ĐỀ PHÒNG BỆNH XƯƠNG KHỚP TÁI PHÁT TRONG MÙA ĐÔNG
Mùa đông thời tiết lạnh và ẩm, nhất là về đêm và gần sáng, đây chính là thời điểm nhiều bệnh bùng phát khiến bệnh nhân khó chịu. Đặc biệt là các bệnh xương khớp ở người cao tuổi. Những ngày lạnh giá, mưa phùn nhiều bệnh nhân bị tái phát bệnh, đau đớn và khó chịu vô cùng. Cùng tìm hiểu các phòng bệnh xương khớp tái phát khi mùa đông tới nhé!
1. Tập thể dục, yoga
Tập thể dục và các động tác yoga giúp hệ cơ xương khớp dẻo dai, các cơ bắp phát triển khỏe mạnh, hạn chế được tình trạng teo cơ, cứng khớp. Khi bệnh nhân mắc 1 số bệnh xương khớp thường hay cứng khớp, khó vận động vào buổi sáng, tập thể dục và yoga sẽ giúp hạn chế tình trạng này.
Ngoài ra khi đi tập thể dục và yoga còn rèn luyện 1 thói quen tốt cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra khi tập các động tác làm giãn cột sống, còn giúp giảm đau rất tốt, giảm tình trạng cứng khớp làm giảm nhẹ triệu chứng của bệnh viêm khớp.
2. Chườm ấm, chườm nóng
Mùa đông lạnh thường gây ra tình trạng co cơ, cứng khớp, vì vậy có thể sử dụng các phương pháp chườm ấm, chườm nóng để cơ được giãn ra, khớp được trơn tru vận động dễ dàng hơn.
Bạn có thể sử dụng ngải cứu rang cùng muối cho thật nóng, sau đó cho vào túi vải và chườm. Hoặc có thể ngâm chân trong nước gừng ấm khoảng 15 phút mỗi tối. Ngoài ra có thể sử dụng các túi chườm nóng có sẵn, có tác dụng giảm đau xương khớp rất tốt.
3. Bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe
Người bệnh nên ăn thực phẩm chứa nhiều acid béo omega-3 như cá hồi, cá ngừ, các vitamin A, E, C có trong đậu nành, rau xanh, hạt mầm, cà rốt, cà chua, ớt, bơ... Ngoài ra có thể bổ sung các loại thức phẩm có độ nhớt cao như mồng tơi, đậu bắp, mướp để bổ sung dịch cho khớp, giúp các khớp vận động linh hoạt hơn.
Hạn chế rượu bia, các bữa tiệc thịnh soạn vì có thể gây ra một cơn gout cấp (nhất là ở những bệnh nhân gout) và làm trầm trọng hơn tình trạng đau nhức xương khớp. Các đồ uống có ga, cồn cũng đều phải tránh.
Uống đủ nước mỗi ngày. Cơ thể thiếu nước có thể gây hiện tượng cô đặc máu, làm giảm lưu thông máu đến nuôi dưỡng các khớp, nhất là các khớp ở xa (bàn tay, bàn chân). Khuyến khích dùng thức ăn, nước uống có nhiệt độ ấm vì sẽ bổ sung thêm nguồn nhiệt để làm ấm cơ thể.
4. Giữ ấm cơ thể
Mùa đông nhiệt độ thường xuống thấp nhất là vào nửa đêm và gần sáng, chính vì vậy khi ngủ cần đi tất chân, mặc quần áo dài tay và đắp chăn ấm. Tốt nhất là nên đóng tất cả cửa tránh gió lùa và có túi chườm ấm sẽ tốt hơn.
Khi tắm cũng cần tắm ấm, ở phòng kín, lau khô người mới mặc quần áo ấm. Nói chung mùa đông nên hạn chế ra ngoài vào lúc thời tiết lạnh.
5. Vận động phù hợp
Mùa đông ở trong nhà cả ngày tránh lạnh cũng không phải là biện pháp tốt. Cần lựa chọn thời gian thích hợp để có thể đi dạo, chạy bộ hoặc tập thể dục để xương khớp có thể vận động phù hợp.
Để cơ thể thích nghi khi vừa thức dậy cần tập thể dục tại chỗ, có thể xoa 2 bàn tay vào nhau cho ấm nóng rồi mát xa khắp cơ thể. Đến khi cơ thể ấm hãy bắt đầu công việc hàng ngày.