CỦ NÉN (HÀNH TĂM) VỊ THUỐC DÂN GIÃ KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT
Củ nén là một loại củ gia vị không thể thiếu trong các món ăn của người dân miền Trung đặc biệt là vùng Bắc Trung Bộ. Nhân dân nơi đây gọi củ nén là hành tăm. Chúng không chỉ hữu dụng trong nhà bếp, mà còn là một vị thuốc đông y cực tốt. Cùng tìm hiểu loại củ nhỏ bé nhưng có mùi hương đặc trưng này nhé!
1. Tìm hiều về củ nén
- Củ nén (hành tăm) có tên khoa học là Allium odorum L, thuộc họ Hành tỏi Alliaceae.
- Đặc điểm: Cây thảo, cao tầm 15-20cm, thân hành (củ) trắng to bằng ngón tay út hay hạt ngô, đường kính cỡ 2cm, bao bởi những vẩy dai, lá và cán hoa có hình trụ, thẳng đứng, đường kinh nhỏ hơn Hành Hương. Cụm hoa màu trắng, mọc ở đầu cán hoa, bông nhỏ, cuống ngắn.
- Thành phần hóa học: Hợp chất lưu huỳnh như metylpen – tyldisulfid, pentylhydrodisulfid và nhiều silic. Các nghiên cứu về củ, thân, lá cho thấy hành tăm chứa nhiều chất chống oxy hóa: superoxide effutase, catalase, peroxidase, glutathione peroxidase. Ngoài ra còn có chứa flavonoid, diệp lục a và b, carotenoids, vitamin C và protein hòa tan.
- Tác dụng dược lý: qua những thành phần dược chất trên, củ nén có tính kháng sinh, trợ tiêu hoá, giúp sát trùng đường hô hấp, chống sình bụng, ngăn cảm cúm và viêm họng, đặc biệt nén cũng có tác dụng chống oxy hóa, ngắn ngừa bệnh ung thư…
2. Vị thuốc củ nén trong dong y
- Củ nén là vị thuốc dân gian được lưu truyền lâu đời.
- Tính vị: vị đắng cay, mùi hăng nồng, tính ấm.
- Công dụng: Phát hãn, giải biểu, hành khí hạ đàm, lợi tiểu, giải độc, sát trùng.
- Chủ trị: Thường dùng để giải cảm, trị trúng phong, thấp nhiệt, ôn bệnh thời khí, nóng rét, nhức đầu, nghẹt mũi, ho tức ngực; chữa đầy bụng, bí đại tiểu tiện và an thai. Ngoài ra còn chữa rắn độc, chó dại cắn, thoát giang.
- Liều dùng: 12-24g.
3. Các bài thuốc dân gian từ củ nén
- Giải cảm: Lấy một nắm củ nén, sắc nước uống, bên ngoài thì lấy lá, vò nát với gừng, dùng khăn hoặc vải bọc lại rồi cạo gió. Ngoài ra, dân gian thường hay nấu cháo trắng, cho củ và thân lá vào ăn nóng, sau đó đắp chăn ngủ cho toát hết mồ hôi bệnh sẽ giảm.
- Trúng độc, mặt xanh, người lạnh: 100g lá nén giã nát, chắt lấy nước xoa khắp cơ thể.
- Thoát giang: Gĩa một nắm củ nén, sao nóng, một phần đắp rốn, một phần xông vùng thoát giang.
- Củ hoặc lá hành tăm giã nhỏ cho đường phèn vào hấp cách thủy chắt lấy nước uống có tác dụng kháng khuẩn đường hô hấp, trị ho, sổ mũi, nghẹt mũi.
- Chữa đầy trướng bụng ở trẻ em: Dùng hành tăm, bồ kết, cây chổi rành cả hoa. Đốt than lên cho đỏ hồng rồi cho các thứ đó lên trên, xông hơi.
- Trị bí đái trướng đầy: Giã giập sao, nóng đắp lên vùng bàng quang.
- Hành tăm giã nát, thêm cùng với rượu có tác dụng trị ngộ độc thực phẩm.
- Nấu nước hành tăm để rửa vết thương, máu tụ do hành tăm có tác dụng kháng khuẩn rất tốt.
- Trường hợp khẩn cấp khi bị rắn cắn, sâu bọ cắn có thể giã nát 7 củ hành tăm đắp vào vết thương, sau đó tìm thuốc xử lý.
- Ngoài ra, hành tăm còn được sử dụng để khử mùi hôi tanh các loại thịt động vật, hải sản lại có mùi thơm nồng vì vậy mà được các bà nội trợ tin dùng trong bữa ăn hằng ngày.