ĐI NGOÀI RA MÁU CÓ THỂ LÀ BỆNH GÌ?
Bài đăng báo Sức khỏe cộng đồng số 3 (53) ngày 13/3/2019
Tôi bị đi ngoài ra máu vài lần gần đây. Tôi rất lo lắng. Xin lương y cho biết tôi có thể đang bị mắc chứng bệnh gì?
Bác Hoàng Hữu Các, 67 tuổi, thôn Lò Cang, Hương Canh, Vĩnh Phúc
Tiến sĩ- lương y Phùng Tuấn Giang trả lời
Theo như hiện tượng bác mô tả, có thể nghĩ đến những nguyên nhân của hiện tượng đi ngoài ra máu như sau:
1. Táo bón liên tục kéo dài
Táo bón là vấn đề khá thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nhưng chủ yếu là do thói quen ăn uống không khoa học, thiếu nhiều chất xơ, ăn nhiều đồ cay nóng, sử dụng các chất kích thích như trà đặc, cà phê, rượu bia…
Ngoài ra có thể do một số bệnh như hội chứng ruột kích thích gây ra. Khi táo bón khiến việc đại tiện khó khăn hơn, vì phân khô cứng. Chính vì vậy phải rặn mạnh mới đẩy phân ra ngoài được nên rất dễ gây chảy máu, thậm chí có thể gây bệnh trĩ nếu tình trạng này kéo dài.
2. Bệnh trĩ
Bệnh trĩ là nguyên nhân khá thường gặp gây ra tình trạng đi ngoài ra máu. Nguyên nhân là do sự gia tăng áp lực lên hậu môn trực tràng, do đứng quá lâu, ngồi quá nhiều, do táo bón thường xuyên, hay phải rặn…
Các triệu chứng của trĩ thường gặp kèm theo tình trạng đi ngoài ra máu là đau rát, ngứa hậu môn, sa búi trĩ. Máu thường đỏ tươi, có thể nhỏ giọt hoặc chảy thành tia.
3. Polyp trực tràng và đại tràng
Polyp đa phần lành tính nhưng gây không ít triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân. Triệu chứng chính của căn bệnh là đi ngoài ra máu đỏ tươi. Tình trạng này kéo dài có thể gây mất lượng máu khá lớn, khiến bệnh nhân thiếu máu với các biểu hiện mệt mỏi, da xanh xao, hay hoa mắt chóng mặt.
Để chẩn đoán được bệnh polyp cần nội soi đại trực tràng.
4. Bệnh viêm loét đại trực tràng
Viêm loét đại trực tràng là một căn bệnh khó điều trị, có tính chất tự miễn. Bệnh kéo dài mạn tính nên gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân. Căn bệnh này cần nội soi để chẩn đoán và điều trị tích cực, kết hợp chế độ ăn uống và sinh hoạt mới đảm bảo hiệu quả điều trị tốt.
5. Ung thư đại trực tràng
Ung thư không phải là căn bệnh hiếm gặp, tỉ lệ mắc ung thư ngày càng cao trong dân số. Nếu khối u nằm ở trực tràng có thể gây ra triệu chứng kèm theo như thay đổi hình dạng phân, phân có thể dẹt, nhỏ do có u chắn.
Bệnh nhân thường kèm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, gầy sút cân và nhiều triệu chứng khó chịu khác.
Bác nên đến bệnh viện kiểm tra để xác định đúng nguyên nhân để có hướng điều trị phù hợp.
Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp xin gửi về địa chỉ: [email protected]
Tư vấn Phòng khám Thọ Xuân Đường - Hotline tư vấn 24/24h: 093.763.8282