TRỊ HEN SUYỄN VỚI BÀI THUỐC MA HẠNH THẠCH CAM THANG
Hen suyễn là một bệnh lý thường gặp, đa số gặp ở trẻ em. Bệnh cũng có thể gặp ở người già và người trưởng thành. Bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như sinh hoạt, học tập, làm việc của bệnh nhân. Cùng Thọ Xuân Đường tìm hiểu về bệnh hen suyễn cũng như bài thuốc Ma hạnh thạch cam thang được ứng dụng trong điều trị hen suyễn thể nhiệt.
1. Hen suyễn theo tây y
- Theo y học hiện đại, hen suyễn hay hen phế quản là bệnh lý viêm mãn tính đường hô hấp do nhiều tế bào và thành phần tế bào tham gia. Bệnh biểu hiện bằng những đợt tái diễn của ran rít, khó thở, bó sát lồng ngực và ho đặc biệt xảy ra ban đêm hay vào sáng sớm và thường hồi phục do điều trị hoặc tự nhiên. (Theo GINA 2002).
- Nguyên nhân gây bệnh được chia làm nhiều nhóm nhỏ bao gồm: Hen phế quản dị ứng do nhiễm khuẩn hoặc các dị nguyên không nhiễm khuẩn như bụi nhà, phấn hoa, lông động vật, thuốc; hen phế quản không dị ứng thường do yếu tố tâm lý, di truyền, do lạnh, gắng sức hay rối loạn nội tiết tố.
- Điều trị thường sử dụng thuốc giãn phế quản, chống viêm, chống dị ứng. Với bệnh nhân hen phế quản dai dẳng, thường sẽ có thuốc dùng hằng ngày, trong đó thuốc giãn phế quản dạng xịt là một thuốc không thể thiếu.
2. Quan điểm của đông y về hen suyễn
- Theo dong y, bệnh hen phế quản được gọi là háo chứng, háo suyễn, suyễn, với biểu hiện bệnh là các cơn ho, khó thở kèm theo có đàm hoặc không có đàm và một số biểu hiện khác.
- Đông y chia Hen suyễn làm 2 thể bệnh đó là Hen nhiệt (với biểu hiện của nhiệt như: bệnh tăng khi bị nhiễm nhiệt, tái phát vào mùa hè, nhiệt độ cao, có kèm theo đờm đặc, màu vàng hoặc xanh) và Hen hàn (bệnh tăng khi gặp lạnh, tái phát vào mùa đông, đờm loãng màu trắng).
- Bệnh cơ: Các bệnh lý bắt đầu từ tà khí, ngoại cảm xâm nhập qua bì phu, tấu lý gây ảnh hưởng đến vệ khí, tà vào cơ thể, phế là tạng đầu tiên bị ảnh hưởng, phế lại giữ chức năng tuyên phát, túc giáng, phế khí hư dẫn đến khí không nạp được xuống thận mà nghịch lên trên gây ho hen, háo suyễn. Bệnh lâu ngày ảnh hưởng đến chính khí cũng như công năng các tạng phủ khác. Vì vậy điều trị bệnh mới, chính khí còn đầy đủ thì dùng trục tà là chính, bệnh lâu ngày thì công bổ kiêm thi.
- Với thể Hen hàn thường dùng bài Tô tử giáng khí thang, với thể Hen nhiệt có thể dùng bài Ma hạnh thạch cam thang. Bệnh lâu ngày, tùy xét tạng Phế, Tỳ, Thận hư mà dùng các phương thuốc bổ phù hợp.
3. Bài thuốc Ma hạnh thạch cam thang trị chứng Hen nhiệt
- Thành phần: Ma hoàng 8g, Hạnh nhân 6g, Thạch Cao 8-12g , Chích cam thảo 4g.
- Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang.
- Công dụng: Tuyên phế, thanh nhiệt, gíang khí, bình suyễn.
- Chủ trị: Viêm phế quản cấp, viêm phổi thùy, phổi đốm, hen suyễn.
- Phân tích bài thuốc: Bài thuốc sử dụng Ma hoàng có tác dụng phát hãn, giải biểu, trừ tà khí nhiệt, chỉ khái nghịch thương khí. Thạch cao giải cơ, phát hãn mà sinh tân, trừ phiền nhiệt có tác dụng hỗ trợ tăng tác dụng của Ma hoàng. Hạnh nhân chỉ khái bình suyễn mà tính lại hơi ấm giúp giảm lạnh của Thạch cao. Chích cam thảo bổ khí, điều hòa bài thuốc. Toàn phương kết hợp tăng tác dụng tuyên phế, giải biểu, phát hãn, chỉ khái bình suyễn, thanh nhiệt. Vì vậy mà bài thuốc được ứng dụng rỗng rãi trong chữa chứng hen suyễn có biểu hiện của nhiệt, có sốt.
- Trên lâm sàng tùy chứng bệnh mà gia giảm liều lượng hợp lý. Nếu có sốt cao, bội liều Thạch cao (gấp 5 lần liều Ma hoàng); Nếu đờm nhiều khó thở gia Đình lịch tử, Tang bạch bì, Tỳ bà diệp để túc giáng phế khí. Nếu ho suyễn sốt cao, khát nước ra mồ hôi, rêu lưỡi vàng tăng lượng Thạch cao, thêm Tri mẫu, Hoàng cầm, Qua lâu nhân để thanh tả phế vị nhiệt