Thì là đã tồn tại trong nhiều thế kỷ cho cả mục đích làm thực phẩm và làm thuốc.
Hạt thì là, dầu thì là và thì là tươi là những dạng điển hình và thường được sử dụng để tăng thêm hương vị cho các món nướng, đồ ăn nhẹ, gia vị và các sản phẩm thịt, thủy hải sản... Thậm chí người ta còn còn tận dụng thì là để sản xuất xà phòng, nước hoa, chất tẩy rửa, kem dưỡng và nước thơm.
Thì là là nguồn cung cấp calci, mangan và sắt dồi dào, đồng thời là một loại thực phẩm chống oxy hóa, flavonoid của nó cung cấp các đặc tính chống viêm và kháng virus mang lại cho loại thảo mộc này rất nhiều lợi ích sức khỏe đáng kinh ngạc.
Tìm hiểu về thì là
Thì là (Anethum Graveolens), thuộc họ Hoa tán (Apiaceae).
Thì là có nguồn gốc từ khu vực Địa Trung Hải và đã được sử dụng từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại vừa là gia vị vừa là thuốc.
Ghi chép sớm nhất về thì là như một loại dược thảo được tìm thấy ở Ai Cập cách đây 5.000 năm, khi loại cây này được coi là “thuốc làm dịu”. Khoảng 3.000 năm trước Công nguyên, người Babylon đã trồng nó trong vườn của họ.
Loại thảo mộc này cũng là một loại cây được sử dụng rộng rãi và quen thuộc trong văn hóa Hy Lạp. Dầu thơm thì là được đốt trong các ngôi nhà của người Hy Lạp và tinh dầu của cây được dùng để làm rượu vang.
Lợi ích sức khỏe của thì là
Có thể giúp giảm đau bụng kinh nguyệt
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Khoa Thống kê Sinh học và Nhân khẩu học tại Đại học Khon Kaen ở Thái Lan đã xem xét tác dụng của thì là ở những sinh viên mắc chứng đau bụng kinh nguyên phát, còn được gọi là đau bụng kinh nguyệt hoặc chuột rút kinh nguyệt, ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc đầu tuổi 20.
Các can thiệp trong thử nghiệm bao gồm 12 loại thuốc thảo dược khác nhau: Thì là, hoa cúc, quế, hoa hồng, tiểu hồi, cỏ cà ri, gừng, ổi, đại hoàng, uzara, nữ lang và zataria, cũng như 5 loại thuốc bổ sung không phải thảo dược (dầu cá, melatonin, vitamin B1 và E, và kẽm sunfat) với nhiều công thức và liều lượng khác nhau. Mặc dù tác dụng không mạnh nhưng một số bằng chứng về hiệu quả của một số chất bổ sung rõ ràng là chúng làm giảm một số cảm giác khó chịu và đau đớn liên quan đến đau bụng kinh, bao gồm cả thì là.
Một thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi khác cho thấy “thì là có hiệu quả tương đương với axit mefenamic trong việc giảm mức độ đau ở chứng đau bụng kinh nguyên phát”.
Giúp giảm trầm cảm
Trầm cảm là một vấn đề lớn đối với rất nhiều người, cả người lớn và thanh thiếu niên. Thì là thực sự có thể giúp ích như một phương thuốc tự nhiên cho bệnh trầm cảm.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Trị liệu Hoa Kỳ nhằm mục đích điều tra các đặc tính chống trầm cảm và giảm đau của dịch chiết nước thì là. Chiết xuất của cây được dùng cho các đối tượng và cho thấy tác dụng chống trầm cảm và giảm đau đáng kể khi so sánh với các loại thuốc tham khảo (sertraline và tramadol).
Ngoài ra, thì là không gây ra tác dụng phụ nào và hoạt chất trong chiết xuất nước của cây thì là cho thấy lợi ích từ polyphenol, flavonoid và tanin trong đó.
