BA LA MẬT_ VỊ THUỐC TƯỞNG LẠ MÀ QUÁ THÂN QUEN
Thuốc Nam được sử dụng từ rất lâu đời và được lưu truyền rộng rãi trong dân gian ta. Chúng ta thường hay sử dụng có nhọc nồi, cam thảo đất, cà gai leo … Đây là các vị thuốc quá đỗi quen thuộc. Nhưng ít ai biết, có một loại cây cho quả ngọt mùa hè được nhiều người yêu thích lại là một vị thuốc quý với tên gọi tưởng lạ mà thân thuộc. Đó là vị thuốc Ba La Mật- vị thuốc từ Cây mít, lá mít, quả mít.
1. Mô tả dược liệu
- Tên gọi: Vị thuốc còn có tên gọi khác là: Ngư đởm tử thảo, Thụ bà la, Nãng già kết, Thiên bà la Vưu chu huyện.
- Tên khoa học: Artocarpus Heterophyllus Lam. Thuộc họ: Moraceae
- Mô tả: Là loại cây thân gỗ, cao trung bình 20-30m, có nhiều cành. Lá đơn, dày, màu xanh thẫm, dài 9-22cm, rộng 4-9cm, cuống 1-1,5cm. Hoa cái mọc ở trên thân, cành cây, dài khoảng 5-8 cm. Hoa đực hình chùy. Qủa phức, khi già có kích thước từ 30-60 cm, vỏ quả có nhiều gai nhọn. Khi quả chín gai sẽ thưa ra, vỏ quả vẫn giữ màu xanh hoặc ngat màu vàng, thịt quả màu vàng nhạt, vị ngọt thơm, nhiều hạt.
2. Thành phần hóa học:
Trong thân cây, lá cây có chất nhựa màu trắng, rất dính. Trong múi mít khô có 11-15% đường (Fructoza và Glucoza), một ít tinh dầu thơm, 1,60% Protid, 1-2% muối khoáng bao gồm Calci (18mg%), Phospho (25mg%), Sắt (0,4mg%), Caroten (0,4mg%), Vitamin B2 (0,04mg%), Vitamin C (4mg%). Lá mít có chứa chất Cycloheterophyllin. Trong hạt mít có 70% tinh bột, 5,2% Protid, 0,62% chất béo, 1,4% muối khoáng. Ngoài ra, trong hạt mít có chất men ức chế men tiêu hóa trong ruột, vì vậy, ăn hạt mít luộc dễ bị đầy hơi và trung tiện.
3. Tính vị quy kinh
Sách “ Bản Thảo Cương Mục” viết: “ Nãng già kết Vị ngọt, thơm, hơi chua, tính bình, không độc”. Sách “ Nam dược thần hiệu” cụ Tuệ Tĩnh ghi rằng: “ Ba La Mật Vị ngọt, khí thơm, không độc”.
Hạt mít vị ngọt, hơi chua, tính bình, không độc.
Nhựa mít vị nhạt, sáp.
4. Tác dụng:
- Theo sách Bản Thảo Cương Mục: Nãng già kết chỉ khát, giải phiền, giải độc rượu (tỉnh rượu), ích khí. Hạt có tác dụng bổ trung ích khí. Cụ Tuệ Tĩnh trong Nam Dược Thần Hiệu cho rằng Ba La Mật chỉ khát, ích khí, trừ phiền, giải say rượu, ăn nhẹ mình, no bụng, đẹp da mặt.
- Lá mít giã nát, chưng, đắp vào vết thương trị vết thương do kim khí gây nên. Nhựa từ lá mít và thân cây mít có tác dụng tán kết, tiêu thủng, chỉ thống, đắp bên ngoài trị mụn nhọt sưng đỏ, hoặc mụn nhọt sưng nổi hạch
- Hạt mít ngoài tác dụng bổ trung ích khí còn dùng để thông sữa, trị sinh xong ít sữa hoặc sữa không thông ( theo Trung Dược Đại Từ Điển). Tuy nhiên, ăn nhiều hạt mít chin sẽ có cảm giác đầy bụng, lâu đói và dễ trung tiện.
Có thể nói, trong làng quê Việt, hầu như nhà nào cũng trồng làm cây ăn quả. Tuy nhiên, để ứng dụng trong việc chữa bệnh thì chưa phải ai cũng biết sử dụng. Bài viết hi vọng cung cấp thêm thông tin cho quý độc giả và đồng nghiệp. Tuy nhiên, với quý độc giả muốn sử dụng hãy hỏi ý kiến thầy thuốc.