RONG KINH – NỖI ÁM ẢNH CỦA PHỤ NỮ
Khác với nam giới, chị em phụ nữ thường nhỏ to tâm sự chuyện về vấn đề kinh nguyệt và những nỗi lo thầm kín. Không phải chu kì kinh nguyệt của ai cũng đều đặn và mọi thứ bình thường. Một số chị em thường xuyên bị rối loạn kinh nguyệt như kinh đến sớm, trễ kinh, rong kinh, rong huyết… Trong đó rong kinh là nỗi ám ảnh của chị em phụ nữ.
1. Thế nào là rong kinh?
Con gái đến tuổi dậy thì khoảng 13-14 tuổi bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt, mỗi tháng thường có 1 lần. Nhưng độ dài chu kì kinh không phải lúc nào cũng là 30 ngày, có người chu kì ngắn chỉ 24-26 ngày, có người kéo dài 45-60 ngày mới có 1 lần.
Thời gian hành kinh (ra máu âm đạo) thường bắt đầu từ đầu chu ki kinh nguyệt và kéo dài từ 3 – 5 ngày. Khi thời gian hành kinh kéo dài > 7 ngày và lượng máu kinh nhiều quá 80ml/ 1 chu kì kinh. Máu kinh bất thường như đông, vón cục, tím sẫm…
Tình trạng rong kinh có thể kéo dài hơn 15 ngày hoặc âm đạo ra máu bất thường kéo dài đều được gọi chung là rong kinh rong huyết.
2. Nguyên nhân gây ra rong kinh
Rong kinh kéo dài khiến mất máu gây thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi. Rong kinh cũng khiến vùng âm đạo luôn ẩm ướt, phải dùng băng vệ sinh liên tục rất dễ gây viêm nhiễm phụ khoa. Vì vậy nên cần tìm xem nguyên nhân gây rong kinh là gì để giải quyết.
- Rong kinh cơ năng:
Rong kinh cơ năng thường hay gặp ở phụ nữ trong thời kỳ đầu dậy thì, phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh hoặc phụ nữ sau khi sinh đẻ. Đây là 3 thời điểm kinh nguyệt không ổn định, chu kỳ kinh nguyệt dài ngắn thất thường, dễ dẫn đến tình trạng rong kinh. Phụ nữ sử dụng thuốc phá thai hoặc uống nhiều thuốc tránh thai cũng là nguyên nhân gây rong kinh.
Phụ nữ béo phì, hút thuốc lá hoặc bị mắc các bệnh đái tháo đường, viêm gan mạn, rối loạn máu đông, các bệnh tim và thận... có nguy cơ bị rong kinh cao hơn người bình thường.
- Rong kinh do nguyên nhân thực thể:
Là hiện tượng rong kinh do các tổn thương ở buồng trứng, tử cung. Nói cách khác, rong kinh do nguyên nhân thực thể là triệu chứng của một số bệnh lý như: u xơ tử cung, polyp tử cung, viêm nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, đa nang buồng trứng, ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung...
3. Làm thế nào khi bị rong kinh
Khi bị rong kinh chắc chắn sẽ gây ra rất nhiều phiền toái cho chị em phụ nữ, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên chị em đừng lo lắng mà cần thực hiện các biện pháp sau:
- Đi khám ngay khi thấy bị rong kinh
Khi kinh kéo dài > 7 ngày thì nên đi khám luôn, không nên chờ đợi. Vì tình trạng càng kéo dài càng gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
Tại bệnh viện các bác sĩ sẽ siêu âm, xét nghiệm nội tiết, khám phụ khoa và các cận lâm sàng cần thiết khác, giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh và cho thuốc điều trị
- Giữ vệ sinh cơ thể
Tình trạng rong kinh khiến nguy cơ viêm nhiễm vùng kín càng tăng. Cần vệ sinh vùng kín ngày 2 lần bằng các dung dịch phụ khoa hoặc thảo dược thiên nhiên như trầu không, trà xanh, thuốc phụ khoa đông y
Thay băng vệ sinh thường xuyên 4 giờ 1 lần
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng
Khi rong kinh cơ thể thường mệt mỏi, vì vậy nên ăn uống tăng cường dinh dưỡng. bổ sung thêm thịt bò, thịt lợn, bí đỏ, cà rốt để bổ máu. Ngoài ra ăn tăng trái cây tươi để bổ sung vitamin
- Ngủ đủ giấc và thư giãn
Thư giãn, tránh lo lắng căng thẳng, ngủ đủ giấc sẽ giúp cải thiện tình trạng rong kinh