TIÊM CỒN QUA DA ĐIỀU TRỊ NHÂN TUYẾN GIÁP CÓ HIỆU QUẢ KHÔNG?
Nhân tuyến giáp đang trở thành mối lo lắng của không ít người dân hiện nay. Các phương pháp điều trị nhân tuyến giáp thì rất nhiều, nhưng chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu khỏi 100%. Gần đây rộ lên phương pháp tiêm cồn qua da hay tiêm trực tiếp vào nhân tuyến giáp được nhiều người quan tâm. Vậy phương pháp này có thực sự hiệu quả không?
1. Đặc điểm của nhân tuyến giáp
Nhân tuyến giáp hay còn gọi là bướu nhân có tỉ lệ mắc khoảng 4-7% dân số, tỉ lệ nữ mắc bệnh cao gấp 5 lần nam giới. Bệnh này có thể gặp ở bất kì ai, bất kì độ tuổi nào nhưng hay gặp ở độ tuổi 36-55 tuổi.
Nhìn chung nhân tuyến giáp thường không gây ra triệu chứng gì đặc biệt, nhất là với nhân có kích thước nhỏ bé. Chỉ khi nhân to hoặc xâm lấn vỏ bao ra bên ngoài gây chèn ép vào tổ chức xung quanh thì có thể gây nuốt vướng, nuốt khó, nói khàn. Một số bệnh nhân có u kích thước lớn có thể nhìn hoặc sờ thấy trên lâm sàng.
Đa phần bệnh nhân phát hiện khi tình cờ đi siêu âm tuyến giáp, 1 số ít bệnh nhân phát hiện quá muộn có thể thấy hạch di căn vùng cổ.
2. Tìm hiểu phương pháp tiêm cồn qua da
Phương pháp này đã có từ khá lâu và hiện nay không được sử dụng rộng rãi.
- Cách thức tiến hành
Phương pháp này sử dụng cồn Ethanol tuyệt đối tiêm qua da, thường được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm sẽ chính xác hơn. Một số cơ sở tư nhân có thể tiêm mò không chính xác.
Phương pháp này hiệu quả cao ở các trường hợp nang keo giáp, sau khi chọc hút dịch trong khối u nang sẽ tiêm cồn vào để tránh tái phát. Hiệu quả thấp hơn ở nhân đặc, nhân kích thước lớn
- Chỉ định
Nhân tuyến giáp lành tính đã được chẩn đoán bằng kết quả giải phẫu bệnh hoặc xạ hình tuyến giáp
Có thể là nhân đặc, nhân hỗn hợp, nang keo. Hiệu quả nhất với nang keo sau chọc hút
- Ưu điểm
Chi phí không cao, phù hợp túi tiền của nhiều người dân
Ít biến chứng
Thời gian làm thủ thuật nhanh, không cần nằm viện
Không bị suy giáp, không cần phẫu thuật
- Nhược điểm
Phải thực hiện nhiều lần
Kết quả phụ thuộc nhiều vào đáp ứng của bệnh nhân, tay nghề của bác sĩ tiến hành thủ thuật
Gây đau tại chỗ cho bệnh nhân, nhiều bệnh nhân không chịu nổi vì quá đau.
Nhân càng lớn thì hiệu quả càng thấp
Có thể gây nguy cơ nhiễm độc giáp, liệt dây thần kinh quặt ngược dù rất hiếm
Như vậy tiêm cồn qua da cũng mang lại 1 số hiệu quả nhất định, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Tùy theo từng tình trạng của bệnh nhân mà các y bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.