SKCĐ - Chuyên mục alo lương y Phùng Tuấn Giang xin nghe số 2 tháng 7

CHUYÊN MỤC "ALO LƯƠNG Y PHÙNG TUẤN GIANG XIN NGHE"

Đăng trên Sức khỏe cộng đồng số 07 ngày 15/07/2020

 

 


Câu hỏi 1: Em đi khám sức khỏe, bác sĩ bảo men gan cao là sao ạ? Em không có tiền sử bệnh gì. Mong được thầy tư vấn giúp em những bài thuốc nam có thể uống tại nhà? 
(Trần Hùng – Bắc Ninh)

Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang trả lời:

Men gan tăng chứng tỏ tế bào gan đang bị tổn thương, đang bị viêm, cần phải tầm soát các nguyên nhân làm gan bị tổn thương.

Một trong các nguyên nhân gây viêm gan là viêm gan siêu vi B, ngoài ra còn có các nguyên nhân khác có thể làm men gan tăng cao như viêm gan do thuốc, viêm gan do rượu viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, viêm gan siêu vi khác như viêm gan siêu vi A, C...

Trong thời gian này, em cần ăn uống đầy đủ chất, không uống bia rượu, chất kích thích…

Khi sử dụng thuốc Nam để tăng cường chức năng gan, giải độc và điều trị, người bệnh cần tìm đến các vị thuốc mát, có tác dụng giải độc, lành tính và cách thực hiện đơn giản.

Rau mã đề: Theo Đông y, mã đề giúp chữa những bệnh đau mắt đỏ, viêm gan, mụn nhọt. Những người bị men gan cao, mặt nổi nhiều mụn nhọt nên lấy một số ít rau mã đề rửa sạch, nấu với thịt lợn làm canh ăn vào buổi cơm trưa, ăn liên tục trong 6 – 7 ngày sẽ ổn định. Chính vì thế rau mã đề được coi là bài thuốc nam chữa bệnh gan trứ danh.

Cây biển súc: Cây biển súc hay còn gọi với tên khác là cây rau đắng, đây là cây thuốc Nam chữa bệnh nóng gan rất hữu hiệu và dễ tìm. Cây biển súc thường được sử dụng làm bài thuốc chữa những bệnh nhiễm trùng, mụn nhọt, mát gan, giải độc… Cách sử dụng cây biển súc dễ nhất là đem luộc sau đó trộn với muối mè sử dụng trong mỗi bữa cơm. Món ăn từ cây biển súc này rất tốt cho gan, mật. Những người thường hay uống nhiều rượu, bia nên ứng dụng các bài thuốc từ cây biển súc để làm tăng công năng giải độc gan.

Cây Atisô: Atisô có tính mát, vị đắng, hương thơm dịu nhẹ. Atisô có công năng trong việc nhuận gan, nhuận tràng, lợi tiểu, giảm cholesterol trong máu, giải độc gan… phù hợp cho những người thường xuyên hút thuốc, uống rượu, bia nhiều, làm việc tại môi trường nhiều khói bụi, ô nhiễm…

Cây diệp hạ châu: Cây diệp hạ châu hay còn gọi là cây chó đẻ răng cưa có vị ngọt hơi đắng, tính mát, có công dụng lợi tiểu, tiêu độc, sát trùng, hạ nhiệt… Khi dùng cây chó đẻ răng cưa làm bài thuốc, người ta thường nhổ cả cây, rửa sạch phơi nắng cho gần khô rồi đem phơi trong râm sau đó dùng để đun nước uống hàng ngày. Cây chó đẻ răng cưa ngoài tác dụng chữa viêm gan, thông tiểu, giảm đau còn được dùng để chữa chứng nóng gan, đặc biệt hợp bảo vệ gan cho những người uống rượu bia nhiều, làm giảm nguy cơ nhiễm độc gan.

Cà gai leo: Không chỉ trong các bài thuốc dân gian mà hiện nay trong rất nhiều loại thực phẩm chức năng hỗ trợ giải độc gan có sự tham gia của nguyên liệu này. Theo các thầy thuốc Đông y thì cà gai leo có tính ấm, vị the có các dụng tiêu độc, tán phong giúp giải độc gan, trị gan nóng rất hữu hiệu. Ngoài ra còn điều trị các triệu chứng viêm gan như: vàng da, vàng mắt, chướng bụng, ăn không ngon. Thực chất trong thành phần của cà gai leo có chứa nhiều hoạt chất: flavonoid, solasodinon, saponin steroid có tác dụng giải độc gan, điều trị virus gây viêm gan, bảo vệ tế bào gan rất tốt.

Cây mật nhân: Cây mật nhân cũng là một trong những nguyên liệu có tác dụng giải độc gan hiệu quả mà bạn không nên bỏ qua. Theo nhiều bác sĩ cho biết thì loại cây này có tác dụng hạ men gan, bảo vệ tế bào gan khá tốt. Việc dùng nguyên liệu này trong việc giải độc gan, men gan cao được thực hiện như sau: Dùng vỏ và lá mật nhân rửa sạch, chẻ nhỏ và phơi khô rồi bảo quản để dùng dần. Mỗi lần dùng lấy một lượng vừa đủ pha với nước sôi khoảng 85 độ rồi dùng để uống trong ngày. Áp dụng hàng ngày để mang lại hiệu quả nhanh nhất.

