ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀO Y HỌC CỔ TRUYỀN,
GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHĂM SÓC, BẢO VỆ VÀ NÂNG CAO SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Bài đăng Tạp chí Người Cao tuổi số 254 (3607) thứ 6 ngày 22/12/2023
Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ là một xu thế tất yếu để phát triển nền khoa học và công nghệ của đất nước nói chung và của lĩnh vực Y dược học cổ truyền (YDHCT) nói riêng. Trong những năm qua công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam được đẩy mạnh. Nhiều công trình nghiên cứu cấp Bộ, cấp tỉnh đã được ứng dụng vào trong công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
Chức năng và nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam
Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội; đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống y tế thể hiện bản chất tốt đẹp của một xã hội văn minh. Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế Việt Nam theo hướng Công bằng - Hiệu quả - Phát triển; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản có chất lượng cao trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa củng cố mạng lưới y tế cơ sở với phát triển y tế chuyên sâu; giữa phát triển y tế công lập với y tế ngoài công lập; giữa y học hiện đại với y học cổ truyền. Khuyến khích việc nghiên cứu thừa kế phát triển ứng dụng các phương pháp điều trị bệnh bằng Y học cổ truyền và thuốc Nam trong cộng đồng. Đó là một phần nội dung quan điểm chỉ đạo của Chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền của Đảng và Nhà nước giai đoạn đến 2020 và tầm nhìn 2030.
Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam được thành lập theo quyết định số 768/QĐ-LHHVN ban hành ngày 02/11/2015 bởi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật Việt Nam. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ số A-1487 cấp ngày 25/11/2015 bởi Bộ Khoa học Công nghệ.
Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam có những chức năng và nhiệm vụ chính như sau:
1. Nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển công nghệ, thực hiện đề tài, chương trình, dự án trong lĩnh vực y dược cổ truyền; Nghiên cứu phát triển cây thuốc quý đặc hiệu và các vùng dược liệu tập trung ở Việt Nam; Nghiên cứu xây dựng và phát triển các mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
2. Ứng dụng các giải pháp bào chế hiện đại nhằm nâng cao sinh khả dụng và hiệu quả điều trị của các bài thuốc cây thuốc Nam; Ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản phẩm, dịch vụ phục vụ lợi ích chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất các sản phẩm đặc hiệu từ Đông Nam dược.
3. Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, tập huấn, đạo tạo nâng cao trình độ chuyên môn về các lĩnh vực nghiên cứu nêu trên.
4. Liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện nhiệm vụ Viện.
Công tác nghiên cứu khoa học
Trong những năm qua, Viện Nghiên cứu phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam đã và đang triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp tỉnh được Hội đồng khoa học đánh giá cao như:
– Đề tài “Nghiên cứu tạo thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng sử dụng một số dược liệu trồng ở vùng Tây Bắc (Cám lúa gạo, Ý dĩ, Đẳng sâm, Bạch truật, Hoài sơn…)”. Mã số khoa học KHCN-TB.18C/13-18 .
– Đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây Sâm khoai (yacón) (Smallanthus sonchifolius) theo hướng GACP-WHO tại Bát Xát (Lào Cai) tạo các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.
– Đề tài “Nghiên cứu phát triển nguồn nguyên liệu và sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh ung thư từ cây thuốc Bán chi liên (Scutellaria barbata), Bán chi liên (Hedyotis diffusa) và nấm Linh chi (Ganoderma lucidus) tại Lào Cai và vùng Tây Bắc”.
Sản phẩm Anti-U 200 của đề tài “Nghiên cứu phát triển nguồn nguyên liệu và sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh ung thư từ cây thuốc Bán chi liên (Scutellaria barbata), Bán chi liên (Hedyotis diffusa) và nấm Linh chi (Ganoderma lucidus) tại Lào Cai và vùng Tây Bắc”.
– Đề tài “Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất kế hoạch bảo tồn, phát triển một số loại cây thuốc có hiệu quả kinh tế cao tại tỉnh Bình Phước”.
– Nghiên cứu phát triển Sâm Nam núi Dành (Callerya sp.) tại tỉnh Bắc Giang làm nguyên liệu sản xuất thuốc.
