BA KÍCH CHỐNG LOÃNG XƯƠNG
Bài đăng báo Sức khỏe cộng đồng số Tết 2019
Theo Y học cổ truyền, ba kích có vị cay, ngọt, tính hơi ôn, vào thận kinh, có tác dụng trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp.
Ba kích tím từ lâu đã được biết đến là nguồn dược liệu quý. Ba kích tím có tên khoa học là Morinda officinalis How. (Rubiaceae), là một loại cây thảo, sống lâu năm, thân leo. Theo dong y, ba kích có vị cay, ngọt, tính hơi ôn, vào thận kinh, có tác dụng trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp. Dùng chữa dương ủy, phong thấp cước khí, gân cốt yếu mềm, lưng gối mỏi đau. Trong nhân dân, ba kích là một vị thuốc bổ trí não và tinh khí, dùng trong các bệnh liệt dương, sớm xuất tinh, di mộng tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều. Ngoài ra còn dùng chữa bệnh phong thấp, mạnh gân cốt. Ba kích được dùng dạng thuốc sắc hay cao lỏng, có thể nấu với thịt gà ăn bồi bổ sức khỏe.
Một số nghiên cứu tác dụng sinh học và dược lý hiện đại cho thấy rằng, ba kích có nhiều tác dụng dược lý. Các tác dụng này bao gồm: bảo vệ tinh trùng khỏi những tác nhân gây hại như tác nhân gây oxy hóa trên tinh trùng người, khiếm khuyết gây ra bởi cytoxan trên chuột cống đực; Tác dụng chống mệt mỏi và tăng cường thể lực; tác dụng điều hòa miễn dịch do có tác dụng điều hòa chuyển đổi của lymphocyte T và B cũng như kéo dài tuổi thọ của lymphocyte, và còn làm tăng tuyến ức; tác dụng chống trầm cảm và chống stress; tác dụng bảo vệ thần kinh trung ương; tác dụng chống viêm và giảm đau; tác dụng hạ đường huyết và chống oxy hóa trên mô hình chuột gây đái tháo đường.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, tác dụng hỗ trợ phòng chống loãng xương của các hoạt chất trong ba kích đã được công bố trong nhiều nghiên cứu cả in vitro và in vivo. Chẳng hạn, một nghiên cứu in vitro trên tế bào tủy xương chuột cho thấy các chất thuộc nhóm anthraquinone từ ba kích có khả năng kích thích tăng sinh các tế bào tạo xương. Trong khi đó, một số hợp chất khác trong cùng nhóm này giúp giảm sự mất xương nhờ khả năng ức chế tế bào hủy xương. Polysaccharide có trong cây ba kích có khả năng kích thích biểu hiện của các gen liên quan đến biểu hiện xương và giúp giảm hiện tượng mất xương. Nghiên cứu in vivo cũng khẳng định, hợp chất metropein chiết tách từ ba kích làm tăng sự tạo xương và phòng chống mất xương trên chuột. Như vậy, các thành phần trong cây ba kích đều có tiềm năng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị loãng xương. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, khai thác ba kích trong phòng chống loãng xương ở nước ta gần như chưa được thực hiện.
