PHÒNG NGỪA MỘT SỐ BỆNH TRUYỀN NHIỄM BẰNG VẮC XIN HIỆU QUẢ
Mỗi khi thay đổi thời tiết từ mùa này sang mùa khác các bệnh truyền nhiễm có cơ hội bùng phát và có thể lây lan thành dịch rất nguy hiểm. Tùy theo từng loại bệnh mà có thể ảnh hưởng ít hay nhiều đến sức khỏe, nhưng nếu trẻ con hay phụ nữ mang thai mắc bệnh thì có thể gặp nguy hiểm. Vậy những bệnh truyền nhiễm nào có thể phòng ngừa bằng việc tiêm vacxin?
1. Bệnh sởi
- Tác nhân gây bệnh: virus Paramyxoviridae gây ra
- Thời điểm mắc bệnh: Có thể mắc quanh năm nhưng nhiều nhất là thời điểm chuyển giao mùa đông xuân
- Đối tượng mắc bệnh: trẻ em, đặc biệt là trẻ em chưa tiêm phòng. Một số người lớn cũng có thể mắc bệnh.
- Đường lây truyền bệnh: Bệnh có khả năng lây lan và phát triển thành vụ dịch lớn, nhất là ở các thành phố đông dân cư. Nguyên nhân là do virus được phát tán vào không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện và tồn tại khá lâu bên ngoài môi trường.
- Cách phòng bệnh sởi:
Tiêm phòng vacxin cho trẻ đủ 2 mũi vào thời điểm 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi
Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, khi tiếp xúc với bệnh nhân mắc sởi.
Cách ly bệnh nhân sởi
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay với xà bông.
2. Bệnh ho gà
- Tác nhân gây bệnh: vi khuẩn ho gà tên khoa học là Bordetella pertussis
- Đối tượng mắc bệnh: Hay gặp nhất là trẻ sơ sinh, ngoài ra có thể gặp ở tất cả mọi người
- Đường lây truyền: Lây qua hô hấp do hít phải các giọt nước chứa vi khuẩn mà người bệnh ho, hắt hơi ra khi nói chuyện. Ngoài ra có thể lây khi tiếp xúc trực tiếp nước bọt hoặc đồ vật bị nhiễm dịch tiết đường hô hấp của bệnh nhân.
- Cách phòng bệnh
Tiêm phòng vacxin ho gà cho trẻ đủ 3 mũi
Cách ly bệnh nhân
3. Bệnh cúm
- Tác nhân gây bệnh: do các tuyp khác nhau của virus cúm như A/H1N1 và A/H3N2, cúm B, cúm C….
- Đối tượng mắc bệnh: trẻ khoảng 5-9 tuổi hay mắc bệnh nhất. Ngoài ra có thể mắc ở bất cứ lứa tuổi nào
- Thời điểm mắc bệnh: Thường vào thời tiết lạnh ẩm, mùa mưa
- Đường lây truyền:
Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa vi rút cúm qua ho, hắt hơi. Vi rút vào cơ thể qua đường mũi họng.
Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.
- Cách phòng bệnh
Tiêm phòng vacxin cúm: tuy không phòng ngừa được tất cả các tuyp nhưng có thể ngừa được những tuýp hay gây bệnh nhất là cúm A H3N2 và cúm A H1N1, cúm B
Đeo khẩu trang và giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ
Cách ly người bệnh
4. Bệnh quai bị
- Tác nhân gây bệnh: virus quai bị (Mumps virus), thuộc họ Paramyxoviridae
- Đối tượng mắc bệnh: tất cả mọi người nhất là người chưa tiêm phòng, trẻ em
- Đường lây truyền:
Virus lây theo đường hô hấp và thường dễ lây nhất vào 2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng hay 6 ngày sau khi các triệu chứng biến mất. Bệnh lây từ người bệnh qua người lành thông qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng chứa virus khi người bệnh hắt hơi, ho, nói chuyện, khạc nhổ...
- Cách phòng bệnh
Tiêm phòng quai bị
Nâng cao sức đề kháng, thường xuyên súc họng bằng nước muối sinh lý
Cách ly người bệnh và điều trị kịp thời.
5. Bệnh viêm gan virus B
- Tác nhân gây bệnh: virus viêm gan B
- Đường lây truyền: quan hệ tình dục với người mắc bệnh, truyền máu hoặc nhiễm máu bị bệnh trong khi làm các dịch vụ y tế - xăm – cạo râu…, lây từ mẹ sang con khi mang thai, tái sử dụng bơm kim tiêm, ống tiêm…
- Đối tượng mắc bệnh: Tất cả mọi người
- Cách phòng bệnh
Tiêm phòng vacxin viêm gan B đủ 5 mũi vào các thời điểm: ngay sau khi sinh, lúc 2 tháng, lúc 3 tháng, lúc 4 tháng, sau 12 tháng. Sau đó cứ khoảng 7-10 năm tiêm nhắc lại 1 mũi để duy trì
Với phụ nữ mắc viêm gan B khi sinh con ra cần phải tiêm huyết thanh giải độc tố để phòng ngừa lây sang con.