LÝ LUẬN Y HỌC CỔ TRUYỀN VỀ BỆNH HEN PHẾ QUẢN
Y học cổ truyền mô tả bệnh hen thuộc các chứng “háo suyễn”, “đàm ẩm”. Bệnh xảy ra mãn tính và hay tái phát, lúc lên cơn khó thở thường là thực chứng và tình trạng ngoài cơn thường là hư chứng.
1. Lý luận y học cổ truyền về bệnh hen phế quản
Người bệnh có bẩm tố phế, thận bất túc (cơ địa dị ứng), bệnh khởi phát bởi ngoại cảm lục tà (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa), tình chí thất điều, nguyên nhân ẩm thực, lao quyện quá độ làm thay đổi công năng các tạng phủ gây bệnh.
Bệnh hen phế quản liên quan đến rối loạn công năng hoạt động chủ yếu của hai tạng phế và thận (phế chủ chư khí, chủ tuyên phát túc giáng; thận chủ nạp khí) gây ra các biểu hiện khó thở, tức ngực, ho…
Ngoài ra, bệnh còn có liên quan đến đàm. Thận hư không chủ được thủy, thận dương hư không ôn được tỳ, tỳ hư không vận hóa được thủy cốc, phế hư không thông điều thủy đạo; do đó sự vận hóa thủy thấp bị rối loạn mà sinh đàm. Biểu hiện trên lâm sàng là: Ngực đầy tức, khạc đàm nhiều…
Hen phế quản thường diễn biến mạn tính, công năng các tạng phủ giảm sút (hư chứng), khi có yếu tố ngoại tà thường lên cơn hen suyễn (thực chứng). Vì vậy, khi điều trị cần chú ý đến tiêu (ngọn), bản (gốc), hoãn, cấp mà xử trí thích hợp.
2. Đông y trị cơn hen phế quản
Cơn hen xuất hiện đột ngột; khó thở thì thở ra, cơn khó thở kéo dài 5- 15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày; nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến tình trạng nói khó, tụt huyết áp, có cơn ngừng thở hoặc thở chậm, vã mồ hôi, đau tức ngực, tím môi và đầu chi, rối loạn tri giác, nhịp tim chậm thậm chí tử vong…
• Đông y chia cơn hen thành hen hàn và hen nhiệt:

3. Đông y điều trị bệnh hen khi hết cơn
Khi hết cơn hen, trước mắt bệnh nhân qua được sự nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh vẫn không thể hết hoàn toàn bởi công năng tạng phủ vẫn bị tổn thương và cần điều trị tận gốc để tránh tái phát cơn hen và phòng các biến chứng nguy hiểm nặng nề. Các tạng bị tổn thương trong bệnh hen phế quản là phế, tỳ, thận. Vì vậy, để điều trị căn bản hiệu quả, cần khám tỉ mỉ để chẩn đoán đúng thể bệnh.
• Phế hư
Thể phế hư hay gặp ở những người hen phế quản lâu ngày, kèm theo giãn phế nang, giảm chức năng hô hấp, giai đoạn đầu của tâm phế mạn.
- Chứng trạng:
o Phế khí hư: Sợ lạnh, tự hãn (tự ra mồ hôi), ho, đoản hơn (thở ngắn gấp), đờm nhiều và loãng, ngại nói, tiếng nói nhỏ, sắc mặt trắng, dễ bị cảm lạnh, khi gặp lạnh dễ lên cơn hen, ngạt mũi, chảy nước mũi trong, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch nhu hoãn vô lực.
o Phế âm hư: Ho, thở gấp, ít đờm hoặc không có đờm, họng miệng khô, sốt về chiều, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít hoặc không có, mạch tế sác.
- Pháp điều trị: Bổ phế cố biểu (bổ phế khí hoặc phế âm tùy trường hợp), ích khí định suyễn.
• Tỳ hư:
- Chứng trạng: Ho, đờm nhiều, sắc mặt vàng, mệt mỏi, tứ chi vô lực, ăn kém, bụng đầy trướng, đại tiện lỏng nát, phù thũng, lưỡi nhạt, rêu trắng nhớt, mạch hoãn tế vô lực.
- Pháp điều trị: Kiện tỳ ích khí.
• Thận hư
- Chứng trạng:
o Thận dương hư: Hơi thở ngắn gấp (gắng sức càng khó thở), hồi hộp, đờm có bọt, đau mỏi lưng gối, sợ lạnh, nước tiểu trong và nhiều, tiểu tiện nhiều lần, lưỡi nhạt rêu trắng nhuận, mạch trầm tế vô lực.
o Thận âm hư: Hơi thở ngắn gấp (gắng sức càng khó thở), hồi hộp, đờm có bọt, đau mỏi lưng gối, chóng mặt, ù tai, họng miệng khô, lòng bàn tay bàn chân nóng, nước tiểu vàng, đại tiện táo, lưỡi đỏ khô, rêu lưỡi ít hoặc không có, mạch tế sác.
- Pháp điều trị:
o Thận dương hư: Ôn thận nạp khí
o Thận âm hư: Tư âm bổ thận
Thế mạnh của y học cổ truyền là điều trị tận gốc bệnh hen phế quản. Tùy thuộc vào từng thể bệnh mà có các bài thuốc và phương huyệt châm cứu thích hợp. Khi lên cơn hen phế quản cần phải kết hợp với các phương pháp cấp cứu hiện đại để tăng khả năng thông khí cho người bệnh, nhanh chóng giúp người bệnh qua cơn nguy kịch như: Nằm cao đầu, hút đờm dãi, đặt nội khí quản khi có suy hô hấp, liệu pháp oxy, dùng thuốc giãn phế quản (khí dung hoặc tiêm tĩnh mạch chậm), bù nước và điện giải.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)