LÁ THƯỜNG XUÂN GIÚP XUA TAN HO HEN
Thuật ngữ “Chiết xuất lá thường xuân” rất quen thuộc với nhiều người, đây là thành phần trong nhiều chế phẩm trị ho. Loại dược liệu này đã được sử dụng ở các nước châu Âu và Tây Á từ lâu đời. Đến nay, lá thường xuân đã được nghiên cứu nhiều về tác dụng chống lại ho hen.
1. Cây thường xuân
Cây thường xuân (Hedera helix), thuộc họ Cuồng cuồng (Araliaceae), còn có tên gọi khác là dây vạn niên, dây nguyệt quế, dây lá nho, dây Ivy. Đây là loài cây thân gỗ leo, thường được trồng làm hàng rào hoặc trồng trong nhà để thanh lọc không khí, hạn chế tác hại của sóng điện từ, nó có thể xử lý được cả những hạt chất gây ô nhiễm có kích thước cực nhỏ.
Thường xuân là loại cây phong thủy tốt, nhiều gia đình, văn phòng trồng thường xuân trong chậu để trừ tà và đem lại sự bình an, may mắn cho gia chủ.
Cây thường xuân là loại cây ưa thích ở các quốc gia, nó gắn liền với tôn giáo, nghi lễ, khoa học và nghệ thuật. Người Ai Cập tôn thờ cây Thường xuân như thánh Osiris (thần cai quản thế giới bên kia. Màu da xanh của ngài tượng trưng cho sự tái sinh). Người Hi Lạp cổ cũng tôn thờ loài cây này như các thánh Bacchus, Demeter, Pan (thuộc 12 vị thần trên đỉnh Olympus).
Trong văn học, hình ảnh chiếc lá Thường xuân xuất hiện trong truyện ngắn “Chiết lá cuối cùng) của nhà văn người Mỹ O. Henry. Nhân vật Johnsy bị bệnh viêm phổi rất nặng, cô tuyệt vọng và nghĩ rằng khi chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống là sẽ là lúc mình lìa đời. Biết được ý nghĩ Johnsy, cụ Behrman âm thầm thức suốt đêm mưa gió bão bùng để vẽ chiếc lá Thường xuân giống như thật. Chiếc lá cuối cùng ấy đã không rụng trong đêm bão lớn khiến Johnsy có niềm tin hi vọng và muốn được sống. Johnsy từ cõi chết trở về nhưng cụ Behrman lại chết vì bệnh viêm phổi sau đêm tạo ra kiệt tác chiếc lá cuối cùng để cứu Johnsy.
2. Tác dụng chữa bệnh của lá thường xuân
Hippocrate (cha đẻ của nền y học hiện đại) đã sử dụng các bộ phận (rễ, thân, lá, quả, hoa,…) của cây Thường xuân để chữa các bệnh lỵ, gút, ho và khó thở… khi ấy, ông còn chưa biết đến thành phần hóa học và tác dụng dược lý mà có niềm tin rằng loại cây này có sức mạnh từ thần thánh.
Vào Thế kỷ XV, Leonardo da Vinci (1452 – 1519) nhận thức rõ về tác dụng chữa bệnh của lá Thường xuân. Ông thấy rằng những con lợn rừng tự chữa khỏi bệnh nhờ ăn lá Thường xuân.
Tác dụng đáng chú ý của thường xuân là giảm ho, long đờm, tiêu viêm. Điều này được một bác sĩ người Pháp phát hiện vào thế kỷ XIX. Ông đã nhận thấy rằng trẻ em ở miền Nam nước Pháp ít bị ho hơn các vùng khác do thường uống sữa đựng trong cốc làm từ gỗ cây thường xuân. Điều này đã khiến cho nhiều nhà khoa học quan tâm đến loại dược liệu này, tiến tới nghiên cứu về thành phần hóa học, tác dụng dược lý của lá thường xuân.
Thành phần hóa học trong lá Thường xuân bao gồm:
- Saponin triterpenoid: Hederasaponin B, Hederasaponin C, Hederasaponin D, α-hederin... Trong đó α-hederin có tác dụng làm tăng tiết dịch ở phế nang, làm loãng đờm, giảm co thắt phế quản, làm dịu cơn ho. Hederasaponin C khi vào cơ thể được chuyển hóa thành α-hederin.
- Các thành phần khác: flavonoid, dẫn xuất của acid phenolic.
Hội đồng khoa học Châu Âu (1998) đã công nhận các tác dụng trên hệ hô hấp và khẳng định rằng dịch chiết từ lá Thường xuân có thể làm dịu cơn ho và giảm đau rát họng do ho mà không làm mất phản xạ ho.
Giáo sư Hanns Haberlein cùng cộng sự (2003) đã chứng cơ chế tác dụng của chiết xuất lá Thường xuân. Hoạt chất chính của lá thường xuân là α – Hederin có tác dụng làm giãn cơ trơn phế quản, giảm độ nhớt dịch nhày, giúp long đờm và giảm ho.
H.Süleyman và cộng sự (2003) nghiên cứu tác dụng kháng viêm của chiết xuất saponin thô và chiết xuất tinh khiết saponin của lá Thường xuân trong các mô hình viêm cấp tính và mãn tính do carrageenan và bông gây ra ở chuột. Cả hai loại dịch chiết đều có tác dụng chống viêm. Dịch chiết tinh khiết có tác dụng chống viêm mạn tính mạnh hơn dịch chiết thô lá Thường xuân.
Nhiều nghiên cứu lâm sàng trên những bệnh nhân mặc bệnh hô hấp được điều trị bằng chiết xuất lá Thường xuân cũng đã cho thấy tỷ lệ người đáp ứng tốt đều trên 90%.
Ngoài ra, lá Thường xuân còn có các tác dụng chống vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng; tác dụng bảo vệ thần kinh; chống xơ gan. Chiết xuất quả chín Thường xuân có tác dụng chống giun sán in vitro và in vivo.
Chiết xuất lá Thường xuân hay được dùng cho các trường hợp hen phế quản, viêm phế quản, viêm họng, viêm amidan… thích hợp cho cả trẻ em và người lớn.
Tiến sĩ – Lương Y: Phùng Tuấn Giang
Chủ nhiệm Nhà thuốc đông y gia truyền Thọ Xuân Đường
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam