TẢN MẠN VỀ XUÂN DƯỢC
“MINH MẠNG THANG”
Bài đăng báo Sức khỏe cộng đồng số 01 (51) ngày 27/02/2019
Những năm thời kỳ bao cấp, việc sản xuất rượu Tết “kế hoạch 3” là một trong những hoạt động sản xuất được các Công ty, Xí nghiệp dược phẩm nước ta rất quan tâm. Nguồn lương, thưởng Tết cho cán bộ nhân viên và nguồn tặng phẩm cho lãnh đạo và các cơ quan liên quan ở địa phương đều trông chờ vào các sản phẩm rượu Tết. Thông thường, các nhãn hiệu như rượu Sâm Quy, Sâm Nhung, Tinh Sâm, Tam Thất … rất phổ biến thời đó.
Năm 1986, người viết bài này được điều động từ Bộ Môn Bào Chế - Đại Học Dược Hà Nội về Bình Trị Thiên giữ nhiệm vụ Phó Giám đốc kỹ thuật Xí nghiệp Liên hợp Dược Bình Trị Thiên đã chú ý đến một sản phẩm rất độc đáo nổi tiếng chốn Cố Đô là Minh Mạng Thang. Các nguồn tư liệu y học cổ truyền đã nhắc đến thang Ngự Dược Minh Mạng. Ở đất Cố Đô Phú Xuân, đã có rất nhiều câu chuyện truyền khẩu về tác dụng của thang thuốc này như đã từng giúp Hoàng Đế Minh Mạng có được 78 hoàng nam và 64 hoàng nữ với 43 bà Hậu và bà Phi. Ngự Tửu Minh Mạng là một trong ba loại ngự tửu được Hoàng Đế Minh Mạng dùng trong công thức “Bán dạ tam bôi tửu” gồm: Rượu khai vị, rượu tăng cường sinh lực và rượu để Nhà vua dùng 1 giờ trước khi gặp các bà Hậu và bà Phi. Ngự tửu Minh Mạng chính là loại rượu thứ ba trong công thức kinh điển nói trên. Suy nghĩ rất nhiều làm thế nào để nắm được công thức chính xác nhất về thang ngự dược này, ngoài việc tham khảo các tài liệu, người viết bài này đã cố gắng tiếp cận với những thành viên còn lại trong hoàng tộc để tìm hiểu.
Nhờ bạn bè giúp sức giới thiệu, trong một ngày Xuân tôi đã được tiếp kiến Ông Bảo Hiền (Bửu Hiền) cháu nội vua Thành Thái, người vào cuối thập kỷ 80’ thế kỷ trước là đại diện đệ tứ Hoàng Tộc. Biết được thiện ý mong muốn tiếp cận thành phần chính xác nhất của Minh Mạng Thang để bảo tồn một thang ngự dược quý khỏi bị thất truyền và bị lợi dụng danh tiếng, Ông Bảo Hiền đã cho tôi biết thành phần thang thuốc.
Theo nguyên văn tài liệu cổ để lại mà Ông Bảo Hiền còn lưu giữ, thành phần Minh Mạng Thang gồm có 18 vị thuốc quý: Đại Nguyên Thục Địa, Bắc Đỗ Trọng, Nhị Hồng Sâm, Cam Kỷ Tử, Ba Kích Thiên, Chánh Bắc Kỳ, Tây Quy Đầu, Bạch Cục Ba, Tây Nguyên Nhục, Hắc Táo Nhơn, Viễn Chí Nhục, Đại Hoàn Tinh, Dâm Dương Hoắc, Nhục Thung Dung, Bắc Cam Thảo, Xa Tiền Tử, Xà Sàng Tử và Đại Táo. Mỗi vị thuốc được sử dụng từ 3 đến 4 chỉ (chỉ = 3,78 g), tùy loại. Toàn bộ công thức được ngâm trong rượu trắng tốt, hạ thổ 100 ngày mới được đem lên sử dụng.
Khi nghiên cứu thành phần Minh Mạng Thang của Ông Bảo Hiền, tôi thấy nhiều vị thuốc dong y được viết theo tên cổ hoặc theo phương ngữ xứ Huế. Cam Kỷ Tử chính là Câu Kỷ Tử trồng tại tỉnh Cam Túc (Trung Quốc). Trong vị thuốc Hắc Táo Nhơn (táo nhân sao đen), từ “Nhân” được người Huế hay nói và viết là “Nhơn” (Ví dụ: Phủ Tôn Nhân thường được nói là Phủ Tôn Nhơn). Trong vị thuốc Đại Hoàn Tinh (Đại Hoàng) từ “Hoàng” trùng với tên Chúa Tiên Nguyễn Hoàng nên người Huế kiêng và thay bằng từ “Hoàn”, một phần cũng vì người Huế xưa thường phát âm sai phụ âm kép “ng” bằng phụ âm “n”. Vậy, Đại Hoàn Tinh chính là vị thuốc Đại Hoàng Tinh (Đại Hoàng) còn vị thuốc Tây Nguyên Nhục chính là vị Liên Nhục.
