BIẾN CHỨNG MẮT CÓ THỂ GÂY MÙ LÒA Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Bệnh đái tháo đường là kẻ giết người thầm lặng, bởi căn bệnh cứ tiến triển dần dần theo thời gian với khá ít triệu chứng. Chỉ đến khi đường máu tăng quá cao hoặc gây tổn thương các cơ quan thì mới rõ các biểu hiện. Trong các biến chứng của tiểu đường có biến chứng mắt có thể gây mù lòa khiến mọi người sợ hãi. Cùng tìm hiểu biến chứng mắt ở bệnh nhân đái tháo đường.
1. Biến chứng mắt ở bệnh nhân đái tháo đường là gì?
Biến chứng tại mắt ở bệnh nhân đái tháo đường thường biểu hiện khá âm thầm, từ từ nên bệnh nhân đôi khi không chú ý đến. Hay gặp nhất là bệnh võng mạc đái tháo đường hay còn gọi là biến chứng đáy mắt ở bệnh nhân đái tháo đường.
- Võng mạc (đáy mắt) là vùng nhạy cảm với ánh sáng của nhãn cầu. Ở võng mạc có các tế bào thần kinh ghi nhận hình ảnh rồi đưa lên trung tâm não để xử lý.
Khi võng mạc bị tổn thương sẽ gây giảm thị lực, thậm chí mù lòa cho bệnh nhân.
- Tổn thương võng mạc ở bệnh nhân đái tháo đường
Các tổn thương võng mạc thường xuất hiện ở cả 2 bên mắt, thường chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn võng mạc không tăng sinh
Đây là giai đoạn sớm, căn bệnh đái tháo đường gây tổn thương thành mạch, tạo ra các túi phình trên mạch máu. Dịch, chất béo, protein, các chất trong mạch máu bị rò rỉ ra bên ngoài tạo thành các đốm xuất tiết, xuất huyết.
Nếu không phát hiện sớm ở giai đoạn này sẽ khiến bệnh tiến triển nặng hơn, các mạch máu nhỏ bị tắc nghẽn gây thiếu máu ở võng mạc. Các mạch máu bị biến dạng hoặc tắc nghẽn, sợi thần kinh ở võng mạc cũng phù nề, vùng trung tâm của võng mạc(hoàng điểm) cũng bị phù nề gây ra phù hoàng điểm.
Các tổn thương này khiến suy giảm thị lực, hình ảnh có thể bị nhòe đi.
Giai đoạn võng mạch tăng sinh
Đây là giai đoạn nặng, giai đoạn sau của biến chứng đáy mắt. Do võng mạc bị thiếu máu nên tăng sinh các mạch máu mới, những mạch máu mới phát triển bất thường không đúng vị trí, nếu phát triển vào đường dẫn lưu của dịch đi ra khỏi nhãn cầu có thể gây tăng nhãn áp. Hơn nữa thành mạch máu mới cũng yếu nên dễ chảy máu vào thể kính. Các mô sẹo do tăng sinh mạch cũng có thể làm bong võng mạc
Bệnh nhân có thể thấy các dấu hiệu như thị lực giảm dần, hình ảnh dao động, cảm giác có các đốm đen trước mắt. Có thể giảm hoặc mất cảm nhận màu sắc. Thậm chí mù lòa
2. Cách phòng biến chứng tại mắt ở bệnh nhân đái tháo đường
Biến chứng tại mắt rất nguy hiểm vì có thể gây mù lòa vĩnh viễn, chính vì vậy cần có các biện pháp phòng ngừa sớm:
- Kiểm soát đường máu thật tốt
Khi đường máu ổn định các biến chứng sẽ xuất hiện muộn hơn. Chính vì vậy cần kiểm soát đường máu bằng cách thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập thể dục và tuân thủ chế độ thuốc theo chỉ dẫn của y bác sĩ.
Kiểm soát HbA1c <7%
- Đi khám đáy mắt định kỳ mỗi năm 1 lần. Khi có bất cứ triệu chứng gì bất thường như nhìn mờ, song thị, ruồi bay trước mắt, mất cảm nhận màu sắc… thì cần đi khám ngay để điều trị kịp thời.
Nói chung biến chứng tại mắt ở bệnh nhân đái tháo đường rất nguy hiểm. Chính vì vậy bản thân mỗi người mắc đái tháo đường cần nâng cao ý thức phòng tránh biến chứng và điều trị sớm khi xuất hiện bất thường.