Kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam:
DI SẢN BÁO CHÍ HỒ CHÍ MINH
Cùng với hàng ngàn tác phẩm thì tư tưởng, phong cách báo chí, những dặn dò, tâm huyết về nghề, về đạo đức nghề báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là di sản vô giá - di sản báo chí Hồ Chí Minh để mỗi người làm báo soi rọi, học tập và trưởng thành.
Báo chí của ta, phải phục vụ nhân dân ta
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa của thế giới. Nhưng có lẽ, trên thế giới, ít có lãnh tụ nào trực tiếp sáng lập và rèn luyện một nền báo chí như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự gắn bó, song hành này khởi nguồn ngay khi Người bắt đầu con đường đi tìm chân lý cách mạng, tìm con đường phù hợp nhất cho cách mạng Việt Nam. Khi nhận ra con đường giải phóng dân tộc chỉ có thể thực hiện được khi gắn liền mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi đó đã sớm lựa chọn báo chí làm vũ khí đấu tranh cách mạng, làm nhiệm vụ tuyên truyền, truyền bá những tư tưởng tiến bộ tới các tầng lớp nhân dân, nhằm xóa bỏ chế độ áp bức bóc lột, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Nói cách khác, ngay từ khi dấn thân và trở thành người Cộng sản, Người đã sớm lựa chọn báo chí làm vũ khí đấu tranh. Sau này, trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng vẻ vang của mình, Bác Hồ đã trực tiếp sáng lập, làm chủ bút nhiều tờ báo và trực tiếp viết hàng ngàn bài báo bằng nhiều thứ tiếng, đều với nhiệm vụ tuyên truyền, đấu tranh cách mạng.
Và có lẽ, chính sự khởi đầu đó mà nền báo chí Việt Nam được định danh là nền báo chí cách mạng – khác với hầu hết các nền báo chí trên thế giới, liên tục đồng hành với các cuộc đấu tranh chống xâm lược, thống nhất giang sơn, xây dựng đất nước, tới đổi mới, hội nhập với bè bạn năm châu.
Ngay từ đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ, làm báo là làm chính trị, là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người khẳng định: “Nói đến báo chí trước hết là nói đến cán bộ báo chí”, họ là người cán bộ cách mạng, biết đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết.
Trong bức thư gửi các học viên của lớp báo chí đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám được Bác cho mở ngay trong rừng Việt Bắc, tại Trường Huỳnh Thúc Kháng, Bác đã nói với các nhà báo, rằng “muốn viết báo khá” (Bác chưa nói đến mức viết báo giỏi - PV), thì cần “gần gũi quần chúng”; cần “ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người ta”; “khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho họ hiểu” và “luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ…”.
Nói chuyện với các nhà báo tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16/4/1959), Bác đã chia sẻ những lời giản dị mà sâu sắc: “Về nội dung viết, mà các cô, các chú gọi là ‘đề tài’, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một ‘đề tài’ là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Sau này, trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III (năm 1962), Bác tiếp tục nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.
Coi trọng vai trò to lớn của báo chí trong sự nghiệp cách mạng, Bác cũng thẳng thắn, chân tình nói về “khuyết điểm thì cũng còn nhiều” của báo chí, trong đó có việc “nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn”, viết về chính trị thì “khô khan, rập khuôn”.
Bác cũng phân tích, chỉ ra ý đồ của những người phản bác vai trò chính trị của báo chí, so sánh với báo chí tư bản “không làm chính trị”:
“Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Báo chí phục vụ ai? Có người nói ở các nước tư bản có tự do báo chí và báo chí không có giai cấp. Nói vậy không đúng” - Bác nói và dẫn chứng, nhiều tờ báo phương Tây, một mặt ru ngủ nhân dân, làm nhân dân mất ý chí đấu tranh, một mặt phục vụ giai cấp tư sản. Trong khi đó, một số tờ báo của nhân dân lao động lại thường xuyên bị giai cấp tư sản bắt bớ, ngăn cản.
“Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động (…). Chính vì thế, cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”, Người căn dặn.
Quả thực, suốt cuộc đời cách mạng của mình, Người đã gắn bó với báo chí và từ bài báo đầu tiên của Người (bài “Vấn đề bản xứ” đăng trên tờ L’Humanitê ngày 2/8/1919) cho đến tác phẩm cuối cùng trước khi Người ra đi (bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1/6/1969), Người vẫn luôn luôn nắm vững và phát huy vai trò chính trị của báo chí, trung thành với “đề tài duy nhất”, đó là phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
“Cứ ngồi trong phòng giấy thì không thể viết thiết thực”
Dù chỉ khiêm tốn nhận mình “có duyên với báo chí”, là người “có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí” như lời phát biểu tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III, nhưng không thể phủ nhận, trong suốt hơn nửa thế kỷ làm báo, Bác đã để lại nhiều bài học thực tiễn về nghề và đạo đức nghề báo cho thế hệ sau.
