TỔNG QUAN VỀ BỆNH MẠCH VÀNH
Các bệnh về tim mạch khiến ai cũng sợ bởi nó là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột tử. Trong đó phải kể đến bệnh mạch vành gây tử vong rất nhiều nếu không được cấp cứu kịp thời. Vậy bệnh mạch vành là gì mà đáng sợ đến vậy?
1. Các thể bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành chia làm 2 thể cấp và mạn
• Bệnh mạch vành mạn tính
- Cơn đau thắt ngực ổn định: Thường là do mảng xơ vữa gây hẹp lòng động mạch vành, khiến cho lượng máu cung cấp cho tim bị thiếu hụt. Bệnh nhân thường có cơn đau thắt ngực tái đi tái lại nhiều lần, thường gặp khi gắng sức.
- Cơn đau thắt ngực Prinzmetal: ít gặp, thường có cơn đau ngực điển hình khi nghỉ. Chẩn đoán bằng điện tim và test gây co thắt động mạch khi chụp động mạch vành.
- Thiếu máu cơ tim yên lặng: Bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng gì đặc biệt, thường gặp ở các bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật như bắc cầu động mạch vành, bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim…
• Bệnh mạch vành cấp
- Nhồi máu cơ tim: là một cấp cứu cần được xử lí ngay vì nguy cơ tử vong cao. Các triệu chứng điển hình là đau thắt ngực, cảm giác đau như đè nặng, bóp chặt ở tim kéo dài 5-15 phút. Ngoài ra có một số triệu chứng khác như vã mồ hôi, mệt nhọc, khó thở, tím tái…
- Cơn đau thắt ngực không ổn định: Bệnh nhân xuất hiện các cơn đau thắt ngực không phụ thuộc hoàn cảnh, cơn đau có thể xuất hiện cả khi gắng sức và khi nghỉ ngơi. Có nguy cơ gây nhồi máu cơ tim cao hơn.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh mạch vành
• Triệu chứng lâm sàng
- Cơn đau thắt ngực điển hình: Đau có cảm giác bó chặt, thắt nghẹt, đè nặng như đá đè, vị trí là đau vùng tim, đau sau xương ức hoặc đau giữa ngực. Đau thường lan lên cổ, hàm, vai, cánh tay, 1 số ít trường hợp đau lan ra sau lưng hay vùng cột sống. Cơn đau thường ngắn chỉ khoảng vài phút, nếu cơn đau kéo dài trên 15 phút thì có thể bị nhồi máu cơ tim.
- Các triệu chứng khác: khó thở, tím tái, vã mồ hôi, nhịp tim rất nhanh hoặc rất chậm, huyết áp cao hoặc có thể tụt…
- Nghe tim tiếng tim có thể mờ, có thể thấy rối loạn nhịp tim
• Triệu chứng cận lâm sàng
- Điện tim: là cận lâm sàng đơn giản không xâm lấn nhưng có hiệu quả tốt, cho phép đánh giá vùng thiếu máu, vùng hoại tử cơ tim qua sự biến đổi các sóng điện tim.
- Siêu âm Doppler tim: xem có vùng cơ tim nào vận động bất thường
- Chụp động mạch vành: Đánh giá cụ thể động mạch nào bị tắc, hẹp.
3. Điều trị
• Mục tiêu điều trị
Phòng nhồi máu cơ tim, Giảm đau thắt ngực, Cải thiện chất lượng cuộc sống
• Điều trị các yếu tố nguy cơ
- Thừa cân và béo phì: giảm cân để có cân nặng lí tưởng, giảm vòng bụng nữ <88cm, nam <102 cm.
- Chế độ ăn lành mạnh: Giảm muối trong bữa ăn hàng ngày, cung cấp thêm rau và hoa quả, tăng cường ăn cá giảm ăn thịt đặc biệt các loại thịt đỏ, không ăn mỡ và các phủ tạng động vật, không ăn thực phẩm đóng hộp…
- Bỏ thuốc lá, rượu bia, chất kích thích
- Kiểm soát đái tháo đường, Rối loạn chuyển hóa lipid…
- Tập thể dục thường xuyên, vừa sức
- Tránh stress, căng thẳng
• Điều trị nội khoa
Dùng các thuốc phối hợp với nhau như: thuốc chống kết vón tiểu cầu aspirin, thuốc chẹn kênh calci, thuốc ức chế thụ thể beta, thuốc đông y theo thể bệnh…
• Điều trị can thiệp
Nong mạch vành qua da, phẫu thuật bắc cầu nối mạch vành.
Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)