NHỮNG DẤU HIỆU CHO BIẾT CON BẠN CÓ THỂ BỊ VIÊM DẠ DÀY
Viêm dạ dày là một bệnh lý phổ biến ở nước ta, gây ra nhiều khó chịu cho bệnh nhân. Hiện nay, bệnh càng ngày càng phức tạp và tỷ lệ trẻ em mắc bệnh này ngày càng nhiều. Vậy, làm sao để các bậc cha mẹ nhận biết được con mình đang có dấu hiệu của bệnh? Cùng theo dõi bài viết sau đây để có thêm thông tin hữu ích nhé!
1. Các nguyên nhân thường gặp
- Do vi khuẩn Hp: Nguyên nhân cơ bản nhất khiến trẻ bị viêm dạ dày đó chính là bị nhiễm khuẩn HP. Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là một trong số ít những loại vi khuẩn có khả năng tồn tại trong niêm mạc dạ dày của bệnh nhân. Khi số lượng vi khuẩn đủ lớn, môi trường dạ dày thích hợp chúng sẽ gây ra nhiều vấn đề về cho hệ tiêu hóa, trong đó có bệnh viêm loét dạ dày.
- Do dùng thuốc không theo chỉ định: Một số loại thuốc có tác dụng phụ gây viêm dạ dày vì vậy khi sử dụng không đúng theo y lệnh, dùng dài ngày sẽ gây bệnh cho trẻ.
- Ăn uống không khoa học: Trẻ ăn uống không được kiểm soát, ăn nhiều đồ ăn không hợp vệ sinh, đồ ăn cay nóng,… lâu dần cũng hình thành viêm dạ dày.
- Căng thẳng kéo dài: Với những trẻ bị áp lực học hành, thi cử, hoặc có biến cố khác xảy ra thường sẽ bị căng thẳng, stress. Những ảnh hưởng của tâm lý đã được chứng minh là gây bệnh trên dạ dày.
2. Các dấu hiệu cảnh báo
- Trẻ chán ăn, lười ăn, hay nôn ói: Thông thường, với những trẻ biếng ăn thường bị ép ăn. Vì vậy, trẻ có hành vi nôn ói để đánh lạc hướng cha mẹ. Tuy nhiên, ở trẻ bị bệnh lý dạ dày, việc chán ăn, lười ăn hay nôn ói trong khi ăn thường xuyên xảy ra, các bậc phụ huynh lại nghĩ con mình giả vờ để trốn tránh việc ăn uống. Chính vì vậy, đây là triệu chứng hay gặp nhưng dễ bị bỏ qua.
- Đau bụng: Trẻ sẽ có triệu chứng đau bụng trước khi ăn hoặc sau khi ăn no. Nguyên nhân đau bụng là do sự bài tiết dịch vị cũng như sự co bóp của dạ dày. Tuy nhiên, triệu chứng này lại dễ nhầm lần với đau bụng do giun sán. Vì vậy, nếu con bạn có dấu hiệu đau bụng loại trừ các nguyên nhân như ngộ độc thực phẩm, giun sán… hãy cho con bạn tới khám tại các cơ sở chuyên khoa tiêu hóa để phát hiện bệnh kịp thời.
- Nôn ói, nôn ra máu: Nôn ói là triệu chứng hay gặp, còn nôn ra máu khi đã có sự xuất huyết các mạch máu ở dạ dày. Việc nôn ói thường xuyên sẽ làm cho trẻ kém hấp thu, dẫn đến thiếu dinh dưỡng hoặc thiếu cân nặng, chiều cao.
- Đi ngoài phân đen: Đây là biểu hiện của xuất huyết đường tiêu hóa cao, cụ thể là xuất huyết dạ dày tá tràng. Nếu xuất huyết lâu ngày, trẻ sẽ có triệu chứng của thiếu máu: da xanh xao, lòng bàn tay bàn chân trắng nhợt, người mệt mỏi, học hành kém tập trung.
- Đầy bụng, ợ hơi, ợ chua: Đó là hậu quả của việc acid dịch vị tiết ra nhiều, trào ngược lên thực quản, họng gây cảm giác chua, nóng ở cổ họng. Triệu chứng này sẽ khó khai thác được ở trẻ chưa diễn đạt.
3. Dự phòng bệnh cho trẻ
- Thực hiện lối sống khoa học, có giờ giấc cho trẻ.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn chín uống sôi để phòng ngwuaf vi khuẩn.
- Làm bạn với con, trò chuyện để hiểu con và tránh gây áp lực, căng thẳng cho con.
- Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, rửa tay trước, sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Cho trẻ sử dụng bộ đồ vệ sinh cá nhân riêng, không dùng chung với người khác.
- Bổ sung vi chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, sức đề kháng cho con.