PHÂN BIỆT CÁC BỆNH CÓ NỔI BAN TRÊN DA TRẺ
Trẻ em chưa phát triển toàn diện, hệ miễn dịch chưa đầy đủ nên chính là đối tượng rất dễ mắc bệnh đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân. Khi trẻ em phát bệnh những người làm cha làm mẹ cần phải hết sức chú ý để phát hiện đó là bệnh gì, có nguy hiểm không, có cần đưa đến viện không. Trong vô vàn biểu biện bệnh thì việc nổi các ban đỏ trên da khá thường gặp. Làm thế nào để phân biệt các bệnh có nổi ban trên da trẻ?
1. Bệnh sốt phát ban
Đây là một trong những bệnh trẻ em thường mắc, nhất là giai đoạn từ khoảng 6 tháng đến 2 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do virus gây ra, vì vậy những bé có sức đề kháng yếu sẽ dễ mắc bệnh hơn.
Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng như viêm long đường hô hấp, bệnh nhân phát sốt, mệt mỏi, có thể ăn uống kém, chán ăn. Sau khi sốt khoảng 3-7 ngày thì sẽ giảm dần và bắt đầu xuất hiện các vết ban đỏ. Đặc điểm của chúng là thường nổi đồng loạt trên khắp cơ thể, kéo dài 1-3 ngày và không để lại sẹo. Những nốt ban này trơn mịn, không sần sùi, không gây ngứa, ấn kính mất màu(khi căng da).
Nếu điều trị tốt thì sốt phát ban thường không gây ra biến chứng gì đặc biệt, sau khi ban lặn hết sức khỏe của trẻ dần dần hồi phục.
2. Ban xuất huyết trong sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết cũng do virus gây ra với trung gian truyền bệnh là muỗi, muỗi đốt người và lây lan bệnh nên rất dễ thành dịch. Ở các thành phố lớn, tập trung nhiều dân cư thì càng dễ bùng phát thành dịch hơn.
Các triệu chứng thường bắt đầu với sốt cao, đau đầu, nhức mỏi mình mẩy, tay chân. Khi sốt thường khó cắt cơn, phải sử dụng thuốc hạ sốt 4-6h/lần. Sau 5-7 ngày sốt sẽ giảm dần thì xuất hiện các nốt chấm đỏ dưới da, thường ở dưới cẳng tay, cẳng chân nhìn giống vết muỗi cắn. Đặc điểm của nốt chấm đỏ này là căng da không biến mất, thường có nhiều ở vùng tay và chân, càng vận động và đi lại nhiều thì càng tăng.
Khi xác định được là sốt xuất huyết cần theo dõi các biến chứng của trẻ, nguy hiểm nhất là tình trạng xuất huyết trong gây nguy hiểm. Ngoài ra cần theo dõi chỉ số tiểu cầu để quyết định trẻ có cần nhập viện hay không.
3. Ban sởi
Sởi cũng là bệnh truyền nhiễm do virus và có thể phát triển thành dịch, hay gặp ở trẻ nhỏ nhất là những trẻ chưa được tiêm phòng sởi.
Căn bệnh này thường khởi phát với các triệu chứng viêm long đường hô hấp, sốt nhẹ, đau họng, trong miệng họng xuất hiện các nốt đốm trắng khiến trẻ ăn kém, không muốn ăn. Trên da nổi các ban sởi thường bắt đầu từ vùng mang tai 2 bên, sau đó lan ra mặt, xuống cổ và cánh tay, lan ra sau lưng rồi lan dần xuống phía dưới chân. Đặc điểm của ban là màu hồng nhạt, sau đó đỏ dần lên. Khi ban xuống dưới chân thì ban phía trên mặt thường biến mất dần và để lại những nốt thâm đen, vết hàn trên da.
Đến khi ban bay hết thì khỏi bệnh. Căn bệnh này đa phần lành tính nhưng nếu không được chăm sóc tốt, có thể gây 1 số biến chứng nguy hiểm. Trẻ càng nhỏ càng dễ gặp biến chứng hơn.
4. Bệnh rubella
Bệnh do virus Rubella gây ra, các triệu chứng ban đầu cũng tương tự với biểu hiện viêm long đường hô hấp, người mệt mỏi, sốt, nhức đầu.
Các nốt ban trong bệnh rubella thường xuất hiện trong 3 ngày đầu, bắt đầu từ mặt và lan xuống thân cùng các bộ phận khác. Đặc điểm là ban màu đỏ hoặc hồng mịn, có vài dấu chấm màu vàng, phát ban rời rạc. Thường kèm theo họng đỏ hơi sưng, lưỡi rêu dày, mắt viêm nhẹ.
Nói chung bệnh này cũng khá lành tính và chỉ gây ảnh hưởng nhiều với phụ nữ mang thai. Nếu chăm sóc và chú ý dinh dưỡng tốt cho trẻ sẽ nhanh hồi phục
Ngoài các bệnh trên cần phân biệt ban đỏ với nốt muỗi cắn, ban dị ứng và khá nhiều bệnh khác. Tốt nhất khi có dấu hiệu nghi ngờ nên đến khám tại các cơ sở y tế.