CÁC LOẠI THUỐC VỪA LÀ THỨC ĂN VỪA LÀ VỊ THUỐC P2
Không chỉ các thầy thuốc mà trong dân gian xưa vẫn thường truyền miệng nhiều bài thuốc cũng như món ăn chữa bệnh từ các loại đậu. Phần tiếp theo, Thọ Xuân Đường mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu về 2 loại đậu khác đó là đậu đỏ và đậu tương.
1. Đậu đỏ

• Mô tả
- Tên khoa học: Vigna angularis (Willd.) Ohwi et Ohashi. Thuộc họ Đậu Fabaceae.
- Thành phần hóa học: Hạt đậu đỏ phơi khô chứa nước 10,8%, protid 19,9%, lipid 0,5%, glucid 64,4% xơ 7,8%, tro 4,3%. Hạt còn chứa a, b - globulin, vitamin A1, B1, B2, calcium, phosphor, sắt.
- Tác dụng dược lý: kháng khuẩn, hạ cholesterol, lợi tiểu, tiêu viêm, và chống ung thư.
• Vị thuốc Đậu đỏ trong dong y
- Tên vị thuốc: Xích tiểu đậu.
- Tính vị, quy kinh: vị ngọt, chua, tính bình. Quy kinh: tâm, tiểu trường.
- Công dụng: lợi thủy tiêu thũng trị đầy trướng, sưng nề tay chân, tiểu đỏ, da vàng, mụn nhọt, mẩn ngứa.
• Bài thuốc từ đậu đỏ
- Chữa quai bị: đậu đỏ dùng một nắm nhỏ tán bột, trộn với lòng trắng trứng gà và dấm, thoa dày lên chỗ sưng.
- Lợi sữa, thông tiểu: Sắc 500 ml nước với khoảng 250g đậu đỏ, để sôi khoảng 20 phút. Lọc lấy nước, bỏ bã. Uống liên tục từ 3-5 ngày để đạt hiệu quả. Sắc đậu đỏ uống thường xuyên cũng chữa được bệnh thiếu máu.
- Chữa sản dịch, huyết hôi ở sản phụ: Đậu đỏ 50-100 g, đường đỏ lượng vừa phải, nấu nhừ lên, ăn hết trong ngày.
- Chữa sưng lở chân do thấp nhiệt: Ðậu đỏ 20, Hoàng bá nam, Ngưu tất, Kim ngân hoa, Bồ công anh, Ðơn đỏ,lượng đều 12g, sắc uống
• Món ăn chữa bệnh từ đậu đỏ
- Canh cá chép đậu đỏ: Đậu đỏ 50g, cá chép 1 con, bí đao 1kg, hành hoa. Ăn nóng cả cái lẫn nước ngày 1 lần, liên tục từ 5-7 ngày. Món cnah cá chép đậu đỏ rất tốt để trị viêm cầu thận cấp.
- Cháo gạo tẻ, đậu đỏ, ý dĩ liều lượng bằng nhau nấu nhừ, thêm đường. Ngày ăn 2 lần, trị phù thũng, tiểu tiện không thông.
- Đậu đỏ 30, bí đao 1kg, ninh nhừ đậu đỏ, cho bí đao vào nấu chín, ăn cái uống nước, Trị tiểu đường, mẩn ngứa, mụn nhọt.
- Bổ khí huyết, kiện tỳ ích vị, tăng cường sức khỏe: Đậu đỏ 30g, chim cút 2 con, gừng tươi 3 lát. Hầm mềm, nêm gia vị, ăn nóng.
2. Đậu tương

• Mô tả
- Tên gọi khác: Đậu nành, đại đậu.
- Tên khoa học: Glycine max (L.) Merr. Thuộc họ Đậu Fabaceae.
- Thành phần hóa học: Trong hạt đậu nành có các thành phần đã biết tính theo tỷ lệ % Protid40, lipid 12-25, glucid 10-15; có các muối khoáng Ca, Fe, Mg, P, K, Na, S; các vitamin A, B1, B2, D, E, F; các men, sáp, nhựa, celluloz. Trong đậu nành có đủ các acid amin cơ bản isoleucin, leucin, lysin, metionin, phenylalanin, tryptophan, valin. Trong đạm đậu xị ngoài protid, lipid, glucid, còn có xanthine, hypoxanthine, caroten, các vitamin B1, B2, vitamin PP.
• Vị thuốc đậu tương trong đông y
- Tên vị thuốc: Đại đậu.
- Tính vị, quy kinh: vị ngọt, tính bình. Quy kinh Tỳ, Thận.
- Công dụng: Giải biểu, lợi thấp, hoạt huyết, khu phong, giải độc,tư âm bổ dưỡng và chữa hoàng đản.
• Bài thuốc từ đậu tương
- Chữa mồ hôi trộm: Đậu tương 100g, Hạt tiểu mạch 50g: Các vị thuốc cho vào nồi, thêm 600ml nước đun nhỏ lửa cho thuốc nhừ. Khi còn 300ml nước thuốc chắt lấy nước, bỏ bã. Hoặc dùng bài: Đậu tương 20g, Long nhãn 20g, Bách hợp 15g, Hạt sen 20g, Ngũ vị tử 10g sắc . Chia uống ngày 3 lần, uống hết trong ngày, sau ăn. Uống liên tục 11 ngày.
- Chữa viêm gan mạn tính, vàng da: Đậu tương, đan sâm lượng bằng nhau, sấy khô tán bột mịn. Dùng mật ong, đường phèn luyện thành viên bằng hạt ngô, sấy khô. Ngày uống 3 lần mỗi lần dùng 10 viên, lúc đói.
- Chữa rụng tóc: Đậu tương 30g, Vừng đen 30g, Nhân lạc 30g, Đậu xanh 30g, Đậu đỏ nhỏ hạt 30g, Đậu đen 30g, sấy khô tán mịn. Nấu 50g đường trắng cho tan hết, luyện bột trên thành viên kích thước như viên ngô đồng. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 viên, sau ăn.
- Chữa chứng đau đầu chóng mặt miệng khô khát (tăng huyết áp): đậu phụ 200g, nấm hương 40g, tôm 25g, cho thêm dầu vừng và gia vị vừa đủ tuần ăn vài lần.
- Dùng sữa đậu hằng ngày cũng giúp kiểm soát được lượng cholesterol. Tuy nhiên, cần nấu chín, để tránh bị buồn nôn, đau bụng đi ngoài. Không nên uống sữa đậu nành cùng với trứng cũng như với nhiều đường, cơ thể sẽ khó hấp thu, dễ bị đầy bụng.