DẤU HIỆU CHO BIẾT NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG MẬT
Nhiễm trùng đường mật là tình trạng viêm nhiễm đường dẫn mật(túi mật, ống mật chủ, đường mật trong gan, đường mật ngoài gan) gây ra do vi khuẩn. Bệnh thường xảy ra khi có ứ trệ đường mật do sỏi, giun hoặc các nguyên nhân khác. Bệnh cần được theo dõi, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
1. Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng đường mật
Tùy theo từng bệnh nhân mà các triệu chứng sẽ khác nhau, có người triệu chứng rầm rộ điển hình, có người triệu chứng lặng thầm, nghèo nàn, ít triệu chứng gây khó chẩn đoán
Các triệu chứng thường gặp:
- Bệnh nhân có tiền sử mắc 1 trong các bệnh như: sỏi mật, giun chui ống mật chủ, tiền sử phẫu thuật nối mật ruột.
- Sốt cao 39-40°C, có thể sốt kéo dài, rét run, vã mồ hôi.
- Đau âm ĩ hạ sườn phải, có thể có cơn đau quặn gan.
- Vàng da.
- Rối loạn tiêu hóa: chán ăn, rối loạn phân.
- Có hoặc không có gan to hoặc túi mật to.
Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng như:
- Nhiễm trùng huyết.
- Suy thận.
- Chảy máu hoặc áp xe đường mật.
2. Làm thế nào khi có dấu hiệu nhiễm trùng đường mật?
Khi bạn thấy có các dấu hiệu nghi ngờ mắc nhiễm trùng đường mật cần được đi khám để chẩn đoán kịp thời, dựa theo các kết quả cận lâm sàng để chẩn đoán và tiên lượng bệnh.
Các cận lâm sàng thường được chỉ định:
a. Xét nghiệm máu.
- Công thức máu: bạch cầu cao, đặc biệt là bạch cầu trung tính, máu lắng tăng.
- Sinh hóa máu:
Thể hiện tắc mật: Bilirubin tăng, đặc biệt bilirubin trực tiếp
Phosphatase kiềm tăng.;
Cholesterol máu tăng;
Tỉ lệ prothrombin giảm, khi tiêm vitamin K sau 72 giờ xét nghiệm lại thấy tăng lên.
Protein c phản ứng (CRP): thường tăng cao.
– Cấy máu: phát hiện nhiễm trùng huyết.
+ Chủ yếu các vi khuẩn Gram âm từ đường ruột: Escherichia coli (E.coli), Klebsiella, Bacteroides, Enterococus feacalis, Staphylococus.
+ Vi khuẩn kị khí: Clostridium perfringens.
b. Chẩn đoán hình ảnh: giúp nhận định vả đánh giá sự thay đổi hình thái đường mật và tìm nguyên nhân gây ứ trệ đường mật.
- Siêu âm đường mật:
+ Giãn đường mật trong gan và ngoài gan.
+ Thành đường mật dầy, có thể có khí trong đường mật.
+ Có thể thấy nguyên nhân gây tắc nghẽn đường mật: sỏi, giun trong đường mật, ...
- Chụp đường mật nội soi ngược dòng: phát hiện các bất thường đường mật, cản trở trong đường mật.
- Một số trường hợp cần phải chụp CT bụng hoặc MRI đường mật.
+ Chụp CT bụng có thể thấy tắc nghẽn đường mật như: sỏi mật, túi mật hoặc hình ảnh giáp tiếp như giãn đường mật, khí đường mật, các ổ áp xe đường mật.
+ Chụp MRI đường mật có thể thấy những tổn thương như chụp CT bụng, ngoài ra có thể dựng hình đường mật, qua đó có thể xác định vị trí chính xác của tổn thương.
Nói chung nhiễm trùng đường mật là một bệnh nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời, chính vì vậy khi có dấu hiệu nghi ngờ cần tới bệnh viện khám và kiểm tra để được chẩn đoán chính xác, loại trừ các bệnh có dấu hiệu tương tự.
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe hãy liên hệ ngay với
NHÀ THUỐC DONG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
số 5-7 Khu tập thể Thủy sản, ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 0943986986 - 0937638282
Bác sĩ Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)