Cây nhân trần: Đây là một trong những loại cây mọc ở vùng đồi núi có tác dụng chữa bệnh về gan rất tốt. Trong đó tác dụng chính của nhân trần là giải độc gan, tăng tiết mật, có khả năng chống viêm và kháng khuẩn hiệu quả. Chúng ta có thể dùng nhân trần đem phơi khô rồi bảo quản để dùng dần. Mỗi lần dùng chỉ cần lấy một ít nấu với nước để uống thay nước lọc. Tuy nhiên không nên dùng quá nhiều có thể không có lợi cho cơ thể. Vì nguyên liệu này có khả năng lợi tiểu, đào thải nhanh khi dùng nhiều sẽ làm cho các chất cả lợi và hại đều bị thải ra ngoài mà không thể kiểm soát.

Câu hỏi 2: Em 25 tuổi, gần đây phát hiện thấy mặt bị lệch một bên, có thể do thói quen hay nhai bên phải. Em muốn hỏi là với tình trạng này có bị lệch nặng lắm không và cách khắc phục như thế nào ạ? Em rất mong nhận được phản hồi.
(Lan Anh – Đà Nẵng)

Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang trả lời:

Cơ thể người có nhiều cơ quan xuất hiện thành cặp, xếp 2 bên nhưng thật sự không đối xứng hoàn toàn. Hai bên mặt của bạn có sự mất cân xưng nhẹ nhưng điều này cũng khá bình thường, chưa có gì nghiêm trọng.

Thông thường, hai bên mặt không đối xứng có có thể do yếu tố chủ quan hoặc khách quan như bẩm sinh, do thói quen sinh hoạt như nhai một bên hàm, nằm nghiêng sang 1 bên khi ngủ, do bệnh lý răng và nha chu.

Bên cạnh thay đổi các thói quen nêu trên, bạn có thể đi khám răng xem có cần điều chỉnh gì hay không, các bài tập thể dục cũng rất tốt và giúp cân đối các nhóm cơ, phân bố mỡ 2 bên mặt bạn nhé!

Câu hỏi 3: Tôi 28 tuổi, bị đau rát họng bên phải, khi đánh lưỡi chạm vào thì nghe rất cộm. Tuần vừa rồi em có đi khám Tai mũi họng, bác sĩ nội soi kết luận em bị viêm họng cấp/mạn tính và u nhú đáy lưỡi phải. Bác sĩ nói là u nhú đó còn nhỏ để theo dõi 6 tháng 1 lần xem có to lên không. Tôi rất lo lắng sợ bị ung thư lưỡi, cho tôi hỏi những biểu hiện của bệnh ung thư lưỡi? 
(Thành Đạt – Kiên Giang)

Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang trả lời:

Theo như mô tả thì vị trí u nhú đó khó có thể cảm nhận được khi đánh lưỡi, do đó nguyên nhân bạn cảm thấy cộm hoặc nuốt vướng có thể do amidan đang sưng to do viêm cấp.

Loại ung thư lưỡi phổ biến nhất là loại ung thư tế bào biểu mô vảy. Tế bào biểu mô vảy là loại tế bào mỏng, dẹt nằm trên bề mặt của da và lưỡi, ở lớp niêm mạc của hệ tiêu hóa và hệ hô hấp, và ở niêm mạc miệng, họng,...

Triệu chứng cơ bản của ung thư lưỡi là lưỡi rất đau và sự phát triển của vết loét trên lưỡi. Các triệu chứng khác bao gồm:

•    Đau hàm hoặc họng.

•    Đau khi nuốt.

•    Cảm giác vướng mắc ở họng.

•    Lưỡi hoặc hàm bị cứng.

•    Nhai hoặc nuốt đồ ăn khó khăn.

•    Các mảng đỏ hoặc trắng ở niêm mạc miệng hoặc lưỡi.

•    Vết loét lưỡi không lành.

•    Mất cảm giác một khu vực trong miệng.

•    Chảy máu lưỡi không có lí do.

•    Khối bất thường trên lưỡi không tự biến mất.

Các triệu chứng của ung thư lưỡi cũng tương tự như các triệu chứng của ung thư vùng miệng khác, ở giai đoạn sớm chúng có thể không có triệu chứng. Và nếu các triệu chứng trên xuất hiện cũng chưa chắc đã bị ung thư lưỡi, hoặc có bị ung thư nhưng là một loại ung thư vùng miệng khác.

*** Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp xin gửi về địa chỉ : [email protected]
*** Tư vấn Phòng khám Thọ Xuân Đường - Hotline tư vấn 24/24h: 093.763.8282

 


Điện thoại liên hệ:0943.986.986