Mặt khác, các vị thuốc được ghi trong Minh Mạng Thang đều là những vị thuốc Bắc nổi tiếng và có xuất xứ, chỉ dẫn địa lý (nói theo ngôn ngữ khoa học hiện đại) hết sức chính xác, nghiêm ngặt.
Vị “Thục Địa” được xác định là “Đại Nguyên Thục Địa” (Đại Nguyên: quốc hiệu Trung Quốc dưới triều đại nhà Nguyên của Hốt Tất Liệt). Vị “Hoàng Kỳ” được xác định là “Chánh Bắc Kỳ” nghĩa là Hoàng Kỳ chính hiệu từ tỉnh Hà Bắc (TQ) vì vị Hoàng Kỳ có thể có nguồn gốc Trung Quốc hoặc Mông Cổ. Hoàng Kỳ có ở Hà Bắc, Hắc Long Giang, Liêu Ninh nhưng Hoàng Kỳ xuất xứ ở tỉnh Hà Bắc (TQ) là tốt nhất. Vị thuốc “Tây Quy Đầu” chính là vị Đương Quy mọc ở Thiểm Tây, Cam Túc, Tứ Xuyên, Vân Nam nhưng tốt nhất là “Tây Quy Đầu” - Đương Quy có xuất xứ tại tỉnh Thiểm Tây (TQ). Bắc Đỗ Trọng và Bắc Cam Thảo đều là các vị thuốc có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc.
Cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, các nhà dược học hiện đại mới đưa ra các khái niệm GMP, GAP, GACP và các biện pháp truy xuất nguồn gốc dược liệu. Nhưng những khái niệm này đã được các thầy thuốc đông y áp dụng dựa trên tổng kết kinh nghiệm hành nghề suốt bao đời. Người viết bài này bỗng nhớ đến phương châm mà Nhà Thuốc Đồng Nhân Đường (Bắc Kinh) đã áp dụng suốt trong 300 năm qua kể từ khi thành lập cho đến nay, thể hiện trên đôi câu đối: “Việc bào chế tuy phức tạp nhưng không được bớt công đoạn. Dược liệu tuy đắt nhưng không được giảm chất lượng”. Phải chăng đó là nguyên tắc cốt lõi của “Thực Hành Sản Xuất Tốt” dưới hình thức rất sơ khai của người xưa?
Cố nhiên, vào thập kỷ 80’ thế kỷ trước, Việt Nam và Trung Quốc chưa bình thường hóa quan hệ song phương, vì vậy Rượu Thuốc Minh Mạng Thang chưa được sản xuất bằng các dược liệu có chỉ dẫn địa lý nghiêm ngặt như trong toa thuốc cổ. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu “Nguồn gốc bài thuốc Minh Mạng Thang và đề xuất các bài thuốc phù hợp trong sản xuất rượu Minh Mạng” được nghiệm thu năm 1998 cũng đã chứng minh được những tác dụng nhất định của Ngự Tửu “Minh Mạng Thang” trong chủ trị chứng thận dương suy, khí huyết tinh hư tổn, liệt dương, yếu sinh lý, cơ thể suy nhược.
Hiện nay, việc xuất hiện tràn lan trên thị trường các dược phẩm và thực phẩm chức năng được “mệnh danh” thừa kế y học cổ truyền dân tộc một cách tùy tiện, không tôn trọng nguồn gốc xuất xứ, thiếu cơ sở lịch sử và khoa học cho thấy việc truy nguyên những bài thuốc cổ truyền, tuân thủ thành phần, công thức, xuất xứ dược liệu và phương thức bào chế cổ truyền là việc làm tối cần thiết để đảm bảo kế thừa và phát huy, phát triển vốn quý y học cổ truyền phương Đông và y học dân tộc của nhân dân ta.
PGS. TS. Lê Văn Truyền
Chuyên gia cao cấp (Dược Học)
Nguyên Giám Đốc: Xí nghiệp Liên hợp Dược Bình Trị Thiên