Nhiều bệnh viêm nhiễm, mãn tính thông thường nếu không được điều trị tốt có thể kèm theo thiếu máu do thời gian sống trung bình của hồng cầu giảm, do tăng phá hủy hồng cầu, do rối loạn tái sử dụng sắt và do suy tủy xương tương đối nên tạo huyết không bù lại được mức độ thiếu máu. Bệnh cảnh lâm sàng thường nổi trội bởi những triệu chứng của bệnh gốc gây ra thiếu máu và hội chứng thiếu máu ít nhiều bị mờ nhạt.
THIẾU MÁU TRONG NHỮNG BỆNH MÃN TÍNH
Nhiều bệnh viêm nhiễm, mãn tính thông thường nếu không được điều trị tốt có thể kèm theo thiếu máu do thời gian sống trung bình của hồng cầu giảm, do tăng phá hủy hồng cầu, do rối loạn tái sử dụng sắt và do suy tủy xương tương đối nên tạo huyết không bù lại được mức độ thiếu máu. Bệnh cảnh lâm sàng thường nổi trội bởi những triệu chứng của bệnh gốc gây ra thiếu máu và hội chứng thiếu máu ít nhiều bị mờ nhạt.
Thiếu mái trong những bệnh mãn tính thường là thiếu máu hồng cầu thường, đẳng sắc, đôi khi là nhược sắc. Lượng Hemoglobin thay đổi từ 7 – 11g/dl và số lượng hồng cầu lưới bình thường hoặc hơi tăng. Sắt và Ferritin trong huyết thanh thường giảm. Phần lớn những trường hợp thiếu máu này không đáp ứng với điều trị bằng sắt, vitamin B12 hoặc acid folic, trù khi một hoặc cả hai yếu tố này cùng thiếu. Điều trị duy nhất có hiệu quả chính là điều trị bệnh gốc gây ra thiếu máu.
1.Thiếu máu trong bệnh xơ gan
-Thiếu máu tan máu vừa phải: Đây là thể hay gặp nhất, với tăng hồng cầu lưới và đôi khi có gặp hồng cầu hình bia hoặc hồng cầu gai (do tích lũy Cholesterol trên bề mặt hồng cầu). Số lượng bạch cầu và tiểu cầu thường tăng, trừ khi những trường hợp cường lách thì những yếu tố tế bào này sẽ giảm. Thời gian sống trung bình của hồng cầu giảm rõ rệt (15 – 25 ngày) và test Coombs (Kỹ thuật kháng globulin dùng để phát hiện hồng cầu đã gắn IgG hay bổ thể) âm tính. Tủy xương tăng sản ít nhiều, với nhiều nguyên hồng cầu bình thường, tương bào và tế bào nhân khổng lồ.
-Thiếu máu nhược sắc: Thiếu sắt có thể do mất máu (biến chứng của xơ gan: Rối loạn đông máu, viêm loét dạ dày tá tràng, trĩ, giãn tĩnh mạch thực quản).
-Thiếu máu do thiếu acid folic: Giảm folat huyết thanh thường hay gặp trong bệnh xơ gan, nhưng thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ điển hình thì hiếm thấy (chiếm 5% trường hợp thiếu máu trong bệnh xơ gan).
-Hội chứng Zieve: Thiếu máu huyết tán phối hợp với tăng Lipid máu và vàng da ứ mật với gan to. Sinh thiết gan thấy hình ảnh thoái mỡ. Căn nguyên thường do rượu.
2.Thiếu máu trong bệnh suy thận mãn tính
Căn nguyên của loại thiếu này máu thường xảy ra trong các trường hợp suy thận mãn tính mà mức độ thanh thải Creatinine thấp dưới 50ml/phút, có tăng Ure huyết dù cho nguyên nhân nào. Mức độ tiết Erythropoietin hạ thấp sẽ làm giảm kích thích hoạt động của hồng cầu qua con đường dịch thể. Có giảm hồng cầu lưới, hồng cầu trong tủy xương. Thời gian sống của hồng cầu giảm và có thể có những biểu hiện huyết tán.
3.Thiếu máu trong những bệnh nhiễm khuẩn
Thiếu máu trong những bệnh nhiễm khuẩn là do sự đình lưu sắt ở trong những tế bào nội mô.
-Thiếu máu thể hồng cầu bình thường, nhược sắc nhẹ, với lượng Hemoglobin hiếm khi xuống dưới 6mg/dl. Số lượng hồng cầu lưới hơi thay đổi và bạch cầu có thể chứa những hạt gây độc. Lượng sắt thường giảm nhưng ngược lại với thiếu máu do thiếu sắt, khả năng tổng hợp gắn sắt bình thường hoặc giảm.
-Trong tủy xương số lượng nguyên hồng cầu sắt giảm nhưng Hemosiderin không giảm. Thời gian sống trung bình của hồng cầu có thể ngắn lại và có thể phát hiện bằng xét nghiệm đồng vị phóng xạ sự lưu đình sắt trong những tế bào lưới nội mô.
-Trong những bệnh nhiễm Escherichia coli, Clostridium velchii hoặc liên cầu tan huyết bán cấp hoặc trong bệnh viêm nội tâm mạc ác tính chậm… gây ra thiếu máu huyết tán nặng.
4.Thiếu máu trong những bệnh nội tiết
Những bệnh nội tiết hay gây ra thiếu máu như phù niêm, bệnh Addison và những bệnh lý của tuyến yên. Thiếu máu thuộc thể hồng cầu bình thường dưới 3 triệu/μl và Hemoglobin khoảng 9 g/dl. Tủy xương giảm sinh và tạo nguyên hồng cầu bình thường. Thiếu máu sẽ thuyên giảm sau khi điều trị được căn nguyên nội tiết.
5.Thiếu máu trong bệnh ung thư
Thiếu máu thường hay xảy ra ở đa số bệnh nhân ung thư do nhiều cơ chế khác nhau:
-Xuất huyết nhiều lẫn dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt.
-Ung thư di căn vào tủy xương: Xuất phát từ một ung thư như vú, tuyến tiền liệt, phổi… di căn vào xương gây tiêu xương hoặc xâm lấn vào tủy xương và gây thiếu máu. Ở trẻ em, tủy xương có thể bị xâm lấn bởi những tế nào bạch cầu ác tính (ung thư máu) hoặc của Sarcoma Lympho bào. Có những ổ tạo huyết ngoại tủy xương xuất hiện trong gan và lách. Trong máu ngoại vi thấy kích thước hồng cầu không đều, hồng cầu biến dạng, có những tế bào non (nguyên hồng cầu bình thường, nguyên tủy bào, tủy bào, hậu tủy bào) và tiểu cầu thường có hình dạng quái dị.
-Bệnh nhân ung thư điều trị bằng hóa chất thường bị tác dụng không mong muốn đó là thiếu máu 3 dòng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu do suy tủy xương.
-Thiếu máu huyết tán, thời gian sống trung bình của hồng cầu ngắn lại, có thể phát hiện bằng xét nghiệm đồng vị phóng xạ.
6.Thiếu máu trong ngộ độc chì
Ngộ độc chì mãn tính thường kèm theo thiếu máu nhược sắc với các hồng cầu có chấm, tăng Siderin huyết và tủy xương phong phú. Chẩn đoán xác định bằng định lượng chì trong máu và tăng Coproporphyrin niệu.