“VỀ NGUỒN 2023” - HÀNH TRÌNH KẾT NỐI TÂM LINH VÀ NGUỒN CỘI
Trong ngày 03/03 (tức ngày 12/02 âm lịch) là ngày giỗ của Ngự y Phùng Văn Côn, Nhà thuốc Thọ Xuân Đường đã tổ chức chương trình hành hương “Về nguồn” dâng hương 4 điểm di tích tại Thanh Hóa gồm : Phúc Khai Lăng (nơi yên nghỉ của Ngự y Phùng Văn Côn và cụ bà Trịnh Trang), Đền Đồng Cổ, Động Hồ Công và Đền Cô Bơ. Chuyến đi hội tụ được đông đảo con cháu Gia tộc Họ Phùng Thọ Am, cán bộ công nhân viên và một số đối tác, khách quý của Nhà thuốc
Phúc Khai Lăng: Y đức vọng mãi ngàn năm !
Phúc Khai Lăng là nơi thờ Ngự y Phùng Văn Côn (1743-1822) – Tiến Công Thứ Lang kiêm Ngự Y, phong chức “Oanh liệt tướng quân” của triều Lê. Sau khi triều Lê thất thủ triều Nguyễn lên thay ông tản vào Thanh Hóa, mặc dù được trọng dụng mời trở ra nhưng ông từ chối ở lại chữa bệnh và làm phúc cho người nghèo được nhân dân khắp vùng kính trọng. Phúc Khai Lăng được xây dựng tại khu Vườn Mít, hón Bân, xã Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.
Đoàn dâng hương làm lễ tại Phúc Khai Lăng
Cụ Phùng Văn Côn được sinh ra từ một gia đình truyền thống làm nghề y chữa bệnh cứu người tại làng Thọ Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Cụ tổ nghề y của dòng họ Phùng là cụ Phùng Văn Dương ( 1653) từng làm việc tại Tế Sinh Đường – Thái Y Viện triều Lê, bố cụ Phùng Văn Côn là cụ Phùng Văn Đồng ( 1713-1783 ) làm lương y phục vụ trong quân đội, được nhà Vua phong tới chức Tiến Công Thứ Lang kiêm Ngự Y tại Thái Y Viện.
Cụ Phùng Văn Côn thủa nhỏ đã thông minh xuất chúng, theo nghiệp ông cha cụ cũng vào phục vụ trong quân y. Do có nhiều đóng góp cụ cũng đã được phong chức Tiến Công Thứ Lang, đến năm 1781 được điều vào Thái Y Viện, năm 1782 giữ chức Ngự Y triều đình xếp vào hàng quan Nhất Phẩm ( Bậc cao nhất trong thứ tự 9 bậc danh giá của các đời Vua ).
Đặc biệt cụ Phùng Văn Côn dưới triều Vua Quang Trung do tham gia tích cực trị thương cứu thương trong chiến dịch thần tốc tiêu diệt 20 vạn quân Thanh năm 1789 và có nhiều công lao to lớn nên đã được Vua Quang Trung tấn phong chức “ Oanh Liệt Tướng Quân “ và được ban thưởng đồng tiền vàng mang 4 chữ “ Nhất Phẩm Đương Triều “. Đồng tiền vàng hiện nay vẫn được lưu giữ tại nhà thờ tổ và trở thành báu vật của giòng họ Phùng tại Thọ Am, Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội.
Năm 1801 triều Tây Sơn thất thủ, triều Nguyễn lên thay do đang làm Ngự Y triều Tây Sơn cụ đã phải chạy loạn vào Thanh Hóa, giấu thân phận làm thuê cho một cửa hàng thuốc Nam tại Quý Lộc, Yên Định. Năm 1803 cô của Nguyễn Ánh lâm bệnh nặng có tới cửa hiệu thuốc này cắt thuốc 3 lần không khỏi, cụ đã xin với ông chủ làm thuê được cắt 5 thang thuốc cho bệnh nhân, sau 5 thang cô của vua đã khỏi bệnh. Triều Nguyễn ngỏ ý muôn mời cụ tham gia công tác chữa bệnh của triều đình nhưng cụ đã từ chối, cụ tiếp tục ở lại Thanh Hóa chữa bệnh giúp cho nhân dân và làm phúc cho người nghèo.
Trong quá trình ở lại và coi mảnh đất này là quê hương thứ 2, cụ đã quen và lấy cụ Trịnh Trang ( Họ hàng với Chúa Trịnh Sâm). Cụ mất năm 1822, được an táng tại khu Vườn Mít, hón Bân, xã Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, sau đó cụ bà cũng được an táng tại đây.
Do mộ bị thất lạc nên đến cuối năm 2017 con cháu cụ tại quê nhà mới tìm thấy, để tưởng nhớ tới hai cụ Phúc Khai Lăng đã được xây dựng vào cuối năm Mậu Tuất (2018 ).
Linh thiêng Đền Đồng Cổ
Điểm dừng chân thứ hai của đoàn là dâng hương lên Đền Đồng Cổ. Theo truyền thuyết, thần Đồng Cổ hay còn gọi là thần trống đồng, là vị thần được thờ ở đền Đồng Cổ thuộc núi Đồng Cổ (còn gọi là núi Khả Phong), tỉnh Thanh Hóa, thuộc Bộ Cửu Chân. Thần đã xin theo giúp Vua Hùng đánh giặc ở Hồ Tôn. Khi thắng trận trở về, Vua Hùng vào đền làm lễ tạ ơn, cho đúc trống đồng và phong cho thần là “Đồng Cổ Đại Vương". Núi Đồng Cổ hiện nay đã được các nhà nghiên cứu tìm ra, đó là một cụm ba ngọn núi có tên là Tam Thai ở bên bờ phải sông Mã thuộc địa phận làng Đan Nê (Đan Nê trước kia còn có tên là Khả Lao), xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Đoàn vào làm lễ tại Đền Đồng Cổ
Đền Đồng Cổ linh thiêng, trầm mặc bên bờ hữu sông Mã được tưới tắm tự ngàn đời bằng những huyền thoại, thần tích, truyền thuyết, dã sử gắn liền với những câu chuyện về thần Đồng Cổ, vị thần có công lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đền Đồng Cổ là một trong những ngôi đền có lịch sử lâu đời nhất xứ Thanh, được xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 2001. Hàng năm, vào ngày 15 tháng 3 âm lịch, xã Yên Thọ, huyện Yên Định tổ chức lễ hội Đền Đồng Cổ để tưởng nhớ vị thần có công “Hộ dân bảo quốc”. Những giá trị văn hóa – lịch sử sâu sắc của di tích núi và đền Đồng Cổ, sự linh thiêng suốt hơn 2.500 năm tuổi của đền Đồng Cổ sẽ còn lắng đọng mãi cho đến muôn đời sau.
“Tam thập lục động: Hồ Công vị đệ nhất”
Động Hồ Công nằm trong quần thể di tích Chùa Thông thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách Thành Nhà Hồ khoảng 4,5km về phía đông nam. Tại đây có hai bức tượng Hồ Công Long và Phí Trường Phòng bằng đá với hình dáng, vẻ mặt như người thật.
Hồ Công Long và Phí Trường Phòng – hai vị tiên trong huyền thoại Trung Hoa, gắn với tích “Hoa Dương long khứ” (rồng ở núi Hoa Dương bay đi mất). Chuyện kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa có một vị tiên tên là Hồ Công Long bán thuốc ở chợ cứu nhân độ thế. Ông cụ có một quả bầu treo sau lưng, quả bầu chính là nhà ở, mỗi khi bán thuốc xong, tan chợ, ông thu mình vào quả bầu. Trong quả bầu là một thế giới riêng, thế giới thần tiên, chỉ có thiên nhiên đẹp đẽ, hoa quả bốn mùa... Một lần, người coi chợ tên là Phí Trường Phòng đi theo cụ, được chui vào quả bầu thần tiên ấy và luyện đan đến đắc đạo. Lúc trở về, Phí Trường Phòng được Hồ Công Long ban cho chiếc gậy trúc, đem gậy ném xuống đất thì gậy hoá ra con rồng, rồng cất cánh bay đi. Rồng bay từ núi Hoa Dương (Trung Quốc) bay về Vĩnh Lộc, về dãy núi Xuân Đài, kiếm một nơi kỳ thú làm chỗ ẩn cho vị tiên. Truyền thuyết còn mách bảo, cứ mỗi tháng đôi kỳ, Hồ Công Long cưỡi mây về gió, đến gặp một vị tiên khác là Tu Nưa (ở Triệu Sơn) cùng đàm đạo luyện đan và làm thuốc. Câu chuyện ly kỳ ấy phản ánh phần nào cốt lõi của lịch sử.
