NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH TRĨ KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT
Bệnh trĩ là tình trạng sa giãn búi trĩ ở hậu môn trực tràng gây nên nhiều triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng tới chất lượng sống của bệnh nhân. Chính vì vậy nếu tránh được căn bệnh này chính là điều tốt nhất. Cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây bệnh trĩ để tránh bị căn bệnh này.
1. Táo bón kinh niên:
Táo bón chính là yếu tố nguy cơ khiến phát sinh bệnh trĩ và làm bệnh trĩ thường xuyên tái phát. Táo bón khiến khó đi vệ sinh, mỗi lần đại tiện phải rặn mạnh, rặn nhiều lần, làm các tĩnh mạch ở vùng hậu môn trực tràng bị chèn ép, giãn ra, lâu ngày hình thành bệnh trĩ.
Ngoài ra, do táo bón nên phân cứng giữ lâu trong trực tràng chèn ép mạch máu, làm máu khó lưu thông, ứ lại ở các tĩnh mạch trĩ, làm giãn các búi tĩnhmạch trĩ, dần dần sẽ phát sinh bệnh trĩ. Tình trạng táo bón càng kéo dài thì càng làm bệnh trĩ nặng hơn.
2. Chế độ ăn không phù hợp:
Chế độ ăn ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, có thể gây táo bón làm bệnh trĩ nặng thêm. Các loại thực phẩm cay như ớt, hạt tiêu, hành, tỏi, thức ăn nhiều đạm, bánh ngọt, ăn mặn,… gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa, có nguy có gây táo bón, giữ nước, làm căng giãn búi tĩnh mạch trĩ.
Các chất kích thích như rượu, bia, nước ngọt có ga, café, hút thuốc lá….gây nóng, ức chế nhu động đường tiêu hóa, giãn tĩnh mạch búi trĩ, rất dễ hình thành bệnh trĩ.
3. Phụ nữ mang thai:
Trong quá trình mang thai, sẽ làm tăng lưu lượng máu trong cơ thể, làm giãn nở các tĩnh mạch, trong đó các búi tĩnh mạch yếu ớt ở hậu môn rất dễ bị giãn, căng phồng lên.
Khi thai nhi càng lớn, khả năng chèn ép vào các tĩnh mạch chậu, làm ứ máu từ nửa dưới cơ thể, đây cũng là nguyên nhân làm giãn các búi tĩnh mạch trĩ.
Thai nhi còn chèn ép vào đại tràng, trực tràng, làm giảm nhu động ruột, giảm lưu thông trong lòng đại tràng. Ngoài ra, khi mang thai nhiều chị em xu hướng ít vận động, ngồi nhiều, thậm chí nằm suốt cả ngày,… hai yếu tố này làm tăng nguy cơ táo bón ở phụ nữ mang thai. Chính táo bón là thủ phạm hàng đầu của bệnh trĩ.
Sự gia tăng của các nội tiết tố khi mang thai, đặc biệt là progesterone khiến các thành tĩnh mạch dễ bị giãn. Progesteron còn làm chậm nhu động ruột, đóng góp vào nguy cơ gây táo bón.
4. Đại tiện không đúng:
Thói quen nhịn đi đại tiện, làm phân ứ đọng lâu trong lòng đại tràng. Đại tràng thường xuyên hút nước ở chất thải trong ống tiêu hóa, nên phân ứ đọng càng lâu càng khô cứng và càng khó đẩy ra ngoài. Ngoài ra, khi nhịn đi đại tiện, phân trong lòng đại tràng chèn ép lên búi tĩnh mạch trĩ, làm giãn căng các búi tĩnh mạch trĩ.
Rặn mạnh khi đi đại tiện, đại tiện không đúng tư thế cũng là nguyên nhân làm cho búi tĩnh mạch trĩ giãn căng, là tác nhân gây bệnh trĩ.
5. Bệnh lí hậu môn trực tràng
Các bệnh lí vùng hậu môn trực tràng như viêm loét ống hậu môn, nứt kẽ hậu môn, rò hậu môn, u trực tràng, polyp trực tràng,… cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bệnh trĩ.
6. Các nguyên nhân khác
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn:
Quan hệ qua đường hậu môn rất dễ bị tổn thương, làm giãn thành hậu môn, gây áp lực và chèn ép lên hệ thống tĩnh mạch trĩ, có nguy cơ rất cao hình thành bệnh trĩ.
- Tư thế làm việc không đúng:
Do đặc thù công việc, nhiều người làm việc ngồi nhiều, đứng lâu, mang vác vật nặng,… các tư thế làm việc như vậy kéo dài sẽ gây giảm nhu động ruột, tăng nguy cơ gây táo bón, căng giãn các búi tĩnh mạch trĩ.
- Người cao tuổi :
Ở người cao tuổi, các chức năng co bóp của đại tràng, trương lực cơ trơn đại tràng, cơ thắt hậu môn và dây chằng bị suy giảm đáng kể, gây rối loạn đại tiện. Ngoài ra, hệ thống tĩnh mạch hậu môn – trực tràng bị suy yếu, rất dễ làm căng giãn búi tĩnh mạch trĩ.
Người cao tuổi thường ít vận động hơn do tình trạng sức khỏe giảm sút, do mắc bệnh mạn tính như đau khớp, thoái hóa khớp, chân yếu,… chỉ muốn nằm hoặc ngồi một chỗ, ít đi lại. Hậu quả là nguy cơ cao bị táo bón và ứ máu ở các búi tĩnh mạch trĩ.
- Thừa cân, béo phì
Những người thừa cân, béo phì do có trọng lượng cơ thể lớn, gây áp lực nặng lên vùng hậu môn trực tràng, làm căng giãn, chèn ép búi tĩnh mạch trĩ. Ngoài ra, thừa mỡ gây chèn ép vào vùng hậu môn, làm vùng này không được thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Nói chung không có nguyên nhân chính xác gây nên bệnh trĩ, các yếu tố nguy cơ trên kết hợp với nhau tùy cơ địa mỗi người mà phát sinh căn bệnh này.