Loãng xương được hiểu là một bệnh lí toàn thể của khung xương, đặc trưng bởi sự giảm khối lượng xương, tổn thương vi cấu trúc xương và tăng nguy cơ gãy xương. Loãng xương có thể gây ra một số biến chứng nặng như gãy xương đùi, xương hông, xương cánh tay, xẹp đốt sống... gây ra rất nhiều khó khăn và nguy cơ tử vong cho người bệnh. Trong những năm gần đây, tỉ lệ mắc loãng xương gia tăng ở mức đáng báo động trên toàn thế giới, cùng với đó, các hệ quả cũng như chi phí điều trị loãng xương là rất lớn. Theo báo cáo của Hiệp hội loãng xương quốc tế (International Osteoporosis Foundation) năm 2017, loãng xương gây ra hơn 8,9 triệu ca gãy xương hàng năm trên toàn thế giới. Loãng xương làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 200 triệu phụ nữ trên toàn thế giới. Theo thống kê, cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi sẽ có 1 người bị loãng xương, trong khi tỉ lệ này ở nam giới là 1/5. Ước tính đến năm 2050, số ca gãy xương hông ở phụ nữ và nam giới sẽ tăng tương ứng là 240% và 310% so với năm 1990. Loãng xương thường được xem như là bệnh của phụ nữ sau mãn kinh, tuy nhiên ảnh hưởng của loãng xương đến chất lượng sống của nam giới lại nặng nề hơn trên phụ nữ. Trên thực tế có tới 20% nam giới toàn cầu có nguy cơ mắc bệnh này, có 20-25% ca gãy xương hông xảy ra trên nam giới và tỉ lệ tử vong trong 12 tháng đầu sau khi gãy xương hông ở nam giới lên tới 20% và cao hơn so với nữ giới. Đối với nam giới trên 50 tuổi, nguy cơ ảnh hưởng đến tuổi thọ gây ra do gãy xương hông lên tới 27%, cao hơn so với nguy cơ do ung thư tuyến tiền liệt (11,3%).
Loãng xương được chia thành ba loại: loãng xương người già (loãng xương tiên phát), loãng xương sau mãn kinh, và loãng xương thứ cấp. Loãng xương người già xảy ra ở cả nam và nữ giới, thường trên 70 tuổi và liên quan đến rối loạn quá trình tạo và hủy xương. Loãng xương mãn kinh làm nặng hơn tình trạng loãng xương do tuổi ở phụ nữ do giảm đột ngột estrogen khi mãn kinh, đặc điểm là có sự gia tăng quá trình hủy xương. Loãng xương thứ phát do một số bệnh hoặc thuốc làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Theo phác đồ của Bộ y tế, dự phòng và điều trị loãng xương trước tiên là thay đổi chế độ ăn uống và chế độ sinh hoạt, trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng các dụng cụ chỉnh hình. Các thuốc điều trị loãng xương tập trung chủ yếu vào việc bổ sung calci và vitamin D nếu chế độ ăn không đủ đáp ứng nhu cầu, các thuốc chống hủy xương làm giảm hoạt tính tế bào hủy xương, hoặc thuốc vừa có tác dụng tăng tạo xương vừa ức chế hủy xương.
Loãng xương được đánh giá là một trong những bệnh mạn tính tiêu tốn nhiều chi phí điều trị nhất, tương đương với bệnh đái tháo đường và cao hơn nhiều so với hai bệnh ung thư ở phụ nữ là ung thư vú và ung thư cổ tử cung cộng lại. Tại Mỹ, chi phí điều trị loãng xương và biến chứng gãy xương lên tới 22 tỉ USD trong năm 2008. Còn tại Châu Âu, chỉ riêng điều trị gãy xương do loãng xương đã tốn đến 37 tỉ EUR năm 2010. Ước tính tới năm 2050, thế giới có thể phải tốn tới 131,5 tỉ USD để chữa trị những trường hợp chấn thương liên quan đến loãng xương. Tại Việt Nam, điều trị loãng xương không biến chứng chiếm 50% thu nhập bình thường của người Việt Nam. Do đó việc theo đuổi quá trình điều trị lâu dài đối với nhiều đối tượng là cực kì khó khăn. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng phòng chống loãng xương chính là liều thuốc tốt nhất.
