MONG ƯỚC “CHIẾC NÔI NAM Y” THÀNH CHUỖI GIÁ TRỊ THIẾT THỰC
Lương y Phùng Tuấn Giang cùng các lương y đất Việt thắp hương
tưởng nhớ Sư tổ Tuệ Tĩnh tại Đền Bia (Cẩm Giàng, Hải Dương)
Đó là mong muốn cũng như công việc mà người Lương y đó đang làm. Không chỉ gắn bó và am hiểu về từng vị thuốc Nam từ khi còn rất trẻ, mà theo thời gian anh còn mong muốn nâng cao hơn nữa giá trị của Nam y Nam dược trở thành nền văn hóa chữa bệnh đáng tự hào của dân tộc Việt. Ra thế giới, chứng kiến nền y học cổ truyền của các nước đang bị mai một và mất đi, cũng có nước thì đang phát triển mạnh mẽ. Về nước, anh đem kinh nghiệm và những bài học đó để cố gắng làm được điều gì đó góp phần bảo tồn và phát triển nền Nam y nước nhà. Người đó chính là Tiến sĩ, Lương y Phùng Tuấn Giang - Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường (Nhà thuốc Gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam). Không chỉ hằng ngày trực tiếp thăm khám chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, Ts. Lương y Phùng Tuấn Giang vẫn luôn một lòng với sự nghiệp giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị Nam y Việt.
Với cương vị là Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam , mới đây, trong bài tham luận đọc tại Hội thảo khoa học bàn về Giá trị Cụm di tích Đền thờ Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, anh đã nêu ra những vấn đề hết sức thiết thực và mang đậm chất nhân văn và tinh thần tự tôn dân tộc.
Bài phát biểu của Chủ tịch Viện Phùng Tuấn Giang tại Hội thảo khoa học bàn về giá trị Cụm di tích
Đền thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh được các đại biểu hưởng ứng nhiệt liệt
Theo anh: “Để bảo tồn những giá trị Nam y mà Sư Tổ để lại, chúng ta phải hình thành một Bảo tàng Nam y, xây dựng xung quanh Đền Bia các ngôi làng văn hóa thuốc Nam. Tuyên truyền để nhân dân hiểu cội nguồn của nền y học dân tộc và cho bạn bè trên thế giới biết đến giá trị của nền Nam y Việt. Chúng ta cần xây dựng thành chuỗi giá trị gắn kết với Đền Bia như tham quan, du lịch và trải nghiệm chữa bệnh và mua sắm các sản phẩm Nam dược. Tạo cho Đền Bia chuỗi giá trị “vệ tinh” xung quanh, từ đó nổi bật giá trị cốt lõi của Nền Y học dân tộc: Bảo tàng Nam y Việt; Khu Công viên dược liệu; Làng Văn hóa chữa bệnh; Khu triển lãm, trưng bày và mua sắm các sản phẩm của 54 dân tộc Việt Nam,…
Xây dựng Đền Bia trở thành Quần thể văn hóa - du lịch tâm linh chữa bệnh, mà ở đó du khách trong nước và quốc tế có thể coi Đền Bia như một điểm đến đầy sức hút bởi giá trị vật thể và phi vật thể. Bất kể ai đặt chân đến Đền Bia, cũng không thể nào quên được mảnh đất linh thiêng mang nặng dấu ấn cảm xúc này. Từ cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Sư tổ Tuệ Tĩnh - một bản trường ca về nhân cách sống, tài năng trí tuệ của người Việt, đến Trung tâm triển lãm, trưng bày tất cả các vị thuốc của 54 dân tộc Việt Nam, để du khách có thể ngỡ ngàng với bao sản vật từ cỏ cây, hoa lá bình dị mọc trên đất Việt đều là những vị thuốc nam linh nghiệm xóa tan bệnh tật, mang lại hạnh phúc cho người bệnh, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Trong Bảo tàng Nam y Việt sẽ giới thiệu y học cổ truyền qua các thời đại, trưng bày các hiện vật của y dược cổ truyền VN…Hay tại Công viên Dược liệu, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những khu vườn thuốc Nam phong phú đa dạng về chủng loại từ khắp các vùng miền trong nước và cả trên thế giới. Ngoài việc được khám chữa bệnh bằng phương pháp Y học cổ truyền, mọi người đến đây còn được trải nghiệm nhiều hình thức chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên…
Anh khẳng định: “Trước là Bảo tồn di tích, sau là tuyên truyền giáo dục người dân coi đây như là niềm tự hào của dân tộc Việt. Để không chỉ trong nước mà còn trên thế giới khi nói đến Việt Nam là cũng biết đến Đền Bia - Chiếc nôi của nền y học cổ truyền của dân tộc. Cho bất cứ ai đến Việt Nam hay bất kỳ ai theo học ngành Y cũng sẽ muốn một lần đặt chân đến “Thánh địa” Đền Bia. Cũng như tất cả những người con đất Việt, đều coi đây là vùng đất thiêng - Nơi lưu giữ giá trị văn hóa chữa bệnh truyền thống của dân tộc Việt”. Những ý tưởng không chỉ mang tính bảo tồn giá trị Nam y Việt mà còn gắn với việc thúc đẩy nền kinh tế của địa phương vùng “đất thiêng” Cẩm Giàng, Hải Dương phát triển, tạo thêm nguồn năng lượng bền vững giữ gìn giá trị “chiếc nôi” Nam y Việt.
“Nếu chúng ta quy hoạch và phát triển khu di tích Đền Bia mang tính hệ thống, gắn kết tất cả các giá trị thành chuỗi với nhau để vận hành một cách đồng bộ, thì chúng ta vừa phát huy được giá trị di sản, vừa tạo được việc làm cho nhân dân và nguồn an sinh xã hội cho địa phương” - Ý kiến của anh hoàn toàn phù hợp và thiết thực với mục tiêu “Bảo tồn và Phát huy Cụm di tích đền thờ Sư tổ Tuệ Tĩnh” khi Cụm di tích này có nhiều khả năng được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào cuối năm nay.
Và hy vọng trong dịp đầu năm mới 2018, Nhà thuốc Thọ Xuân Đường sẽ thực hiện được chuyến “Hành hương về cội nguồn” để bái yết Sư tổ - Đại danh y Tuệ Tĩnh, nhận thêm “nguồn năng lượng” từ Người để tiếp tục phát huy giá trị trên con đường sự nghiệp Nam y Nam dược mà các bạn đã chọn!