BẠN BIẾT GÌ VỀ VIÊM GAN A
Viêm gan là một bệnh lý khá thường gặp trong cộng đồng, nhưng mọi người thường biết đến viêm gan B, viêm gan C, còn ít ai quan tâm đến viêm gan A. Vậy viêm gan A có nguy hiểm không? Phòng tránh và điều trị như thế nào? Cùng nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu về bệnh viêm gan A.
1. Nguyên nhân gây bệnh
Viêm gan A do virus viêm gan A(Hepatitis A Virus – HAV) gây ra. Loại virus này sống ở trong thức ăn, nước uống, các đồ dùng gia đình, vật dụng sinh hoạt hàng ngày và cả trong môi trường đất và nước. Căn bệnh này thường liên quan đến sự thiếu hụt nước sạch và môi trường bị nhiễm bẩn.
Trong cơ thể người, virus viêm gan A tìm thấy ở trong phân, nước bọt và nước tiểu. Vì vậy nếu không quản lý tốt, đi vệ sinh đúng nơi quy định thì các chất thải của người mắc bệnh sẽ làm ô nhiễm môi trường xung quanh, làm virus lan rộng và gây bệnh cho nhiều người.
Đường lây truyền virus viêm gan A có nhiều đường khác nhau:
- Ăn thức ăn chế biến bởi người bị viêm gan A không rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh; khiến thức ăn bị nhiễm virus
- Uống nước ở nguồn nước ô nhiễm;
- Ăn sò, ốc sinh sống ở nguồn nước ô nhiễm;
- Tiếp xúc thường xuyên với người bệnh viêm gan A; nhất là dùng chung đồ ăn, dụng cụ sinh hoạt
- Quan hệ tình dục với người đang mang virus kể cả qua đường miệng, quan hệ đồng giới nam….
2. Triệu chứng khi nhiễm virus viêm gan A
- Đối tượng mắc bệnh: Tất cả những người sống trong môi trường kém vệ sinh, thiếu nguồn nước sạch, hoặc du lịch, công tác tại vùng có tỉ lệ mắc viêm gan A cao, những người ăn uống chung, quan hệ tình dục, tiếp xúc thân mật hay sử dụng chung đồ với người mắc viêm gan A đều có nguy cơ lây bệnh.
- Triệu chứng lâm sàng:
Tùy từng bệnh nhân mà biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng gì.
Một số bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sau 2-6 tuần virus xâm nhập cơ thể
Vàng da, vàng mắt nhìn thấy rõ. Mức độ vàng da, vàng mắt tùy từng người mà biểu hiện khác nhau.
Phân nhạt màu, thường có màu xám
Nước tiểu màu nâu sẫm
Đau bụng, có thể đau tức vùng hạ sườn phải
Ngứa ngáy toàn thân, người mệt mỏi, sốt nhẹ
Rối loạn tiêu hóa, không muốn ăn uống, biếng ăn, buồn nôn, nôn mửa
- Triệu chứng cận lâm sàng
Xét nghiệm máu chính là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh viêm gan A. Các bệnh nhân nghi ngờ sẽ được làm xét nghiệm tìm sự hiện diện của kháng thể kháng HAV IgM
Ngoài ra có thể làm xét nghiệm men gan xem chức năng gan như thế nào.
3. Phòng bệnh viêm gan A như thế nào?
- Tiêm phòng viêm gan A: là biện pháp phòng bệnh chủ động và rất có hiệu quả
- Giữ gìn vệ sinh:
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến đồ ăn.
Đảm bảo vệ sinh môi trường sống, dọn dẹp phát quang bụi rậm, giữ nguồn nước sạch sẽ
- Quản lí tốt phân của người bệnh tránh làm ô nhiễm môi trường đất, nước
- Nấu chín đồ ăn, không ăn tái sống vì virus viêm gan A bị chết ở nhiệt độ cao
- Dùng riêng dụng cụ cá nhân, không dùng chung các đồ dùng sinh hoạt, nhát là bàn chải đánh răng, dao cạo râu, khăn mặt, khăn tắm…
- Quan hệ tình dục an toàn
Như vậy viêm gan A là một căn bệnh thường ít triệu chứng lâm sàng rầm rộ và có thể bị bỏ sót. Tuy nhiên 1 số trường hợp nhiễm virus viêm gan A vẫn tiến triển khiến bệnh nặng và gây nguy hiểm tính mạng, Chính vì vậy cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống viêm gan A hiệu quả.