NGÂM RƯỢU BA KÍCH, ÔNG UỐNG BÀ … THÍCH
Bài đăng trên báo Sức khỏe cộng đồng số 07 (57) ngày 10/4/2019
Nam giới ai cũng muốn mạnh khỏe, bản lĩnh phong độ, nhất là trong chuyện phòng the. Chính vì vậy các loại thuốc, thảo dược bổ thận tráng dương như đông trùng hạ thảo, ngọc cẩu, nấm tỏa dương, tắc kè, cá ngựa hay ba kích… thường được họ quan tâm.
Ba kích là loại thảo dược được nhiều người dùng vì hiệu quả tốt, giá thành hợp lý vừa túi tiền nhiều người. Song không phải ai cũng biết cách ngâm rượu ba kích đúng chuẩn để có tác dụng bổ thận tráng dương.
Ba kích, cây thuốc Nam quý
Ba kích có tên khoa học là Morinda officinalis Stow., thuộc họ Cà phê (Rubiaceae). Đây là một cây thuốc Nam quý của nước ta. Ba kích còn có tên khác là ba kích thiên, dây ruột gà. Ba kích mọc hoang, phân bố nhiều ở vùng đồi núi thấp ở miền núi và trung du ở các tỉnh phía Bắc và được trồng làm thuốc ở nhiều nơi.
Là cây thảo, sống lâu năm, leo bằng thân quấn. Thân non mầu tím, có lông, phía sau nhẵn. Cành non, có cạnh. Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục, thuôn nhọn, cứng, dài 6 - 14cm, rộng 2,5 - 6cm, lúc non màu xanh lục, khi già màu trắng mốc. Lá kèm mỏng ôm sát thân.
Hoa ra vào tháng 5-6, cánh hoa nhỏ, lúc non màu trắng, sau hơi vàng, tập trung thành tán ở đầu cành, dài 0,3 - 1,5cm, đài hoa hình chén hoặc hình ống gồm những lá đài nhỏ phát triển không đều. Tràng hoa dính liền ở phía dưới thành ống ngắn. Quả ra vào tháng 7-10, hình cầu, khi chín màu đỏ, mang đài còn lại ở đỉnh. Mùa hoa: tháng 5 - 6, mùa quả: tháng 7 - 10.
Rễ ba kích được dùng làm thuốc chữa bệnh vỏ rễ có màu nâu nhạt, vân sọc nhìn giống ruột gà. Bên trong thịt màu hồng hoặc tím. Ba kích tím được ưa chuộng hơn cả, nên chọn loại rễ to mập, cùi dày, màu tím.
Công dụng của ba kích theo đông y
Rễ ba kích đem về rửa sạch, loại bỏ các rễ con, sau đó phơi qua cho hơi héo, đem vào đập nhẹ, bỏ lõi ra. Sau đó phơi sấy tiếp cho khô.
Theo đông y, ba kích có vị cay ngọt, tính ấm, quy kinh thận. Có tác dụng ôn thận trợ dương, mạnh cân cốt, khứ phong thấp. Chuyên dùng trong các trường hợp: Đau nhức xương khớp, đau lưng mỏi gối, di tinh liệt dương, xuất tinh sớm, yếu sinh lý…
Người âm hư hoả vượng, đại tiện táo kết không được dùng ba kích.
Cách ngâm rượu ba kích đúng chuẩn
Ba kích có thể ngâm với rượu trắng trong 30 ngày là có thể bỏ ra sử dụng. Tuy nhiên để tăng tác dụng bổ thận tráng dương thì nên kết hợp với các vị thuốc khác
Ba kích thiên tửu:
Thành phần: ba kích 18g, ngưu tất 18g, đương quy 20g, khương hoạt 27g, tiêu 2g, thạch hộc 18g, sinh khương 27g.
Cách chế biến: Các vị thuốc giã nát, cho vào bình, thêm 2 lít rượu vào ngâm trong 7-10 ngày. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15-20ml.
Tác dụng: bổ thận, tráng dương, hoạt huyết, thông kinh, mạnh cân cốt. Trị bụng ứ kết, bụng đau do lạnh, lưng đau, gối mỏi, chân yếu, khớp xương đau, vọp bẻ ( chuột rút ), thận hư, liệt dương.
Kỷ cúc điều nguyên tửu:
Thành phần: ba kích (bỏ lõi) 90g, kỷ tử 90g, cam cúc hoa 90g, nhục thung dung 90g.
Cách ngâm: Các vị thuốc tán thành bột, ngâm với 7 lít rượu trong 7 ngày, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1-2 ly nhỏ, lúc đói.
Tác dụng: điều hòa nguyên khí, làm sáng mắt, thông nhĩ, cường tráng thân thể. Trị gân xương đau nhức, gối đau, hạ nguyên hư lạnh.
Dâm hoắc huyết đằng tửu:
Thành phần: ba kích 30g, rượu 1lít, kê huyết đằng 30g, dâm dương hoắc 30g, đường phèn 60g.
Cách ngâm: Các vị thuốc ngâm rượu trong 7 ngày. Mỗi lần uống 2 chén nhỏ, ngày 2 lần.
Tác dụng: bổ thận, cường dương, làm mạnh gân xương. Trị phong thấp, đau lưng, đau thắt lưng, thận suy.
Ba kích thiên, phúc bồn tử, thỏ ty tử ngâm rượu gạo:
Thành phần: ba kích 15g, phúc bồn tử 15g, thỏ ty tử 15g, rượu gạo 250ml.
Cách ngâm: Cho ba kích thiên, phúc bồn tử, thỏ ty tử vào ngâm trong 250ml rượu gạo, sau 7 ngày có thể dùng được.
Tác dụng: Chữa thận hư gây ra di tinh, hoạt tinh lưng gối yếu mỏi, lạnh đau.
Tắc kè, ba kích, hà thủ ô, thục địa ngâm rượu:
Thành phần: ba kích 100g, tắc kè 50g, hà thủ ô 100g, hoàng tinh hoặc thục địa 100g, đại hồi 10g, đường kính 100g.
Cách ngâm: Tắc kè ngâm với đại hồi trong rượu 35o để được 300ml. Các dược liệu khác cũng ngâm với nhau, thêm 100g đường kính (đã nấu thành siro) để thành 1 lít. Lọc kỹ, ngày uống 1-2 lần, mỗi lần 15-20ml sau bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.
Tác dụng: Chữa yếu sinh lý ở nam giới.
Dù rượu ngâm ba kích rất tốt cho nam giới, nhưng cũng không nên uống nhiều quá, nhất là với những người đang bị âm hư vượng hỏa và bí đại tiện. Nên thăm khám bác sỹ đông y trước khi quyết định dùng.
BS. Thúy Hường