Giảm cholesterol
Thì là mang lại lợi ích giảm cholesterol đáng kinh ngạc. Thông qua các nghiên cứu, người ta đã xác định rằng tác dụng của thì là đối với thành phần lipid, men gan, biểu hiện gene và hoạt động của enzyme là tích cực ở chuột đồng có cholesterol cao.
Các đối tượng được chia ngẫu nhiên thành 6 nhóm và nhận được liều lượng thì là hàng ngày dưới nhiều dạng khác nhau. Sau 1 tháng, khi so sánh với nhóm không dùng thì là, thành phần lipid, đường huyết và men gan giảm đáng kể ở tất cả các nhóm được điều trị bằng viên thì là hoặc chiết xuất thì là.
Đuổi côn trùng tự nhiên
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bảo vệ Thực phẩm, thì là đã cho thấy khả năng xua đuổi sâu bọ. 20 loại tinh dầu có nguồn gốc từ thực vật đã được đánh giá về hoạt tính diệt côn trùng. Phản ứng khác nhau tùy theo loài, tinh dầu thực vật và thời gian tiếp xúc khác nhau.
Dựa trên giá trị liều gây chết 50% trong thuốc khử trùng, tinh dầu thì là gây ra tỷ lệ chết sâu bệnh cao nhất, tiếp theo là tinh dầu cỏ thi và tinh dầu bạch đàn. Tinh dầu tràm gió và tinh dầu tràm trà cũng rất hữu ích trong việc xua đuổi côn trùng.
Những kết quả này chỉ ra rằng tinh dầu thì là, cùng với những loại khác, có thể có tiềm năng phát triển như một tác nhân giúp bảo vệ ngũ cốc được bảo quản khỏi côn trùng và bọ ve, rõ ràng là sự lựa chọn tốt hơn và an toàn hơn nhiều so với các hóa chất gây bệnh.
Có thể điều trị bệnh động kinh
Bệnh động kinh là nỗi sợ hãi đối với những người mắc bệnh và gia đình họ. Đó là một chứng rối loạn thần kinh phổ biến được đặc trưng bởi các cơn động kinh không thể đoán trước và từng cơn. Mặc dù có nhiều loại thuốc được kê đơn để giúp giảm các triệu chứng, chẳng hạn như thuốc chống động kinh, nhưng hầu hết các loại thuốc này đều gây ra tác dụng phụ bất lợi.
Nhiều quốc gia đã sử dụng thảo dược để chữa bệnh động kinh trong nhiều thế kỷ. Các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới đã nghiên cứu nhiều lĩnh vực của chứng rối loạn này và trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Y tế Malaysia, chiết xuất nước của thì là đã được xem xét về tác dụng điều trị co giật và động kinh.
Đánh giá đã xác định thì là có khả năng hoạt động như một phương pháp điều trị thay thế tự nhiên cho bệnh động kinh.
Tác dụng kháng khuẩn
Thì là đã được nghiên cứu về tác dụng kháng các loại khuẩn khác nhau của nó. Tinh dầu thì là đã được chứng minh là có hiệu quả chống lại một số chủng vi khuẩn, ức chế hoàn toàn sự phát triển của Fusarium graminearum, một căn bệnh tàn phá lúa mì và lúa mạch do mầm bệnh nấm gây ra, cũng như gây độc cho 5 loại vi khuẩn khác.
Một nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất hạt thì là được bảo quản trong 35 năm cũng tiêu diệt một số chủng nấm, chẳng hạn như nấm mốc Aspergillus niger và nấm men Saccharomyces cerevisiae và Candida albicans.
Bảo vệ chống lại các gốc tự do
Các nghiên cứu cho thấy hoạt động chống oxy hóa của thì là có thể so sánh với axit ascorbic, alpha-tocopherol và quercetin. Vì vậy, nó thể hiện đặc tính chống viêm và giảm đau chống lại tổn thương gốc tự do.
