diệp) có vị đắng (khổ), ngọt (cam), tính lạnh (hàn), quy kinh túc quyết âm can và thủ thái âm phế; có tác dụng tán phong, thanh nhiệt, lương huyết, thanh can minh mục, tiêu viêm; chủ trị các chứng cảm mạo phong nhiệt, dị ứng mẩn ngứa do phong nhiệt, ban chẩn phong nhiệt, viêm tuyến vú, áp xe vú, u cục ở vú, tiêu sữa sau khi cai sữa cho con nhỏ…
Lá dâu thường được dùng dạng thuốc sắc, dùng đơn độc hoặc phối ngũ cùng các vị thuốc đông y khác, nhưng ít ai biết lá dâu cũng là một loại rau có thể chế biến thành nhiều món ngon, bổ dưỡng, giúp phòng chống các bệnh liên quan đến tuyến vú, trong đó có ung thư vú.
5 món ăn bài thuốc từ lá dâu cho người ung thư vú
1. Chả bồ công anh, lá dâu
Nguyên liệu: Thịt nạc 80 – 100g, lá dâu non tươi 30g, lá bồ công anh tươi 20 lá. Gia vị (muối, hạt tiêu, dầu ăn).
Cách làm: Thịt nạc băm hoặc xay, ướp vớt 1 chút gia vị (không nên cho quá nhiều). Lá dâu non rửa sạch, thái hoặc băm nhỏ. Lá bồ công anh rửa sạch, lau khô, để nguyên lá. Trộn lá dâu non đã băm với thịt băm, dùng lá bồ công anh tươi cuốn hỗn hợp lại thành từng miếng chả. Đem rán hoặc hấp. Dùng để ăn với cơm.
2. Canh lá dâu, cá diếc
Nguyên liệu: Lá dâu non 50g, cá diếc 1 con, hành tím, gia vị (muối, dầu ăn).
Cách làm: Lá dâu non rửa sạch, thái nhỏ. Cá diếc làm sạch, luộc chín, gỡ thịt. Hành tím phi thơm, cho thịt cá vào xào. Đun sôi nước luộc cá, cho thịt cá đã xào và lá dâu vào nấu sôi trong 2 phút, nêm nếm vừa ăn. Món ăn cần có độ thanh, vì vậy không nên dùng quá nhiều muối và dầu ăn.
3. Canh lá dâu thập cẩm
Nguyên liệu: Lá dâu non 50g, súp lơ xanh 50g, cà rốt nửa củ, nấm hương khô 5 cái, mộc nhĩ trắng 2 cái, gia vị (muối, dầu ăn).
Cách làm: Lá dâu non rửa sạch thái nhỏ. Súp lơ rửa sạch thái miếng vừa ăn. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng vừa ăn (có thể cắt tỉa cho đẹp). Nấm hương, mộc nhĩ trắng ngâm nở, rửa sạch, thái sợi mộc nhĩ và thái đôi nấm hương. Xào nấm, mộc nhĩ trắng với một chút dầu ăn, muối, sau đó đổ nước vào, cho cà rốt vào đun sôi, khi cà rốt chín cho súp lơ xanh vào nấu sôi trong 2 phút, sau đó cho lá dâu vào nấu thêm 2 phút nữa, nêm gia vị cho vừa ăn.
4. Nộm lá dâu, lá đu đủ
Nguyên liệu: Lá dâu bánh tẻ 50g, lá đu đủ 50g, hoa đu đủ đực 20g, sả 2 củ, tỏi 4 nhánh, gia vị (muối, đường, chanh).
Cách làm: Lá dâu, lá đu đủ, hoa đu đủ đực rửa sạch, luộc chín, sau đó vớt ra, thái nhỏ. Sả rửa sạch, băm thật nhỏ. Tỏi bóc vỏ, băm nhỏ. Trộn rau luộc, sả, tỏi cùng gia vị sao cho vừa ăn.
5. Sinh tố rau má, lá dâu
Nguyên liệu: Rau má 50g, lá dâu non 30g, nước dừa tươi 300ml.
Cách làm: Rau má, lá dâu rửa sạch, ngâm với với nước muối loãng trong 15 phút. Sau đó vớt ra, xay nhuyễn cùng với 100ml nước dừa tươi. Dùng 200ml nước dừa tươi còn lại để pha loãng, có thể dùng luôn hoặc lọc bỏ bã.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân