BI KỊCH TUYỆT TỰ VÀ BÍ DƯỢC PHÒNG THE
Bài đăng Sức khỏe Cộng đồng số 10 ngày 02/09/2020
Triệu Phi Yến là một trong hai đại mỹ nhân lừng danh dưới triều đại nhà Hán (Trung Quốc). Nhưng để đạt đến tận cùng danh vọng và thỏa mãn nhục dục, sử sách Trung Quốc đến giờ vẫn nói về khả năng giữ chân đấng quân vương bằng “bí quyết phòng the” có một không hai của nàng.
Theo những tài liệu còn lưu lại, Phi Yến cùng với em gái Triệu Hợp Đức đã điều chế một loại xuân dược mang tên "Hương cơ hoàn" có khả năng gìn giữ sắc đẹp và tăng cường khả năng sinh lý. Nhờ loại xuân dược này, hai chị em họ Triệu không những khiến Hán Thành đế Lưu Ngao mê mẩn đến nỗi bỏ mạng chốn khuê phòng, mà đồng thời còn gây nên bi kịch tuyệt tự cho vị Hoàng đế này.
Bí dược khiến vua thành bạc nhược
Theo sử sách, Triệu Phi Yến có vẻ đẹp mong manh, kiều diễm với thân hình nhẹ tựa chim yến và tài múa hát đệ nhất thiên hạ. Nàng nhanh chóng chiếm trọn trái tim Hán Thành đế và leo lên đỉnh của danh giá và quyền lực với vị trí hoàng hậu. Không những tạo được danh vọng cho mình, Phi Yến còn giúp người em Triệu Hợp Đức nhận được sự sủng ái của vua, giữ vị trí chiêu nghi danh giá không kém.
Nhưng chẳng phải ngẫu nhiên, chị em Triệu Phi Yến giành được uy thế lớn đến dường ấy, thậm chí trở thành những kẻ lũng đoạn hậu cung nhà Hán trong một giai đoạn lịch sử. Theo tài liệu chép lại, để giữ chân Hán Thành đế mỗi đêm, cả Phi Yến và Hợp Đức bí mật nhờ đạo sĩ giang hồ điều chế cho một loại xuân dược mang tên "Hương cơ hoàn" (hay còn gọi là "Liễu đỗ niêm"). Loại xuân dược này có thành phần chính là xạ hương, sâm Cao Ly và lộc nhung. Loại thuốc này có công dụng vô cùng lớn giúp hai chị em họ Triệu luôn quyến rũ nhờ nước da nõn mượt và hừng hực sắc xuân.
Với những thành phần điều chế quý như trên thì tác dụng của "Hương cơ hoàn" quả là vô cùng mạnh mẽ. Lộc nhung (nhung hươu, nhung nai) là vị thuốc quý nằm trong "tứ bảo" của đông y: nhân sâm, nhung nai, nhục quế, phụ tử. Lộc nhung có tác dụng điều trị hỗ trợ những bệnh nặng cần phải bổ dưỡng, nâng đỡ tổng trạng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, dùng lâu với liều thấp có tác dụng kéo dài tuổi thọ. Riêng tác dụng hỗ trợ về tình trạng suy nhược sinh lý nam và nữ thì khá hiệu quả. Nếu sử dụng lộc nhung là nhung hươu thì ngoài việc chăm sóc sức khỏe còn có tác dụng rất lớn trong việc làm đẹp, chống lão hóa.
Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy tác dụng chống lão hóa của nhung hươu khi điều trị cho những con chuột bằng chiết xuất nhung mang tên MAO enzyme chức năng. MAO (monoamine oxidase) là một loại enzyme phá vỡ một số chất dẫn truyền thần kinh trong não như serotonin, dopamine và norepinephrine. Khi con người già đi, MAO làm tăng hoạt động, phá vỡ các chất dẫn truyền quá nhanh. Chiết xuất từ nhung hươu cũng cho thấy tác dụng chống lão hóa khi làm suy giảm các dấu hiệu lão hóa ở chuột. Các nhà nghiên cứu thấy sự gia tăng đáng kể nồng độ testosterone trong huyết tương ở những con chuột được điều trị.
Nhung hươu có truyền thống được sử dụng để điều trị nhiều trong những vấn đề sức khỏe mà là đặc trưng của sự thiếu hụt hormone tăng trưởng. Sự suy giảm của hormone tăng trưởng với tuổi tác có liên quan với nhiều người trong số các triệu chứng của lão hóa, chẳng hạn như nếp nhăn tóc màu xám, và giảm năng lượng và chức năng tình dục. Là một nguồn tự nhiên của IGF-1 và tiền chất hormone tăng trưởng, nhung hươu có thể giúp cơ thể kích thích sản xuất hormone tăng trưởng ở tuyến yên.
Lịch sử cũng không thể chối bỏ sự thật nhân sâm Cao Ly (còn gọi là nhân sâm Hàn Quốc) là nhân sâm tốt nhất và quý nhất. Đây là đặc sản của xứ Cao Ly. Các vị hoàng đế xưa của Trung Hoa cho rằng: nhân sâm Cao Ly là một trong những vị thuốc quan trọng nhất trong bài thuốc giúp trường sinh bất lão. Ngoài các tác dụng như: tăng lực, tăng trí nhớ, bảo vệ cơ thể, chống stress, bảo vệ và tác động lên hệ miễn dịch giúp chống viêm, bảo vệ tế bào chống lão hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể... thì sâm Cao Ly cũng đã được nhiều khoa học trên thế giới chứng minh là có tác dụng kích thích hormone sinh dục nam cũng như nữ.
