LÀM THẾ NÀO ĐỂ DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT KHÔNG BÙNG PHÁT
Năm nào cũng vậy, các bệnh viện, nhà thuốc ở Hà Nội và các thành phố lớn phải tiếp nhận một số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết rất lớn, dẫn đến quả tải giường bệnh. Mặc dù các công tác tuyên truyền được đưa ra từ sớm nhưng chưa thực sự hiệu quả. Vậy làm thế nào để dịch sốt xuất huyết không có cơ hội bùng phát trong năm nay?
1. Hiểu về con đường lây truyền bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết gây ra bởi loài virus Dengue hay mọi người hay gọi là virus sốt xuất huyết. Trong y văn mô tả Dengue có dạng hình cầu, chứa 1 sợi ARN với kích thước 35-50mm không thể quan sát bằng mắt thường.
Loại virus này có 4 chủng D1, D2, D3, D4 và chỉ có miễn dịch huyết thanh với từng chủng đã mắc. Chính vì vậy 1 người có thể bị mắc sốt xuất huyết tới 4 lần trong đời, lần sau mắc chủng khác lần trước.
Virus Dengue tồn tại trong cơ thể muỗi Aedes aegypti còn gọi là muỗi vằn. Khi tiếp xúc với da người muỗi sẽ nhổ nước bọt lên rồi khoan 1 lỗ trên da, hút máu của người. Khi muỗi bị nhiễm virus Dengue thì sẽ truyền từ người này sang người kia qua muỗi đốt.
Nhiều người nghĩ rằng muỗi chỉ đốt ban đêm, thực tế muỗi đốt cả ngày nên bạn có thể bị muỗi chích bất cứ lúc nào. Chính vì vậy ở các thành phố đông đúc dân cư, sống chật hẹp nhiều muỗi đốt nên tỉ lệ mắc bệnh rất cao.
2. Nhận biết muỗi vằn và môi trường sống
Muỗi Aedes aegypti chính là trung gian truyền bệnh, mắt xích quan trọng gây bùng phát dịch. Chính vì vậy cần nhận dạng muỗi này và tiêu diệt chúng từ trong trứng nước.
Muỗi có màu đen, chân thân bụng có các khoang đen trắng rõ rệt, vùng ngực có hàng vảy trắng, trên lưng có hình chiếc đàn hai dây. Tuy nhiên muỗi khá nhỏ nên khó quan sát, vì vậy cứ thấy muỗi là phải tiêu diệt ngay.
Muỗi vằn sẽ đẻ trứng vào các dụng cụ chứa nước như chum vại, lọ hoa, kẽ lá, chậu cảnh, vũng nước đọng… Sau đó nở thành bọ gậy 1-3 ngày thành loăng quăng 4-7 ngày rồi thành muỗi con 2-3 ngày rồi tiếp tục phát triển thành muỗi trưởng thành và đi hút máu người, sau đó đẻ trứng.
3. Các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết
Như vậy mọi người có thể hiểu về đường lây truyền bệnh sốt xuất huyết và ý thức được mỗi người phải góp phần vào bảo vệ môi trường, tiêu diệt muỗi, có lối sống khoa học để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát. Cụ thể cần thực hiện các biện pháp sau:
• Tiêu diệt muỗi vằn, phá hủy nơi sinh sống và đẻ trứng của chúng:
- Đậy kín các vật có chứa nước như chum, vại, thùng, xô, bể chứa nước để muỗi không có nơi đẻ trứng.
- Dọn quang cỏ dại, rác thải sạch sẽ, quét khô các vũng nước, lật úp các đồ có thể chứa nước không dùng đến
- Thả cá rô hoặc bắt loăng quăng, bọ gậy trong các bể nước, ao hồ.
• Phòng chống muỗi đốt:
- Mặc quần áo dài tay
- Bỏ màn ngủ kể cả ban ngày hay ban đêm
- Sử dụng bình xịt muỗi, hương muỗi
- Cách ly người bệnh
Người bệnh cần được nằm trong màn để tránh muỗi đốt rồi lây truyền sang xung quanh.
- Phối hợp cơ quan nhà nước phun thuốc xịt muỗi, hóa chất diệt muỗi để chống dịch.
Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, vì vậy mỗi cá nhân cần có ý thức để dịch sốt xuất huyết không có cơ hội bùng phát.