Ngải cứu hay còn gọi là ngải diệp, cây thuốc cứu. Cây thường mọc hoang và đôi khi cũng được trồng trong nhiều gia đình. Ngải cứu là cây quen thuộc trong nhân dân bởi ngoài làm rau ăn, ngải cứu còn được sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Bộ phận dùng làm thuốc là cành và lá ngải cứu, có thể dùng tươi, phơi hay sấy khô. Thành phần hóa học chính của cây ngải cứu là tinh dầu (quan trọng là cineol, thujone) có tính kháng khuẩn rất tốt. Theo Đông y, ngải cứu có vị đắng, cay, tính hơi ấm, có tác dụng điều hòa khí huyết, an thai, cầm máu, đau lưng bụng do lạnh, lưu thông máu lên não, tăng cường sức khỏe sau sinh... Trong đó có dùng ngải cứu chữa đau đầu hiệu quả nhanh chóng do một phần nguyên nhân gây bệnh đau nhức đầu là do tuần hoàn mạch máu bị ứ trệ và bị các dây thần kinh chèn ép dẫn đến thiếu oxy và thiếu máu lên não.
Những bài thuốc chữa đau nhức đầu bằng ngải cứu
Bài thuốc chữa đau nhức đầu bằng ngải cứu và khuynh diệp (Bạch đàn)
Chuẩn bị: 100gr lá ngải cứu, 100gr lá khuynh diệp.
Cách dùng: Rửa sạch ngải cứu và khuynh diệp, sau đó cho vào nồi. Thêm 1 lít nước lọc đun cho tới khi nước còn bằng một nửa là được. Chắt lấy nước cốt và uống. Uống trong vòng từ 3-5 ngày để chữa đau đầu, đau cổ họng và cảm cúm.
Bài thuốc chữa đau đầu, hoa mắt bằng lá ngải cứu và mật ong
Chuẩn bị: 300gr lá ngải cứu đã rửa sạch với nước muối và 2 muỗng mật ong.
Cách dùng: Giã nát lá ngải cứu, vắt lấy nước, sau đó thêm mật ong vào phần nước cốt đã chiết được. Nên uống hàng ngày vào buổi trưa và chiều trong khoảng 2 tuần, cách làm này sẽ giảm đáng kể chứng đau đầu thường gặp.
Bài thuốc chữa đau nhức đầu, khí huyết hư tổn từ ngải cứu, đậu đen, trứng gà
Chuẩn bị:150gr lá ngải cứu, 01 quả trứng gà, 50gr đậu đen.
Cách dùng: Đậu đen ngâm trong nước đến khi mềm thì lấy toàn bộ đem đun sôi với lá ngải và trứng gà (lưu ý đun với lửa nhỏ cho đến khi chín nhừ). Trứng gà sau khi chín ăn cùng với phần nước vừa đun, ăn 1 ngày một lần và ăn liên tục trong 10 ngày để chữa bệnh đau đầu. Cách chữa này đặc biệt tốt cho người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược, khí huyết kém.
Bài thuốc chữa bệnh đau đầu bằng trứng rán ngải cứu
Trứng rán ngải cứu là một món ăn ngon khá phổ biến và được nhiều người yêu thích. Bên cạnh đó, trứng rán ngải cứu còn được biết đến với công dụng chữa chứng đau đầu vô cùng hiệu quả.
Chuẩn bị: Lá ngải cứu non khoảng 100-200gr, 02 quả trứng gà.
Cách dùng: Rửa sạch lá ngải cứu để ráo rồi thái nhỏ hoặc giã nát tùy thích. Đập 2 quả trứng gà vào 1 cái bát, cho phần ngải cứu vừa rồi vào tiếp và đánh tan đều hỗn hợp thêm gia vị rồi đem rán với dầu ăn. Nên ăn ngay khi còn nóng là tốt nhất vì còn giữ được hương vị. Mỗi ngày nên làm 1 lần vào buổi sáng hoặc trưa. Kiên trì dùng liên tục trong 1 tuần đến 10 ngày, hoặc mỗi tháng nên ăn trong 10 ngày sẽ có tác dụng giúp lưu thông tuần hoàn máu não. Đây là bài thuốc chữa bệnh đau đầu bằng ngải cứu cực dễ làm và mang lại hiệu quả tốt.
Xông hơi lá ngải cứu chữa đau nhức đầu
Đây cũng là cách chữa dân gian rất hiệu quả mà ông bà ta hay dùng. Không những trị bệnh đau đầu, cảm cúm, ho mà đây còn là cách giải độc tố cơ thể, phục hồi sức khỏe cực kỳ tốt.
Chuẩn bị: Lá ngải cứu, lá khuynh diệp, lá bưởi hoặc lá sả, tỷ lệ 3:1:1
Cách dùng: Đun sôi 1 lít nước với tất cả thảo dược trên, để sôi khoảng 20 phút là được. Dùng xông hơi trong 15-20 phút. Hiệu quả chữa bệnh có thấy rõ ngay trong lần xông hơi đầu tiên. Hoặc nếu có điều kiện có thể cho thêm các loại lá thuốc thông thường như cúc tần, tía tô, nhánh gừng, lá ổi, lá lốt, lá tre vv…
Chườm ngải cứu chữa đau nhức đầu
Chuẩn bị: Một nắm lá ngải cứu, 1 ít muối, 1 cái khăn mỏng
Cách dùng: Ngải cứu rửa sạch, giã nát, sau đó đem rang chung với muối cho nóng. Bọc hỗn hợp này trong một cái khăn mỏng rồi đắp lên trán và sau cổ gáy vào buổi tối trước khi đi ngủ. Chườm ngải cứu chữa đau đầu là phương pháp dân gian xưa vẫn hay làm và mang lại hiệu quả cao. Việc đắp ngải cứu chữa đau đầu đến bây giờ vẫn được rất nhiều người áp dụng bởi tính năng của nó, rất lành mà không sợ bị tác dụng phụ.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng ngải cứu chữa đau nhức đầu
- Hoạt chất thujone có trong cây ngải cứu sẽ gây nên tác dụng phụ nếu như sử dụng quá nhiều, tốt nhất không nên dùng quá 4 lần/ tuần.
- Những người bị dị ứng với các loại thực vật trong họ Asteraceae như cúc vạn thọ, cây cúc,.. không nên dùng ngải cứu vì sẽ bị dị ứng tương tự.
- Phụ nữ có thai không nên ăn quá nhiều ngải cứu, chỉ nên ăn 1 đến 2 lần trong mỗi tuần, mỗi lần ăn chỉ được phép ăn 3 – 5 ngọn nhỏ. Nếu ăn quá nhiều sẽ gây hiện tượng co bóp tử cung có thể dẫn tới việc sinh non hoặc sảy thai.
Trên đây là những bài thuốc chữa đau đầu bằng ngải cứu rất đơn giản, dễ làm, an toàn và hiệu quả cao mà bạn có thể tham khảo. Để có kết quả tốt nhất, ngoài việc sử dụng các bài thuốc từ ngải cứu, bạn nên tìm nguyên nhân chính xác để có hướng điều trị phù hợp.
BS. Thu Thủy (Thọ Xuân Đường)