Cách sử dụng thì là
Chúng ta không nên rửa quá nhiều thì là vì nhiều lý do. Vì thì là hỏng rất nhanh nên tốt nhất chúng ta nên giữ cho nó không bị ướt. Nếu có thể, tránh rửa trước khi cất giữ.
Nếu thì là tươi không có sâu bọ và bụi bẩn quá nhiều, chúng ta chỉ cần cho nó vào túi nhựa sạch và bảo quản trong tủ lạnh.
Vì nhựa được giữ mát nên điều này sẽ loại bỏ mọi lo ngại về việc rò rỉ hóa chất, tuy nhiên, chúng ta cũng có thể sử dụng hộp thủy tinh có nắp đậy kín. Trên thực tế, một số người thích đặt thân cây vào một ít nước. Chúng ta có thể thêm một mảnh khăn giấy xung quanh lá thì là để giúp hấp thụ sự ngưng tụ nước.
Khi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, thì là có thể để được tới 10 ngày mà vẫn giữ được độ tươi ngon.
Đông lạnh là một cách tuyệt vời khác để bảo quản thì là và nó có thể bảo quản được vài tháng. Hoặc đông lạnh nguyên hoặc sau khi rửa sạch và lau khô, nhẹ nhàng cắt lá thành từng khúc nhỏ và đông lạnh thành từng phần.
Có lẽ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng loại thảo mộc này được biết đến nhiều nhất với món các món ăn có cá, mực, nghêu. Tuy nhiên, công dụng ẩm thực của thì là rất rộng rãi. Hầu hết các đầu bếp thích lá thì là tươi do có hương vị mạnh hơn hạt thì là, loại hạt có thể có vị đắng.
Lá thì là cắt nhỏ có thể được thêm vào súp, món hầm, các món thịt, các món cá và trứng. Thì là là một sự bổ sung tuyệt vời cho các loại nước sốt và nước chấm.
Rủi ro và tác dụng phụ của thì là
Thì là có rất ít tác dụng phụ bất lợi và có thể an toàn khi sử dụng làm thực phẩm và thuốc cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, có một số lưu ý khi sử dụng.
Đôi khi thì là có thể gây kích ứng da khi bôi trực tiếp lên da và nước ép thì là tươi có thể khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, điều này có thể làm tăng nguy cơ cháy nắng và ung thư da. Hãy cẩn thận khi sử dụng thì là tại chỗ.
Do thì là ảnh hưởng đến kinh nguyệt nên không nên sử dụng thì là khi mang thai hoặc cho con bú, trong một số trường hợp có thể dẫn đến sảy thai. Ngoài ra, tác dụng của loại thảo mộc này đối với việc cho con bú vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, vì vậy nên tránh dùng thì là khi cho con bú.
Thì là cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng ở những người bị dị ứng với các loại thực vật thuộc họ Hoa tán. Ngoài ra, nó có thể làm giảm lượng đường trong máu, vì vậy chúng ta nên cẩn thận và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu chúng ta mắc bệnh tiểu đường mà đang dùng các thuốc hạ đường huyết hoặc đang phẫu thuật, vì lượng đường trong máu giảm có thể gây ra các biến chứng. Nên ngừng dùng thì là ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật.
Kết luận
Thì là có lợi và an toàn cho hầu hết mọi người, đồng thời nó còn linh hoạt trong nấu ăn.
Chúng ta có thể sử dụng thì là trong món salad, nước chấm, nước sốt và nhiều công thức nấu ăn khác, tất cả đều giúp chúng ta nhận được một số lợi ích tuyệt vời của thì là như: Giúp giảm đau bụng kinh, giảm trầm cảm, giảm cholesterol, hoạt động như một loại thuốc chống côn trùng tự nhiên, điều trị bệnh động kinh, có tác dụng kháng khuẩn và bảo vệ chống lại các gốc tự do…
BS. Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)