THẢO DƯỢC TRỊ MẤT NGỦ VƯỜN NHÀ
Từ xa xưa dân gian đã truyền miệng rất nhiều bài thuốc, món ăn có tác dụng an thần, điều trị mất ngủ. Cùng tìm hiểu các thảo dược trị mất ngủ ở vườn nhà nhé!
1. Lạc tiên
Lạc tiên là bộ phận trên mặt đất phơi sấy khô của cây Lạc tiên Passiflora foetida họ Lạc tiên Passifloraceae. Cây lạc tiên mọc hoang khắp mọi nơi đặc biệt ở các bãi trống lùm bụi.
Lạc tiên dạng dây leo tua cuốn, rỗng, lá mọc so le, dài khoảng 7cm, rộng tới 10cm, chia làm 3 thùy nhọn. Lá kèm rách ở mép. Tua cuốn mọc từ nách lá. Hoa trắng, tràng phụ có hình sợi, màu tím. Quả tròn, bao bở lá bắc tồn tịa như một cái bao ở ngoài. Quả chín vàng thường được người dân hái về ăn.
Theo đông y, lạc tiên có vị ngọt, tính bình quy kinh Tâm, có tác dụng an thần, tiêu viêm, lợi tiểu. Cách dùng rất đơn giản, chỉ cần phơi sấy khô sau đó sao vàng, mỗi ngày dùng lượng 16-30g sắc nước uống.
Ngoài ra dân gian thường lấy ngọn non của Lạc tiên về làm món rau luộc hoặc nấu canh, quả chín vàng ăn ngon ngọt.
2. Lá vông nem
Cây vông nem hay còn gọi là cây hải đồng, có tên khoa học Erythirina indica thuộc họ Đậu cánh bướm Papilionaceae. Cây được trồng làm bóng mắt hoặc mọc hoang khá nhiều dọc các bờ biển, các rừng thưa, miền đồng bằng ở khắp nước ta.
Cây cao tới 10m, vỏ xanh rồi nâu có nhiều gai ngắn. Lá mọc so le, có 3 lá chét hình tam giác. Vào tháng 3-5 sau khi lá rụng thì cây ra hoa. Chùm hoa dày gồm nhiều hoa màu đỏ chói, đài hình ống có 5 răng nhỏ. Tràng dài, cánh cò rộng, nhị tập hợp thành bó vượt ra khỏi tràng. Quả không có lông, có eo giữa các hạt, hạt hình thận màu nâu.
Theo đông y, dùng làm thuốc lá vông nem, có vị nhạt tính bình quy kinh Can Thận. Tác dụng an thần, thanh nhiệt, trừ phong thấp. Thường phối hợp lá vông nem với các vị thuốc khác để tăng tác dụng điều trị bệnh mất ngủ.
3. Long nhãn
Long nhãn là cùi của quả nhãn Euphoria longana họ Bồ hòn Sapindaceae đem phơi khô. Cây nhãn được trồng lấy quả ở khắp mọi miền đất nước ta, nổi tiếng nhất là nhãn lồng Hưng Yên.
Quả nhãn không còn xa lạ với mỗi người dân, nó là thức quả ngon mà ai cũng thích. Khi đến mùa ngoài ăn tươi họ thường phơi sấy khô nhãn tạo long nhãn để làm thuốc, dân gian thì dùng nấu chè với tác dụng bổ dưỡng và thanh nhiệt.
Theo đông y, long nhãn có vị ngọt, tính bình quy kinh Tâm, Tỳ. Tác dụng bổ ích tâm tỳ, dưỡng huyết, an thần, dùng nhiều trong các chứng mất ngủ, trí nhớ suy giảm, hay hốt hoảng, tâm thần hồi hộp, mệt mỏi, thiếu máu.
4. Quả dâu chín (Tang thầm)
Quả dâu chín lấy từ cây dâu có tên khoa học Morus alba L. Cây dâu dạng thân gỗ, cao 2-3m, lá mọc so le hình bầu dục, đầu lá nhọn hoặc hơi tù. Quả dâu mọc trong các lá đài, hình trứng, dài 1-3cm, mặt ngoài không trơn nhãn, mọng nước. Quả non màu trắng xanh, khi chín màu đỏ hồng rồi chuyển sang màu đen sẫm.
Quả dâu được thu hoạch vào cuối mùa xuân, đầu mùa hạ. Dân gian thường hái quả ăn hoặc mang về ngâm đường làm siro để uống dần.
Theo đông y, quả dâu chín có tên thuốc là Tang thầm, có vị ngọt tính ôn, quy kinh Tâm, Can, thận. Quả có tác dụng bổ âm bổ huyết, an thần, sinh tân và nhuận tràng.
Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)