Triệu Phi Yến - Vương triều nhiễu loạn vì xuân dược
Tiến sĩ - lương y Phùng Tuấn Giang lý giải: "Mỗi vị thuốc đều có tác dụng riêng của nó. Nhung hươu làm ấm tử cung, hưng phấn buồng trứng, tăng cường nội tiết tố và chức năng sinh lý của nữ. Sâm Cao Ly bổ khí, làm lưu thông khí huyết. Xạ hươu thông khướu và làm tăng hưng phấn cơ nhục. Chính tên bài thuốc là "hương cơ hoàn" đã nói lên tác dụng của nó và sự kết hợp của ba vị thuốc này có tác dụng rất tốt cho sinh lý của cả nam và nữ. Ngoài ra, bài thuốc này còn giúp phụ nữ làm đẹp da, đẹp cơ, tăng cường dương khí ấm tử cung, hưng phấn buồng trứng, trẻ hoá tế bào. Khi dùng bài thuốc này nếu biết cách thì cho dù dùng lâu dài cũng không ảnh hưởng gì cả. Cứ dùng 3 tháng lại nghỉ 3 tháng, dùng cách đoạn với liều vừa phải là tốt nhất".
Tuy nhiên, thần dược "Hương cơ hoàn" lại chứa thành phần chính là xạ hương (chúng được lấy từ túi xạ của loài hươu xạ, cầy hương, cầy giông...), có tác dụng giúp cho làn da trở nên sáng bóng, mịn màng nhưng lại vô cùng độc hại với phụ nữ đang mang thai. Xạ hương từng được biết đến trong những cuộc đấu đá của các phi tần Trung Quốc ngày xưa khi sử dụng để làm hại thai nhi của đối thủ. Cũng chính vì quá lạm dụng mà "Hương cơ hoàn" trở thành con dao hai lưỡi đối với chị em Triệu Phi Yến. Chất độc từ xạ hương, tích lâu ngày trong người sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng sinh sản của phụ nữ. Hậu quả là chị em họ Triệu phải hy sinh đường con cái. Tác hại của "Hương cơ hoàn" làm cho cả Phi Yến và Hợp Đức đều không có con. Đây cũng là nguyên nhân tạo ra bi kịch đau đớn dười thời Hán Thành đế. Vì không có con dựa dẫm, sợ sẽ bị mất vị thế, hai chị em họ Triệu điên cuồng tìm mọi cách để giết những phi tần có thai, thậm chí giết luôn cả hai hoàng tử mới ra đời của Hứa mỹ nhân và Tào cung nữ.
Những việc làm ngông cuồng của hai mỹ nhân họ Triệu đều qua mắt hoàng đế Lưu Ngao một cách dễ dàng, bởi họ đã sở hữu thứ bùa mê mà đấng mày râu nào cũng khao khát là sắc đẹp và khả năng chăn gối. Bản thân vị vua ham mê dục vọng Lưu Ngao cũng đã chết vì một thứ xuân dược khác do chị em Phi Yến điều chế. Loại xuân dược này có tên là "Xuân tuất giao", một thứ đan dược luyện trong lửa đúng 100 ngày mới thành, sau đó cho thuốc vào lu nước lớn, nước sôi lên ùng ục, đổi nước mới, qua 10 ngày như vậy mới uống.
Công hiệu của loại xuân dược này được xem là như thần, giúp giao hoan không biết mệt. Theo sử sách ghi lại, một đêm, Triệu Hợp Đức uống say, ham muốn tình dục quá cao nên ép hoàng đế uống cả 10 viên một lúc để mạnh gấp 10 lần, không ngờ vua uống xong thì hôn mê, "tinh khí thoát ra ướt cả long sàng", sau đó chết ngay không kịp trăng trối. Sau khi Hán Thành đế băng hà, Vương thái hậu cùng triều thần nghị luận, khép Triệu Hợp Đức vào tội "thí quân" (giết vua), bắt phải tự sát. Sáu năm sau, Triệu Phi Yến cũng bị khép tội sát hại hoàng tử, bức phải tự sát. Từ đây, bài thuốc "Hương cơ hoàn" cũng bị thất truyền.
"Hương cơ hoàn" hầu như không thể "tái sinh"
Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang cho biết: "Đây là bài thuốc tốt nhưng vì đều là thuốc quý, hiếm nên khó có để sản xuất đại trà được. Trước đây, những vị thuốc quý này chỉ được sử dụng ở phạm vi rất hạn hẹp, trong cung vua, phủ chúa, các cung đình xưa. Chưa kể nói về xạ hương, hiện nay người ta chỉ dùng xạ hương nhân tạo còn xạ hương tự nhiên thì rất ít nhà thuốc có hoặc nếu có thì cũng chỉ dùng một khối lượng thuốc rất nhỏ và ngay cả xạ hương nhân tạo cũng rất có hạn".
Gia Nhân