Trong bức thư gửi lớp đào tạo báo chí ở trường Huỳnh Thúc Kháng đã dẫn, Người chỉ ra rằng, muốn viết báo thì phải đến với nhân dân, nếu “cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”. Đó chính là “căn bệnh” xa rời thực tế tồn tại dai dẳng trong đội ngũ những người làm báo mà ngày nay, chúng ta vẫn gọi là các “nhà báo salon”, “nhà báo phòng lạnh”, không chịu lăn lộn với thực tiễn.
Sau này, trong bài Cách viết (ngày 17/8/1953), Bác chỉ dẫn cụ thể: “Lấy tài liệu đâu mà viết? Muốn có tài liệu, thì phải tìm, tức là: 1- Nghe: lắng tai nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết. 2 - Hỏi: hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi. 3 - Thấy: mình phải đi đến, xem xét mà thấy. 4 - Xem: xem báo chí, xem sách vở. Xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài. 5 - Ghi: những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết”…
Bác đặc biệt coi trọng đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, luôn căn dặn người làm báo phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng thỏa mãn “cho bài mình là tuyệt rồi”, thiếu tinh thần học hỏi, cầu thị. Bác phê phán: Có người muốn làm cái gì để lưu danh thiên cổ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên báo lớn. Cái đó không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng: làm việc gì có ích cho dân, cho cách mạng đều là vẻ vang. Bác dặn: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần tu dưỡng đạo đức cách mạng”.
Bác lưu ý những người viết, tuyên truyền cần chống thói ba hoa, và chỉ ra 8 biểu hiện của nó là: Dài dòng, rỗng tuyếch; Có thói cầu kì; Khô khan lúng túng; Báo cáo lông bông; Lụp chụp, cẩu thả; Bệnh theo sáo cũ; Nói không ai hiểu; Bệnh hay nói chữ.
Từ đó, Bác chỉ ra những cách “chữa thói ba hoa”, là phải học cách nói của quần chúng; chớ nói như cách giảng sách; phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ đơn giản, thiết thực và dễ hiểu; khi viết khi nói phải luôn luôn làm thế nào để cho ai cũng hiểu được; làm cho quần chúng đều hiểu đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Ngoài ra, bao giờ cũng tự hỏi: “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”; Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết; Trước khi nói phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận…
Có thể thấy, đó đều là những vấn đề thiết thực, gần gũi nhưng ảnh hưởng rất lớn đến ý nghĩa, tác động của bài báo, đòi hỏi hỏi lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp đối với người làm báo.
Về mối liên hệ giữa nhà báo và tư cách công dân, Bác chỉ rõ, nhà báo trước hết là một người công dân bình đẳng với tất cả mọi người trước pháp luật, không được phép cho mình đứng cao hơn pháp luật, đứng cao hơn mọi người để phán xét. Với tư cách là một công dân thì nghĩa vụ công dân không chỉ đòi hỏi nhà báo phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp mà còn phải luôn luôn tâm niệm mục tiêu phục vụ ai, viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào để không làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước, không gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, nhà báo phải nêu cao trách nhiệm xã hội. Nhà báo phải biết biểu dương cái tốt, cái mới tiến bộ và tích cực đấu tranh chống cái xấu, cái sai, cái lạc hậu…
Bác viết: “Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng, Ta, bạn, thù, thì viết mới đúng”. “Viết để nêu cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn, nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng có nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra. Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền”.
Để hoàn thành nhiệm vụ to lớn, vẻ vang của nhà báo cách mạng, Bác yêu cầu cán bộ báo chí phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng mà trước hết là phải biết tự phê bình và phê bình. Bác coi đó “là vũ khí cần thiết và sắc bén giúp cho chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”. Đối với nhà báo cách mạng “viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mới tiến bộ” và phải “Phê bình với một tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”.
94 năm đã qua kể từ ngày Nhà báo Nguyễn Ái Quốc ghi dấu, đặt nền cho Báo chí Cách mạng Việt Nam với tờ Thanh niên (ra ngày 21/6/1925), báo chí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh; các thế hệ người làm báo Việt Nam có quyền tự hào về những lớp người đã cống hiến, hy sinh trong đấu tranh giành độc lập dân tộc; đã lăn lộn, tìm tòi trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Trong hành trình đó, cùng với hàng ngàn tác phẩm để lại thì tư tưởng, phong cách báo chí, những dặn dò, tâm huyết về nghề, về đạo đức nghề báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là di sản vô giá - di sản báo chí Hồ Chí Minh để mỗi người làm báo soi rọi, học tập và trưởng thành.
Theo baodautu.vn