Bình thường, sự cân bằng hoạt động của các tế bào tạo xương và các tế bào hủy xương giúp cho xương của chúng ta chắc khỏe. Trong loãng xương, sự suy giảm số lượng cũng như chức năng của các tế bào tạo xương, đồng thời tăng sinh các tế bào hủy xương làm cho xương ngày càng suy yếu. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã chiết tách và phân lập ra nhiều hoạt chất có hoạt tính sinh học mạnh từ rễ Ba kích, trong đó phải kể đến một số loại anthraquinone, iridoid, các polysaccharide, oligosaccaride và một số acid hữu cơ. Kết hợp nghiên cứu hóa học và nghiên cứu dược lý cho thấy rằng, những hoạt chất chính của ba kích gồm có:
Nhóm dẫn xuất thuộc nhóm anthraquinone
Các nhà khoa học đã phân lập được 8 anthraquinone từ rễ Ba kích bao gồm: Physcion (1); rubiadin-1-methyl ether (2); 2-hydroxy-1-methoxy- anthraquinone (3); 1,2-dihydroxy-3-methylanthraquinone (4); 1,3,8-trihydroxy-2-methoxy-anthraquinone (5); 2-hydroxymethyl-3-hydroxyanthraquinone (6); 2-methoxyanthraquinone (7) và scopoletin (8). Các chất này đều có tác dụng ức chế tế bào hủy xương, anthraquinone 2,3 có tác dụng kích thích tăng sinh tế bào tạo xương, trong khi chất 4,5 có tác dụng kích thích hoạt động của tế bào tạo xương
Nhóm Polysaccharide
Trong rễ Ba kích cũng có chứa một số loại polysaccharide như: các loại inulin-fructan mạch thẳng có liên kết β-(2->1) và các polysaccharide cấu tạo từ các tiểu đơn vị galacturonic acid, arabinose và galactose…, các polysaccharide này có khả năng kích thích sự biểu hiện các gen liên quan đến xương. Từ đó cũng có tác dụng chống loãng xương. Ngoài ra, các polysaccharide trong rễ Ba kích còn có tác dụng chống oxy hóa, giảm mệt mỏi, chống trầm cảm và tăng cường hệ miễn dịch. Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh được tác dụng chống mất xương của các polysaccharide chiết tách từ rễ Ba kích thông qua cơ chế làm giảm nồng độ alkaline phosphate – một enzyme chịu trách nhiệm trong quá trình thải trừ nhóm phosphate từ các phân tử, và interleulin 6 và TNF-α – các chất kích thích các tế bào hủy xương dẫn đến giảm mật độ xương.
Nhóm Iridoids
Asperuloside, monotropein, morindolide là các iridoid được tìm thấy trong ba kích. Trong đó, monotropein có tác dụng chống viêm, chống viêm ruột kết và giảm đau xương do loãng. Ngoài ra, monotrooein cũng đã được chứng minh là có tác dụng giảm đau do loãng xương, phòng ngừa mất xương do nhiễm khuẩn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, monotropein ngăn chặn quá trình giảm khối lượng xương, đồng thời tăng cường quá trình vi tạo xương thông qua tăng cường hình thành xương và ức chế sản sinh các cytoine viêm. Tương tự như thế, nhiều nghiên cứu khác cũng chứng minh được monotropein chiết từ rễ Ba kích có khả năng bảo vệ xương thông qua cơ chế làm tăng hàm lượng khoáng, mật độ khoáng trong xương và tỉ lệ thể tích của xương, đồng thời tăng cường vi cấu trúc xương. Bên cạnh đó, các tác giả cũng khẳng định monotropein ức chế sản sinh các cytokine viêm và tăng sinh tế bào tạo xương.
Từ cây ba kích hoàn toàn có thể tách chiết các hoạt chất và tạo thành sản phẩm thực phẩm chức năng phòng chống loãng xương nhằm phục vụ cho người cao tuổi và phụ nữ ngoài 50 tuổi.
Loãng xương được đánh giá là một trong những bệnh mạn tính tiêu tốn nhiều chi phí điều trị nhất, tương đương với bệnh đái tháo đường và cao hơn nhiều so với hai bệnh ung thư ở phụ nữ là ung thư vú và ung thư cổ tử cung cộng lại.
TS. Hà Phương Thư- Viện Khoa học vật liệu - Viện Hàn lâm KH & CN Việt Nam