BÀO CHẾ HOÀI SƠN THẾ NÀO CHO ĐÚNG?
Hoài sơn là một vị thuốc đông y, còn có tên khác là Sơn dược, Khoai mài, Củ mài. Vị thuốc được bào chế từ thân rễ của cây Hoài sơn (Dioscorea persimilis Prain & Burk.), họ củ nâu (Dioscoreaceae).
1. Vị thuốc Hoài sơn
Vị thuốc đông y này đã được các nhà khoa học nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng dược lý, soi sáng thêm cho những công năng, chủ trị theo y học cổ truyền.
Hoài sơn chủ yếu chứa tinh bột, ngoài ra củ còn chứa mucin, allantoin, các acid amin, saponin steroid và men maltase... Hoài sơn chứa 63,25% tinh bột, 0,45% chất béo, 6,75% chất đạm, là nguồn dự trữ quý, có giá trị dinh dưỡng cao, đứng sau gạo và ngô. Trong Hoài sơn còn có nhiều loại nguyên tố vi lượng. Hoài sơn có các tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, kháng virus, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, tăng đồng hóa, tăng cường thể lực.
Theo y học cổ truyền, Hoài sơn sắc trắng vào phế, vị ngọt quy tỳ. Bổ bất túc, thanh hư nhiệt (âm bất túc sinh nội nhiệt, bổ âm giúp thanh hư nhiệt). Cố trường vị, nhuận bì mao, hóa đàm diên, chỉ tả lỵ. Phế là mẹ của thận (phế kim sinh thận thủy), nên Hoài sơn có tác dụng ích thận cường âm, trị hư tổn lao thương. Tỳ là con của tâm (tâm hỏa sinh tỳ thổ), nên Hoài sơn có tác dụng ích tâm khí, trị kiện vong, di tinh.
2. Bào chế vị thuốc Hoài sơn
Bào chế vị thuốc Hoài sơn để bảo quản dược liệu được lâu, tăng tác dụng dược liệu, đúng với mục đích sử dụng.
Củ Hoài sơn thu hoạch vào tháng 11 – 12 trong năm hoặc tháng 1 – 2 năm sau, khi cây tàn lụi, cắt bỏ phần thân lá và đào lấy rễ củ. Cắt đầu rễ làm giống, phần còn lại đem sơ chế, chế biến. Củ Hoài sơn được rửa sạch đất cát, dùng dao tre hay inox cạo bỏ vỏ ngoài và rễ con. Hoài sơn cần phải được sơ chế, chế biến ngay sau khi thu hoạch 3 ngày, bởi để lâu củ dễ bị thối, hỏng.
- Cách thông thường: Hoài sơn được ngâm với phèn chua (10g phèn chua hòa trong 1 lít nước) để loại bỏ chất nhớt. Sấy xông sinh 3 ngày 3 đêm đến khi củ mềm nhũn, lấy ra nhúng nước lã. rửa sạch, phơi cho se, sấy lại lưu huỳnh 24 giờ đến khi củ mềm, phơi đến gần khô lại sấy lưu huỳnh 24 giờ.
- Cách chế sấy lưu huỳnh làm 3 lần: Lần 1: sau khi gọt sạch vỏ, đem xếp củ vào lò sấy và xông hơi lưu huỳnh cho tỏa đều khối dược liệu (tỷ lệ lưu huỳnh 2%), sấy 2 ngày 2 đêm, ủ lại 1 đêm rồi phơi nắng nhẹ hoặc sấy nhẹ cho khô. Tiếp tục đẽm ngâm nước 2 ngày 2 đêm rồi rửa sạch và phơi nắng đến khô. Lần 2: xếp Hoài sơn vào lò sấy, sấy xông lưu huỳnh tỷ lệ 1% trong 1 ngày 1 đêm đến khi dược liệu mềm như chuối, đem ủ trong vại, đây bằng bao tải có nhúng nước ủ 1 ngày 1 đêm. Đem củ sửa cho đều rồi đặt lên ván lăn đến khi hai đầu dược liệu lõm vào. đem phơi hoặc sấy nhẹ cho gần khô, sửa và lăn lại đễ có hình dáng đẹp, mặt ngoài nhẫn bóng rồi phơi đến khô. Nhúng nhanh vào nước, dùng giấy nháp đánh cho bóng. Lần 3: trước khi đóng bao, sấy lại Hoài sơn với lưu huỳnh tỷ lệ 0.2% trong 1 ngày 1 đêm rồi phân loại.