Sản phẩm peacelife của Đề tài “Nghiên cứu tạo thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng sử dụng một số dược liệu trồng ở vùng Tây Bắc
Song song, Viện cũng triển khai nghiên cứu nhiều đề tài cấp viện. Qua đó, khẳng định năng lực nghiên cứu khoa học của Viện không ngừng phát triển.
Các đề tài nghiên cứu khoa học đều hướng về cộng đồng, nhằm vừa điều trị những bệnh thường gặp, vừa điều trị những bệnh khó, bệnh mạn tính. Đặc biệt, bám sát vào cuộc sống để đưa ra những đề tài nghiên cứu chân thực, gần gũi có tính ứng dụng cao (nghiên cứu ứng dụng) như các đề tài nghiên cứu về dinh dưỡng, ung thư, các bệnh mãn tính không lây… Các đề tài nghiên cứu khoa học đã tạo ra những sản phẩm thực tiễn góp phần vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Nghiên cứu thực nghiệm đã đạt bước tiến quan trọng, xây dựng được nhiều mô hình dược lý là cơ sở pháp lý và khoa học cho nghiên cứu lâm sàng và dược học, đặc biệt là trong y học cổ truyền.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hòa, Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam - chủ nhiệm đề tài trình bày nội dung phương pháp nghiên cứu của đề tài “Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất kế hoạch bảo tồn, phát triển một số loại cây thuốc có hiệu quả kinh tế cao tại tỉnh Bình Phước”
Công tác nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây thuốc cũng rất được chú trọng, thời gian qua nghiên cứu phát triển cây thuốc đã đạt được bước tiến mới điển hình là dự án phát triển cây sâm Ngọc Linh, bán chi liên, nấm linh chi, sâm nam núi Dành... Hướng phát triển nuôi trồng và phát triển cây thuốc theo tiêu chuẩn GACP sẽ tạo ra dược liệu sạch, là cơ sở cho việc chủ động nguồn cung cấp dược liệu cho Viện trong tương lai.
Nghiên cứu tăng khả năng hấp thụ thuốc, tăng sinh khả dụng bằng công nghệ: thuỷ phân, nano, enzim, phitosom… Nhất là đối với các loại dược liệu quý.
Ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu các bài thuốc của 54 dân tộc Việt Nam, kinh nghiệm chữa bệnh dân gian, đề xuất hướng bảo tồn phát triển gắn với du lịch bản địa.
Ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu phát triển các bài thuốc phòng chống covid, các bài thuốc phòng chống ung thư, các bài thuốc tăng tuổi thọ, tăng sức khoẻ, các bài thuốc đặc hiệu điều trị bệnh mãn tính không lây…
Nghiên cứu ứng dụng các phương pháp chẩn đoán, khám chữa bệnh mới, ứng dụng khoa học công nghệ trí tuệ nhân tạo để chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
Được sự định hướng của Ban lãnh đạo Viện, nhiều các cán bộ trẻ tích cực, say mê tham gia nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào trong công tác khám chữa bệnh và sản xuất dược.
Viện thường xuyên tổ chức các buổi Hội thảo, sinh hoạt khoa học nhằm trao đổi kinh nghiệm trong học tập và nghiên cứu, công bố những công nghiên cứu mới. Những sự kiện lớn như Hội nghị Khoa học thu hút được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các y bác sĩ, dược sĩ có trình độ cao trong cả nước tham dự.
Nhiều bài báo với nội dung nghiên cứu về y dược cổ truyền, dược liệu được đăng tải trên thông tin đại chúng, cung cấp nhiều thông tin y dược học, khoa học bổ ích và nhiều tài liệu nghiên cứu chuyên sâu.
Các nhà khoa học và cán bộ nghiên cứu của Viện tại vùng trồng sâm nam Núi Dành tỉnh Bắc Giang
Khoa học công nghệ (KHCN) ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Với ngành y dược - ngành khoa học có nhiệm vụ cao cả là chăm sóc sức khỏe cho người dân, việc ứng dụng KHCN càng cần thiết. Trước bài học thực tiễn từ đại dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu của người dân ngoài được tiếp cận kỹ thuật hiện đại trong tây y thì ứng dụng KHCN trong y học cổ truyền càng được quan tâm.
Link báo chí:
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam
Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường