SƠ CỨU TRẺ BỊ ĐUỐI NƯỚC
Mùa hè nóng nực cùng cái nắng chói chang khiến ai cũng khó chịu. Cũng chính vì thế mà từ người lớn đến trẻ em ai cũng thích đi tắm, đi bơi nhất là các em nhỏ rất thích thú việc nghịc nước. Dù có bơi giỏi, hay không biết bơi thì vẫn có nguy cơ bị đuối nước, lúc này việc sơ cấp cứu là điều cần thiết vô cùng. Cùng tìm hiểu cách sơ cứu trẻ bị đuối nước.
1. Đuối nước là gì?
Đuối nước hay còn gọi là chết đuối là tình trạng nạn nhân bị ngạt khi chìm trong nước, tuy nhiên vẫn có 1 số bệnh nhân bị ngạt do tình trạng cơ thắt thanh quản.
Thông thường khi đuối nước bệnh nhân thường uống 1 lượng nước khá lớn, 1 lượng nước bị hít vào phổi hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản, do dị vật gây ngạt. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong
2. Cách sơ cứu trẻ bị đuối nước
Bệnh nhân đuối nước đang bị ngạt, vì vậy nhiệm vụ quan trọng nhất là giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân. Các bước tiến hành như sau:
- Nhanh chóng đưa nạn nhân lên bờ
Khi phát hiện có trẻ đuối nước cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước bằng mọi cách
Nếu bệnh nhân đang tỉnh và giãy dụa thì ném cho trẻ 1 cái phao cứu hộ để trẻ bám vào. Nếu bạn không biết bơi thì không được xuống nước, vì theo quán tính nạn nhân đang trong tình trạng hoảng loạn sẽ bám vào bất cứ vật gì xung quanh, nếu bạn không biết bơi có thể khiến cả 2 cùng bị đuối nước.
Nếu bệnh nhân bất tỉnh thì nhanh chóng xuống dưới nước và đưa bệnh nhân vào bờ, đồng thời đẩy đầu bệnh nhân lên khỏi mặt nước để bệnh nhân có thể hít thở.
Khi đưa lên bờ đặt ở nơi khô ráo, thoáng khí và bằng phẳng
- Kiểm tra sự sống của trẻ và tiến hành hô hấp nhân tạo
Sờ mạch cảnh, bắt mạch bẹn hoặc áp tai vào lồng ngực xem tim có đập không. Nếu không có thì tiến hành bóp tim ngoài lồng ngực
Dùng 2 tay chồng lên nhau đặt ở ½ dưới xương ức bên trái và ấn xuống liên tục với tần số khoảng 100 lần/phút, đồng thời khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hoặc băng vải móc đờm dãi và dị vật khỏi miệng bệnh nhân, tiến hành hà hơi thổi ngạt
Nếu chỉ có 1 mình thì ấn tim ngoài lồng ngực 30 nhịp rồi hà hơi thổi ngạt 2 lần, làm liên tục cho đến khi bệnh nhân hồi tỉnh hoặc có mạch đập trở lại.
Nếu có 2 người thì 1 người ép tim, 1 người hà hơi thổi ngạt liên tục.
- Theo dõi bệnh nhân
Nếu nạn nhân tỉnh thì ngừng hô hấp nhân tạo, đặt nạn nhân nằm nghiêng, kê gối cao bên vai để trẻ dễ nôn ra nước trong bụng hơn. Nới rộng quần áo để trẻ dễ thở.
Kiểm tra xem bệnh nhân có bị gãy cột sống hoặc chấn thương xương khớp nào không, nếu có thì cần cố định bằng băng ép.
Nếu bệnh nhân không tỉnh vẫn tiếp tục hô hấp nhân tạo
- Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất
Việc đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất rất quan trọng, cần làm càng nhanh càng tốt. Trong quá trình vận chuyển tiếp tục bóp tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt cho bệnh nhân.
Như vậy khi trẻ bị đuối nước thì không nên chậm trễ, cũng không nên dùng các cách dân gian như dốc ngược trẻ cho nước chảy ra ngoài mà cần nhanh chóng bóp tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo để cứu sống trẻ. Tất cả mọi người đều nên học và nhớ kĩ cách sơ cứu để cứu người khi chẳng may bị đuối nước.