HỘI CHỨNG VÀNG DA TẮC MẬT Ở NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH
Vàng da tắc mật là biểu hiện của bệnh lý về hệ đường mật hay gặp. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như xơ gan, xơ hóa khoảng cửa gan và nguy hiểm nhất là dẫn đến tử vong. Cùng theo dõi bài viết để có thêm thông tin hữu ích giúp nhận biết cũng như phòng tránh bệnh.
1. Định nghĩa
Tắc mật là tình trạng tắc đường bài xuất mật ở trong hay ngoài gan làm mật ngấm vào máu, gây vàng da và niêm mạc. Khi có tắc mật vi khuẩn sẽ phát triển trong đường mật gây nhiễm khuẩn đường mật. Vi khuẩn có thể xấm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn máu, đây là giai đoạn rất nặng của tắc mật, nguy cơ tử vong cao. Tắc mật lâu ngày dẫn đến xơ hoá khoảng cửa, gây xơ gan mật.
2. Nguyên nhân thường gặp
Các nguyên nhân thường gặp là:
- U đầu tụy
- U vùng bóng vater
- Sỏi đường mật
- Ung thư đường mật
- Giun chui túi mật
- Chít hẹp đường mật sau phẫu thuật dạ dày, phẫu thuật cắt túi mật
3. Biểu hiện lâm sàng
• Đau bụng:
- Vị trí đau thường xuất hiện tại vùng gan, có một số ít đau vùng thượng vị hay sau lưng bên phải. Mức độ đau phụ thuộc vào nguyên nhân gây tắc mật:
- Có thể rất dữ dội trong các trường hợp tắc mật cấp do sỏi mật di chuyển hay kẹt phần thấp OMC.
- Đau vùng gan với mức độ rất dữ dội lan lên vai hay sau lưng (cơn đau quặn gan), có khi làm người bệnh phải gập người lại nằm phủ phục trong giun chui ống mật…
- Có khi đau âm ỉ hay cảm giác nặng tức vùng hạ sườn phải hay vùng trên rốn như trong ung thư đường mật, u bóng Vater.
- Dấu hiệu đầy bụng, ậm ạch khó tiêu sau khi ăn nhiều mỡ, có thể có ỉa ra mỡ hay ỉa lỏng.
• Sốt
Xuất hiện đồng thời hay sau đau vài giờ, sốt cao 38 – 390C kèm theo rét run, từng cơn gặp trong tắc mật do sỏi. Giai đoạn muộn có viêm đường mật nặng và áp xe đường mật sốt có thể liên tục. Tắc mật do các nguyên nhân ung thư thường sốt giai đoạn cuối.
• Vàng da
- Vàng da dưới nhiều hình thức và liên quan tới các dấu hiệu khác. Có thể vàng da từng đợt 1 hay 2 tuần rồi lại khỏi và sau một thời gian lại xuất hiện lại trong tắc mật do sỏi. Hay có thể vàng da từ từ tăng dần trong tắc mật do u. Mức độ vàng da có thể rõ ràng hay kín đáo.
- Trình tự xuất hiện của vàng da và các dấu hiệu đau bụng và sốt có thể cho biết nguyên nhân gây tắc mật.
• Nước tiểu sậm màu, phân màu trắng cứt cò
- Thường xuất hiện khi có vàng da, có thể đỏ sậm như nước vối hay nước chè.
- Phân bạc màu: có thể trắng như phân cò trong các đớt tắc mật hoàn toàn, thường gặp trong tắc mật do u, tắc mật do sỏi mật ít có dấu hiệu này.
• Ngứa
Ngứa do dị ứng muối mật
4. Chẩn đoán vàng da tắc mật
- Để chần đoán bệnh, bác sĩ sẽ dựa trên triệu chứng lâm sàng, sức khỏe tổng quát của người bệnh và một số xét nghiệm như: Xét nghiệm máu, siêu âm, nội soi hay sinh thiết gan (lấy mẫu tế bào gan) nếu cần thiết.
- Xét nghiệm máu sẽ giúp xác định mức độ của hai loại enzyme alkaline phosphatase và gamma-glutamyl transpeptidase. Những người bị tắc mật sẽ có lượng lớn hai loại enzyme này trong máu.
- Xét nghiệm máu đo nồng độ bilirubin chỉ có thể xác định được mức độ nghiêm trọng của tình trạng tắc mật mà không thể tìm ra được nguyên nhân. Do đó, các bác sỹ thường sẽ thực hiện thêm các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, trong đó phổ biến nhất là phương pháp siêu âm. Chỉ trong những trường hợp nhất định, chụp cắt lớp CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI mới được áp dụng thay thế cho siêu âm.
- Nếu nguyên nhân là từ gan, các bác sỹ có thể sẽ làm sinh thiết tế bào gan. Nếu nguyên nhân từ đường mật, người bệnh sẽ được nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP), cộng hưởng từ mật tụy (MRCP) hoặc siêu âm nội soi để có hình ảnh rõ nét về hình ảnh các đường ống mật tụy phục vụ cho chẩn đoán chính xác.
Điểu trị bệnh thường sẽ phụ thuốc nguyên nhân để có chỉ định cụ thể, ví dụ do giun thì tẩy giun, do thuốc thì ngưng sử dụng thuốc, hoặc sử dụng các phương pháp phẫu thuật,… Bạn cần thăm khám bác sĩ kịp thời nếu phát hiện mình có một trong các triệu chứng kể trên.