DIỆP HẠ CHÂU DÙNG LÂU LIỆU CÓ TỐT?
Diệp hạ châu hay còn gọi với cái tên chó đẻ răng cưa là cây thuốc nam mọc hoang trong vườn nhà, quen thuộc với tất cả mọi người. Đây cũng là cây thuốc được nghiên cứu, ứng dụng nhiều trong chữa các bệnh gan và mang lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, nhiều người vì thế mà sử dụng bừa bãi uống thay nước hằng ngày. Câu hỏi đặt ra là, liệu sử dụng diệp hạ châu lâu ngày có thực sự tốt? Cùng Thọ Xuân Đường đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này nhé!
1. Đặc điểm cây thuốc và tác dụng của Diệp hạ châu
• Đặc điểm cây thuốc
Diệp hạ châu (Chó đẻ răng cưa) có tên khoa học là: Phyllanthus urinaria L. Thuộc họ Thầu dầu: (Euphorbiaceae). Là cây thân thảo, sống một năm hoặc lâu. mọc thẳng hay nằm bò, cao tới 80 cm; thân cây tạo nhiều nhánh ở gần gốc; các nhánh nằm sóng soài hay thẳng, có cánh, có lông cứng dọc theo một bên. Các lá xếp thành hai dãy; các lá kèm hình trứng-mũi mác, khoảng 1,5 mm, gốc lá kèm có tai dễ thấy; cuống lá kèm rất ngắn; phiến lá mỏng như giấy, thuôn dài hay thuôn dài-trứng ngược hoặc gần như thẳng, đôi khi hơi cong hình lưỡi liềm, kích thước 4-10 x 2–5 mm, phần xa trục màu lục xám hoặc nhợt nhạt, hoặc đôi khi nhuốm màu ánh đỏ, phần gần trục màu lục tươi hay sẫm, gốc lá chủ yếu tù, đôi khi không đối xứng dễ thấy, mép lá có lông rung, đỉnh lá thuôn tròn, tù hoặc có chóp nhỏ nhọn đầu; các gân lá bên 4-5 cặp, dễ thấy. Cây có tên gọi là diệp hạ châu vì quả của cây có hình tròn, xếp đều phía dưới cuống lá.
• Thành phần hóa học:
Nghiên cứu về thành phần hóa học của cây diệp hạ châu cho thấy trogn thành phần có chứa: Flavonoid, alcaloid phyllanthin và các hợp chất hypophyllanthin, niranthin, phylteralin.
• Tác dụng dược lý:
Có rất nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng của diệp hạ châu trên điều trị các bệnh lý về gan mật, mớ máu như sau:
- Những nghiên cứu y học hiện đại cho thấy, diệp hạ châu chứa một số enzyme như hypophyllanthin hay phyllannthin.. Chất này có khả năng giải độc và phục hồi chức năng gan. Bên cạnh đó, diệp hạ châu cũng có giúp làm tăng lượng glutathione. Đây là chất bảo vệ gan. Từ đó có tác dụng phục hồi chức năng gan. Tại Việt Nam, năm nghiên cứu của Lê Võ Định Tường (Học Viện Quân Y - 1990 - 1996) đã thành công với chế phẩm Hepamarin từ Phyllanthus amarus; nhóm nghiên cứu của Trần Danh Việt, Nguyễn Thượng Dong (Viện Dược Liệu) với bột Phyllanthin (2001).
- Các nhà khoa học Nhật Bản cũng đã khám phá tác dụng ức chế sự phát triển HIV-1 của cao lỏng Phyllanthus niruri thông qua sự kìm hãm quá trình nhân lên của virus HIV vào năm 1992. Năm 1996, Viện nghiên cứu Dược học Bristol Myezs Squibb cũng đã chiết xuất từ Diệp hạ châu được một hoạt chất có tác dụng này và đặt tên là “Nuruside”. Từ đó kết luận, diệp hạ châu có tác dụng trên hệ miễn dịch.
- Ngoài ra còn nhiều nghiên cứu về tác dụng giải độc, giảm đau, hỗ trợ tiêu hóa, tiểu đường,…
• Vị thuốc Diệp hạ châu theo dong y
- Diệp hạ châu có vị đắng, tính mát, vào kinh Can Đởm.
- Công dụng: Thanh can, minh mục, thấm thấp, lợi tiểu.
- Chủ trị: Trẻ con cam tích, phù thủng do viêm thận, nhiễm trùng đường tiểu, sỏi bàng quang, viêm ruột, tiêu chảy, họng sưng đau. Viêm gan virus, viêm gan do rượu, …
2. Diệp hạ châu dùng lâu liệu có tốt?
Tác dụng giải độc gan, trị các bệnh gan mật của Diệp hạ châu được coogn bố rộng rãi trên nhiều công trình nghiên cứu, cũng được sử dụng lâu đời trong dân gian. Vì vậy mà rất nhiều người sử dụng thay nước uống hằng ngày để mong muốn một lá gan khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc sử dụng vô tội vạ loại cây này lại gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Cụ thể như sau:
- Các bác sĩ, dược sĩ tại Học viện y dược học cổ truyền Việt Nam đã nghiên cứu điều trị bệnh nhân Viêm gan B, viêm gan do rượu bằng diệp hạ châu cho kết quả điều trị rất khả quan. Men gan về lại mức ổn định rất nhanh. Tuy nhiên, điều trị kéo dài bằng diệp hạ châu với liều lượng 5g/ngày lại gây phá hủy tế bào gan. Điều này có thể lý giải như sau: Theo đông y, diệp hạ châu tính mát, thiên hàn, uống lâu ngày sẽ làm gan bị lạnh, cơ thể cũng bị hàn lạnh nhiều mà gây rối loạn các chứng năng, rối loạn hệ miễn dịch, từ đó mà gây suy giảm chức năng gan. Còn theo tây y, bình thường, với người bệnh gan, mật như gan quá tải, nóng gan, gan nhiễm độc, tắc mật, viêm túi mật,… thì mới cần thuốc để điều hòa lại chức năng, nếu không có bệnh mà lại uống hằng ngày là bắt gan và mật không có nhu cầu cũng phải tiết ra khiến các cơ quan này phải làm việc nhiều hơn nên dễ bị tổn thương, mất cân bằng và sinh bệnh.
- Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu chứng minh, diệp hạ châu không phù hợp với người huyết áp thấp, thiếu máu vì cây thuốc này nếu dùng lâu dài sẽ gây phá huyết dẫn đến hồng cầu giảm, huyết áp hạ. Ngoài ra còn có giả thiết diệp hạ châu gây vô sinh ở cả nam và nữ giới, tuy nhiên thông tin này cũng cần xác thực.
- Chính vì vậy, mỗi người chúng ta, khi có bệnh lý cần sử dụng diệp hạ châu hay bất kỳ loại thuốc nào khác cũng cần tuân thủ theo y lệnh của thầy thuốc, uống đúng ngày và không tự ý dùng tại nhà khi chưa tham khảo ý kiến từ người có chuyên môn.