Đoàn trước cửa Động Hồ Công
Động dài 45m, rộng 23m, cửa hình vòm, nằm ở độ cao khoảng 50 - 60m so với chân núi. Từ cửa động, có thể bao quát một vùng với núi, rừng, sông, suối, ruộng, đồng, làng mạc đan xen chẳng khác nào một bức tranh thủy mặc. Từ đây, cũng có thể nhìn thấy núi Tiến Sĩ với hình dáng một nhà nho áo mũ chỉnh tề đang ngồi suy tư đọc sách... Khi ánh sáng mặt trời chiếu qua các khe đá rọi vào trong động đã tạo nên một khoảng không kỳ ảo hư hư, thực thực như cõi tiên… Với vẻ đẹp kỳ bí này mà động Hồ Công đã được người xưa liệt vào “Tam thập lục động, Hồ Công vị đệ nhất” nghĩa là động Hồ Công là 1 trong 36 động đẹp của nước Nam. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” mô tả: “Có khối đá trông như hình con cóc cúi đầu ngồi trong động, thạch nhũ trong động sắc đỏ lại có hang đá quanh co dài mười trượng, chỗ tận cùng có giếng đá sâu khôn cùng…”.
Đền Cô Bơ
Đền cô Bơ chính hiện nay nằm ở xã Hàn Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; gần ngã ba bến Đò Lèn. Tương truyền, cô Bơ Bông là con gái của vua Thủy Tề dưới Thủy Cung. Được lệnh vua cha giáng trần vào thời Lê Trung Hưng để giúp vua cứu nước. Khi mãn hạn thì có xe loan đến rước về Thủy Cung.
Đức Thái Bà nằm mơ thấy một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, tự xưng là Thủy Cung Thiên Nữ, tới dâng cho bà một viên ngọc quý giá. Ít lâu sau, Đức Thái Bà thụ thai và sinh ra một người con gái nhan sắc hơn người. Cô Bơ càng lớn càng xinh đẹp, giỏi giang, biết cả “cầm kỳ thi họa”.
Khi giặc Minh đô hộ, cô cùng thân mẫu tạm lánh ở xứ Hà Trung, Thanh Hóa gần ngã ba sông Thác Hàn. Cô Bơ đã có công giúp vua Lê Lợi đánh giặc Minh trong những ngày đầu khởi nghĩa. Sau này, còn giúp vua trong cuộc “Phù Lê dẹp Mạc”.
Có một điển tích xưa viết rằng, trong một lần bị địch truy đuổi ở ngã ba sông Thác Bờ, vua Lê đã gặp được cô Bơ và cô đã giúp vua đóng giả thành anh trai mình. Sau đó, cô còn tận tâm tận lực giúp nhà Lê bằng cách chở quân sĩ, lương thực qua sống tiếp tế cho kháng chiến. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình, vua Lê vô cùng cảm kích và hẹn sau khi đại thắng sẽ rước cô về cung.
Thế nhưng, khi đại thắng, nhà vua cho quân rước cô Bơ về thì cô đã thác tự từ bao giờ. Có người nói rằng, sau khi giúp vua, cô Bơ đã quay trở về Thủy Cung. Sau này, cô vẫn hiển linh ở ngã ba sông giúp đỡ người dân, độ cho thuyền bè qua lại thuận lợi.
Dân gian truyền rằng, đền cô Bơ rất linh thiêng, nếu ai gặp khổ nạn chỉ cần nhất tâm khấn vái, cầu xin thì sẽ được cô phù hộ độ trì, cứu giúp. Chính vì thế mà du khách thập phương đều tìm về cửa cô dâng lễ, dâng hương mong cầu cô ban cho sức khỏe, mọi điều hanh thông, thuận lợi.
Bên cạnh đó, khi cô Bơ Bông về ngự đồng thường làm phép ban thuốc chữa bệnh cho dân lành nên mỗi khi cô an tọa mọi người thường đến xin cô thuốc chữa bệnh.
Một số hình ảnh của hành trình:
Tình Vũ