- Hoài sơn còn được ngâm vào nước cho mềm sau đó vớt ra, thái miếng, phơi khô hoặc sấy rồi tiền hành sao tẩm.
Hoài sơn tốt có màu trắng bóng, không vàng, chất củ rắn chắc. Không xốp, không có vét lỗ chỗ. không bị sâu mọt.
Theo y học cổ truyền, Hoài sơn được bào chế như sau:
• Hoài sơn khô
Củ tươi rửa sạch, củ khô thì ngâm qua 1 – 2 giờ và ủ một đêm, đồ lên, thái lát mỏng phơi hoặc sấy khô, dùng sống. Dạng này có tính lương (mát), thường dùng để trị chứng bạch đới, thận hư.
• Hoài sơn sao vàng
Hoài sơn khô sao cho đến khi vàng, có mùi thơm. Khi sao chín lên, Hoài sơn có tính ôn ấm, có tác dụng kiện tỳ.
• Hoài sơn sao cám
Hoài sơn khô sao cùng với cám gạo (dùng cám gạo vừa xay xát không quá 24 giờ). Cho cám vào chảo đảo cho đến khi bốc khói, cho Hoài sơn vào sao cùng khi dược liệu có màu vàng, sàng bỏ cám đi. Cứ 10 kg Hoài sơn dùng 2 kg cám gạo. Phương pháp bào chế này làm tăng tác dụng kiện tỳ của Hoài Sơn.
• Hoài sơn sao hoàng thổ
Dùng bột hoàng thổ sao nóng; cho Hoài sơn phiến vào dùng lửa nhỏ sao, tới khi bề mặt phiến xuất hiện màu hoàng thổ. Đổ ra xát bỏ đất, khi sao với đất cần chú ý không dùng đất quá nhiều, phải sao lửa nhỏ từ từ để tránh bị đen phiến Hoài sơn.
• Hoài sơn sao gạo
Khi chảo nóng cho Hoài sơn và gạo vào đảo đều đến lúc gạo có màu vàng, đổ ra rây bỏ gạo. Tỷ lệ Hoài sơn 10 kg dùng gạo 1 kg.
3. Tiêu chuẩn dược liệu theo Dược điển Việt Nam IV
• Mô tả
Rễ củ phình to có nhiều hình dạng, thường có hình trụ, thẳng hay cong, dài từ 5 cm trở lên, có thể dài tới 1 m, đường kính 1 - 3 cm, có thể tới 10 cm, mặt ngoài màu vàng nâu, nhẵn, chất chắc, vết bẻ có nhiều bột màu trắng ngà, không có xơ.
• Bột
Nhiều hạt tinh bột hình trứng hay hình chuông, dài 10 - 60 mm, rộng khoảng 15 - 50 mm, có vân đồng tâm, rốn lệch tâm, hình chấm hay hình vạch. Tinh thể calci oxalat hình kim dài 35 - 50 mm. Mảnh mô mềm gồm các tế bào màng mỏng, chứa tinh bột. Mảnh mạch mạng.
• Định tính
A. Dưới ánh sáng tử ngoại bột dược liệu phát quang màu trắng sáng.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng
Bản mỏng: Silica gel G
Dung môi khai triển: Cloroform - methanol (9:1).
Dung dịch thử: Lấy 0,5 g bột dược liệu, thêm 5 ml hỗn hợp cloroform - methanol (4:1), đun sôi dưới ống sinh hàn hồi lưu khoảng 10 phút. Lọc, cô còn khoảng 1 ml.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 0,5 g bột Củ mài (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm lên bản mỏng 15 - 20 ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, phun dung dịch vanilin 1% trong hỗn hợp acid phosphoric - methanol (1:1). Sấy bản mỏng ở 120oC trong 15 phút. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu tím và giá trị Rf tương tự các vết của dung dịch đối chiếu.
• Độ ẩm
Không quá 12% (sấy ở 70oC; áp suất thường).
• Tro toàn phần
Không quá 2%
• Tạp chất
Tạp chất: Không quá 0,5%.
Dược liệu có màu vàng và đỏ: Không được có.
Vị thuốc Hoài sơn dễ bị mối mọt, ẩm mốc. Bởi vậy, sau khi bào chế, cần được bảo quản kỹ lưỡng, đóng gói kín, để nơi khô ráo.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)
Để được tư vấn về sức khỏe hãy liên hệ ngay với
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Địa chỉ: Số 5-7 Khu tập thể Thủy sản, ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 0943986986 - 0937638282