NGUYÊN NHÂN VÀ BIỂU HIỆN SA TỬ CUNG
Sa tử cung hay còn gọi là sa sinh dục, sa dạ con, sa thành âm đạo là tình trạng khá thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Sa tử cung khiến không ít chị em khốn khổ, ảnh hưởng đến đời sống tình dục và mối quan hệ vợ chồng. Vậy nguyên nhân và các biểu hiện của sa tử cung là gì?
1. Nguyên nhân gây sa tử cung
Sa tử cung xảy ra do cơ sàn chậu và dây chằng căng giãn quá mức, không thể nâng đỡ tử cung mà gây ra. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây sa tử cung
- Do chấn thương
Các sang chấn xảy ra tại vùng cơ đáy chậu, các mô nâng đỡ tử cung hoặc cổ tử cung trong khi sinh đều có thể gây sa tử cung. Tình trạng này thường gặp ở các ca sinh theo đường âm đạo mà con quá to, sinh khó, thời gian chuyển dạ quá lâu, sinh con quá nhiều lần.
- Do can thiệp y khoa trong khi sinh
Trong khi sinh nếu có sử dụng các can thiệp như phẫu thuật nội soi, sinh mổ, nạo phá thai cũng có thể là nguyên nhân gây sa tử cung.
- Do không kiêng cữ sau sinh
Sau sinh nhiều phụ nữ không được kiêng cữ, vẫn phải làm việc, lao động hay mang vác nặng khiến vùng đáy bụng phải co bóp nhiều, trong khi các cơ quan này chưa phục hồi sau sinh dẫn đến tổn thương và sa tử cung.
- Do táo bón sau sinh
Trong quá trình mang thai sản phụ cũng rất dễ bị táo bón do uống sắt, canxi, do thai to chèn ép. Sau sinh tình trạng này cũng thường tái diễn khiến tăng áp lực trong ổ bụng kéo dài khiến tử cung bị sa xuống.
- Do các dị tật bẩm sinh ở tử cung
Một số bệnh nhân có dị tật bẩm sinh như tử cung 2 buồng, kích thước cổ và eo tử cung bất thường… cũng có thể trở thành nguyên nhân gây sa tử cung.
2. Các biểu hiện của sa tử cung
Sa tử cung có nhiều giai đoạn, tùy theo mức độ và thời gian bị sa tử cung mà có các biểu hiện khác nhau.
- Khó chịu, tức nặng ở vùng cửa mình
Đây là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân sa sinh dục. Bệnh nhân sẽ cảm thấy tức nặng vùng cửa mình, đau ở vùng hạ vị khó chịu. Các triệu chứng này thường tăng lên khi đứng, giảm khi nằm nghỉ ngơi.
- Mót rặn
Bệnh nhân có cảm giác muốn rặn đẻ vì các tĩnh mạch ở vùng dáy chậu bị sa sung huyết, đồng thời do áp lực trong thành bụng dồn xuống vùng đáy chậu đã bị suy yếu, hay bị đau vùng thắt lưng.
- Có khối sa lồi ở vùng âm hộ
Đây là biểu hiện sa sinh dục ở giai đoạn sau, ban đầu khi làm việc nặng, ho hắt hơi khiến tăng áp lực ổ bụng nhiều khiến thì khối sa mới xuất hiện ra ngoài âm đạo, khi nằm nghỉ hoặc nghỉ ngơi thì khối sa sẽ tụt sâu vào trong.
Giai đoạn sau khi bệnh nặng, khối sa thò ra ngoài càng ngày càng nặng không đẩy được vào, kể cả lúc nghỉ ngơi. Khối sa này khiến bệnh nhân vô cùng khó chịu, các triệu chứng tức nặng và đau hạ vị ngày một tăng, cảm giác khó chịu vướng víu ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
- Một số biểu hiện khác
Khi sa tử cung có thể ảnh hưởng đến bàng quang gây rối loạn tiểu tiện, thậm chí gây bí tiểu. Hoặc có thể ảnh hưởng trực tràng gây sa trực tràng khiến táo bón, rối loạn tiêu hóa.