CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO BỆNH NHÂN XƠ GAN
Bệnh tật đang hành hạ và gây khó chịu cho nhiều người, mọi người hầu hết đều chăm chú vào việc uống thuốc mà đôi khi quên mất chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng, ngoài nâng cao thể lực, sức đề kháng, nó còn giúp giảm các nguy cơ và biến chứng. Bệnh nhân xơ gan thường hay bị suy dinh dưỡng, vậy chế độ dinh dưỡng như thế nào mới tốt?
1. Tìm hiểu nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở bệnh nhân xơ gan
Người bị xơ gan thường mệt mỏi, suy dinh dưỡng. Sự suy giảm chức năng gan thường gây những tình trạng sau:
- Rối loạn tiêu hóa: Bệnh nhân luôn trong tình trạng chán ăn, sợ mỡ, buồn nôn. Việc phải thực hiện ăn kiêng khiến bệnh nhân càng ngày thiếu dinh dưỡng và gầy hơn.
- Thiếu muối mật, tăng sinh vi khuẩn gây tổn thương và tăng tính thấm của niêm mạc ruột, gây giảm hấp thu các chất dịnh dưỡng.
- Mất protein toàn bộ, chuyển hóa carbonhydrate bất thường, tình trạng kháng insulin, giảm tân sinh glucose và giảm dự trữ glycogen dẫn đến oxid hóa lipid nhiều hơn để tạo năng lượng.
2. Tình trạng dinh dưỡng và hậu quả của suy dinh dưỡng trên bệnh nhân xơ gan
• Tình trạng dinh dưỡng
Là tình trạng thừa nước, teo cơ, phù chân tay, phù vùng thấp, cổ chướng, biến đổi màu sắc da (sạm da, vàng da), mắt vàng, nổi các tĩnh mạch dưới da bụng.
• Hậu quả
- Tăng các biến chứng: Giãn tĩnh mạch thực quản, bệnh não gan, hội chứng gan thận.
- Suy giảm chức năng gan và giảm khả năng tái tạo.
- Tăng nguy cơ phải phẫu thuật và tử vong.
- Suy dinh dưỡng là yếu tố dự đoán độc lập tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh gan mạn.
3. Mục tiêu dinh dưỡng cho bệnh nhân xơ gan
Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhân xơ gan cần chú ý những mục tiêu sau:
- Phòng tránh bệnh não gan, hôn mê gan do tăng NH3
- Không ăn các chất làm tăng gánh nặng xử lý cho gan hoặc độc cho gan.
- Giảm thiểu tình trạng cổ chướng.
- Phòng ngừa hiện tượng teo cơ, tích tụ mỡ.
- Cải thiện sự ngon miệng, tăng chất lượng cuộc sống.
4. Chế độ dinh dưỡng cụ thể
Đảm bảo đủ năng lượng, cần khoảng 25 - 40kcal/kg/ngày tùy từng hoạt động thể lực. Những bệnh nhân xơ gan ổn định không có tăng nhu cầu chuyển hóa việc cung cấp quá nhiều calo có thể kèm theo gánh nặng cho gan, tích đọng mỡ đặc biệt ở các bệnh nhân hồi sức.
• Chất đạm (protein)
- Quá nhiều đạm sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, tăng sản sinh NH3 làm tăng nguy cơ hôn mê gan.
- Quá ít đạm sẽ làm tăng hiện tượng giáng hóa cơ, tăng tiêu hủy cơ và teo cơ ở bệnh nhân xơ gan
- Đạm động vật chứa nhiều methionine, trytophane sẽ bị chuyển hóa trong lòng ruột sinh ra các chất hóa độc cho hệ thần kinh.
- Đạm thực vật chứa nhiều arginine giúp làm giảm NH3 máu nhờ làm tăng tổng hợp ure.
Như vậy ở giai đoạn bệnh nhân ổn định nên ăn chế độ nhiều đạm 1,2g/kg/ngày, với bệnh nhân ở giai đoạn xơ gan mất bù ăn <0,8g/kg/ngày. Chú ý nên sử dụng đạm thực vật từ các nguồn ngũ cốc, các loại hạt, điều, hạnh nhân, nấm… tốt cho bệnh nhân hơn.
• Chất béo (lipid)
Lượng mỡ nhiều gây sẽ gây tích lũy ở gan và làm tăng tiến triển xơ gan. Nên tránh các loại mỡ xấu như saturated fats, transfat, polyunsaturated fats omega 6. Không ăn các thực phẩm đóng hộp, các đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, phủ tạng động vật…
• Ăn nhạt
Giúp kiểm soát tình trạng cổ chướng, cải thiện tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân. Chỉ nên sử dụng <2g muối/ngày.
• Ăn nhẹ trước ngủ tối
Một bữa ăn nhẹ vào buổi tối trước ngủ giúp giảm hiện tượng teo cơ, tránh hiện tượng tiêu hủy cơ về đêm.
• Sử dụng các á kháng sinh
Sự mất cân bằng trong hệ vi khuẩn của ruột, sự thẩm lậu vi khuẩn từ ruột vào máu làm tăng sản xuất ammoniac NH3 tại ruột đi vào máu gây bệnh não gan, hôn mê gan. Uống bổ sung probiotic giúp làm giảm ammoniac và nội độc tố máu giảm sản xuất yếu tốt viêm cytokine, peroxyl lipid, cải thiện xét nghiệm chức năng gan.
• Bổ sung các chất chống oxy hóa và vitamin nhóm B
Những bệnh nhân xơ gan có suy giảm đáng kể nồng độ các men chống oxy hóa và nồng độ các dưỡng chất chống oxy hóa như vitamin E, kẽm, carotenoid. Ngoài ra cần bổ dung acid folic, vitamin E và khoáng chất.
• Chế độ ăn nhiều rau, chất xơ
Người bị xơ gan nên ăn càng nhiều rau càng tốt, trong rau có chất cơ đóng vai trò quan trọng để giảm nồng độ NH3 theo 2 cơ chế:
- Kích thích vi khuẩn trong đại tràng tiêu thụ nitrogen.
- Kích thích đào thải nitrogen qua ruột nhờ tăng đào thải phân.
Ngoài ra trong rau có nhiều acid amin thực vật giúp tăng chuyển hóa ure.
• Tuyệt đối không uống rượu, bia, các đồ uống có gas, chất kích thích
Như vậy để có chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho bệnh nhân xơ gan thì cần chú ý đủ năng lượng, bổ sung rau xanh và chất xơ, đạm thực vật. Cần ăn nhạt và hạn chế các thực phẩm dầu mỡ, các thực phẩm gây hại cho gan.
Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)