KẾ SỮA
DƯỢC LIỆU THIỆN LÀNH BẢO VỆ GAN
Dễ dàng nhận ra cây kế sữa với những bông hoa màu tím gai góc đẹp và lạ; lá to có chấm hoặc gân màu trắng; hạt nhỏ, vỏ cứng màu nâu bóng; toàn thân cây và lá đều có nhiều gai nhỏ li ti đâm vào da rất nhức khi thu hoạch cần phải mang bao tay dày. Kế sữa được dùng làm thuốc từ lâu đời, được coi là dược liệu thiện lành cho gan mật.
Cây kế sữa (Silybum marianum (L.) Gaertn)
1. Kế sữa – loài cây quen thuộc nơi trời Âu
Cây kế sữa (Silybum marianum (L.) Gaertn), thuộc họ Cúc (Asteraceae), còn có nhiều tên gọi khác như kế thánh, kế đức mẹ, cúc gai. Với tên loài là Marianum, cây kế sữa liên quan đến Đức Trinh Nữ Maria. Theo một truyền thuyết thời trung cổ, những giọt sữa nóng của Đức Trinh Nữ Maria đã từng rơi trên lá của cây này, vậy nên trên lá có những chấm trắng như vết tích của sữa. Khi lá cây bị nát, những giọt trắng như sữa chảy ra. Trong thời trung cổ, mọi người tin rằng, đó là dấu hiệu của tác dụng của loài cây đó đối với y học. Bởi vậy, cây kế sữa đã được dùng để làm lợi sữa cho các bà mẹ sau sinh. Dần dần, cây kế sữa được biết đến với nhiều công dụng hơn nữa, nhất là trong việc điều trị các bệnh về gan mật.
Cây kế trong một biểu tượng cổ xưa của người Celtic (các bộ lạc, bộ tộc và dân tộc thời kỳ đồ sắt và thời kỳ đầu Trung Cổ ở châu Âu) nó tượng trưng cho tính cách cao quý.
Cây kế sữa vốn mọc hoang dã ở vùng Địa Trung Hải, ngày nay được trồng rộng rãi khắp châu Âu và Hoa Kỳ. Cây được nhân giống từ hạt, dễ nảy mầm, phát triển tốt ngay cả khi điều kiện đất đai khô cằn, nghèo dinh dưỡng, có khi còn bị cho là cỏ dại. Cây kế sữa đã từng được trồng để làm rau trong các khu vườn của Anh. Người ta ăn những chiếc lá non đã loại bỏ gai vào đầu mùa xuân. Thân cây non tước lột vỏ cũng ăn được như măng tây. Người ta còn kết hợp nhựa cây kế sữa với mật ong để tạo ra thức uống giúp điều hòa mật. Hạt kế sữa là món yêu thích của các loài chim, người ta dùng hạt làm thành phần trong hỗn hợp hạt thức ăn nuôi chim.
2. Kế sữa làm thuốc giúp bảo vệ gan
Đến thế kỷ thứ XII, đối với y học dân tộc một số nước châu Âu, nhất là Đức, cây kế sữa có vai trò quan trọng, được dùng để điều trị các bệnh gan mật, bệnh hói đầu, đau đầu, lở loét, chóng mặt, vàng da và bệnh dịch hạch. Trong nhiều thế kỷ, sự phổ biến của cây kế sữa vẫn còn mạnh mẽ ở châu Âu, châu Mỹ. Nhưng vào đầu thế kỷ XX, cây kế sữa bị coi là lỗi thời, không còn được sử dụng nhiều nữa.
Vào những năm 1960, sự quan tâm đến cây kế sữa đã được khơi dậy khi các nhà khoa học phân lập được các hợp chất flavonolignans (gọi chung là silymarin) từ hạt cây kế sữa có đặc tính bảo vệ gan rõ rệt, hơn 400 nghiên cứu đã chứng minh tác dụng này. Ngày nay, cây kế sữa được dùng để bảo vệ gan, giúp chống lại nhiều loại độc tố như Acetaminophen, rượu, độc nấm mốc. Kế sữa được khuyến cáo sử dụng cho các trường hợp cho viêm gan virus, bệnh gan mãn tính và xơ gan.
Cơ chế bảo vệ gan của silymarin là ngăn chặn độc tố xâm nhập vào tế bào và tăng hoạt động của các enzyme giải độc trong gan.
Không chỉ tại gan, tác dụng của cây kế sữa còn rộng hơn thế nữa. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy tác dụng bảo vệ thận chống lại tổn thương từ thuốc, chất phóng xạ và tác dụng ngăn ngừa tổn thương bởi tia cực tím cho da.
Nghiên cứu lâm sàng trên những công nhân đã tiếp xúc với hơi độc hại của toluene và hoặc xylene trong 5-20 năm, được sử dụng 80% silymarin. Tất cả công nhân này đều có sự cải thiện đáng kể về chức năng gan và số lượng tiểu cầu so với nhóm đối chứng dùng giả dược. Silymarin cũng được một nghiên cứu lâm sàng khác chứng minh tác dụng làm giảm tổn thương gan do thuốc hướng thân ở những bệnh nhân điều trị tâm thần phân liệt và rối loạn phân ly. Năm 2010, tạp chí y khoa Cancer đã báo cáo rằng một nghiên cứu giả dược mù đôi ở 50 trẻ em chỉ ra rằng cây kế sữa có thể điều trị tổn thương gan do hóa trị bệnh ung thư.
• Cách sử dụng
- Đun nhỏ 1 muỗng cà phê hạt cây kế sữa đã nghiền hãm với nước sôi trong 10 phút. Uống 1 đến 3 cốc mỗi ngày.
- Chiết xuất rượu không được khuyến khích nếu sử dụng với mục đích bảo vệ gan.
- Khi sử dụng sản phẩm từ cây kế sữa để bảo vệ gan, hãy sử dụng loại có chứa tối thiểu 70% silymarin. Liều cho các sản phẩm này thường là 210 - 420 mg mỗi ngày. Nghiên cứu cho thấy sự hấp thụ được tăng cường khi cây kế sữa được kết hợp với phosphatidylcholine.
- Nghiền hạt cây kế sữa và nấu với bột yến mạch, hạnh nhân sẽ có ngay món ăn dinh dưỡng lành mạnh và thơm ngon.
- Lá, thân non loại bỏ gai, tước xơ già có thể làm rau ăn.
Kế sữa là dược liệu giúp bảo vệ gan, cải thiện chức năng gan. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả và an toàn, cần phải tham khảo ý kiến thầy thuốc.
Tiến sĩ – Lương Y: Phùng Tuấn Giang
Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường
Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam