MỤC ĐÍCH VÀ NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Với sự nguy hiểm của các biến chứng bệnh đái tháo đường thì việc điều trị càng sớm càng tốt là rất cần thiết.
1. Mục đích điều trị
Mục đích điều trị bệnh đái tháo đường là giảm thiểu các biến chứng của bệnh, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Về mặt chuyển hóa, mục đích hàng đầu là tránh được các biến chứng cấp tính như nhiễm toan Ceton, hạ đường huyết và tăng đường huyết. Một khi đạt được những mục đích này, việc điều trị còn có mục đích loại trừ hoặc làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh đái tháo đường bằng cách kiểm soát đường huyết, đưa đường huyết trở về giới hạn bình thường.
Mục tiêu kiểm soát đường huyết theo ADA (hội đái tháo đường Mỹ) là: HbA1c <7%, đường huyết lúc đói từ 5,0 – 7,2 mmol/l, đường huyết sau ăn 2h từ 6,0 – 8,3 mmol/l.
Để đạt được những mục đích điều trị này cần có sự hợp tác và tuân thủ của bệnh nhân.
2. Nguyên tắc điều trị bệnh tiểu đường
Biện pháp điều trị bao gồm chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, tập luyện, insuline. Thuốc hạ đường huyết ít có vai trò quan trọng hơn.
Đối với đái tháo đường type 2 (đái tháo đường không phụ thuộc vào insuline):
- Người không béo phì: Tuy không tiết đủ insuline nhưng vẫn có thể kích thích tụy nội tiết tiết insuline được. Với những bệnh nhân mới mắc, thể bệnh nhẹ chỉ cần thay đổi chế độ ăn và tập luyện khoa học để kích thích tuyến tụy tiết insuline.
- Người béo phì: Việc giảm cân là rất cần thiết. Bệnh nhân cần ăn chế độ ăn nghèo năng lượng, tập luyện thể dục thể thao.
Đối với đái tháo đường type 1 (đái tháo đường phụ thuộc insuline): Ngoài duy trì sử dụng insuline vẫn phải thực hiện chế độ ăn khoa học để tránh biến chứng cấp tính như nhiễm toan Ceton, tăng áp lực thẩm thấu.
Các type đái tháo đường khác (đái tháo đường thứ phát): Điều trị nguyên nhân nếu có thể, làm giảm sự kháng insuline ở mô và cải thiện, kiểm soát đường huyết.
Chế độ ăn là yếu tố cơ bản và thậm chí là điều kiện cần và đủ để điều trị bệnh đái tháo đường (đặc biệt là đái tháo đường type 2), để đưa cân nặng về mức lý tưởng (chế độ ăn giảm bớt calo từ đường bột, chất béo, đạm động vật) và lựa chọn nguồn thực phẩm, lượng thực phẩm sao cho đường huyết sau ăn không tăng quá cao. Chế độ ăn cũng rất quan trọng với bệnh nhân đái tháo đường type 1 nhưng vẫn phải kết hợp với insuline.
Luyện tập thể lực có tác dụng góp phần làm hạ đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường. Thay vì lối sống tĩnh tại, bệnh nhân nên đi bộ và làm những việc chân tay nhẹ nhàng. Bệnh nhân có xu hướng tăng đường niệu về đêm vì vậy nên đi dạo bộ sau bữa ăn tối. Trên bệnh nhân dùng thuốc hạ đường huyết hoặc insuline thì việc gắng sức đột ngột có thể gây hạ đường huyết, vì vậy khi tập luyện không nên gắng sức, nếu định làm việc gắng sức thì phải giảm liều thuốc hoặc insuline, có đồ ăn chứa Glucid dự phòng bên cạnh.
Giáo dục bệnh nhân: Điều này có vai trò rất quan trọng, cung cấp cho bệnh nhân những thông tin về bệnh tật, những biến chứng có thể xảy ra. Hướng dẫn chế độ ăn đúng, chế độ tập luyện phù hợp, tự kiểm tra đường huyết mao mạch, kiểm tra nước tiểu 24 giờ, đường niệu và ghi sổ theo dõi hàng ngày.
Cần hướng dẫn bệnh nhân tự tiêm insuline, vị trí tiêm và cách thay đổi vị trí. Cần dặn dò bệnh nhân giữ vệ sinh da thật tốt, nhất là da bàn chân, chống nhiễm khuẩn và loét. Động viên bệnh nhân luôn giữ tinh thần lạc quan, tránh stress.
Tự kiểm tra chuyển hóa:
- Bệnh nhân ổn định: Định lượng đường huyết buổi sáng, lúc đói, trước các bữa chính và trước khi ngủ, 1 - 2 ngày mỗi tuần. Định lượng đường niệu lúc đó và sau khi ăn, 2 – 3 ngày mỗi tuần.
- Bệnh nhân không ổn định: Định lượng hàng ngày đường huyết lúc đói, trước và 2 giờ sau ăn và trước khi ngủ.
- Thể Ceton trong nước tiểu đối với bệnh nhân đái tháo đường type 1 có đường huyết trên 20mmol/l.
- Bệnh nhân cần phải đến gặp thầy thuốc khi:
+ 2 lần đo liên tiếp đường huyết đều > 16,7 mmol/l.
+ 3 lần đo liên tiếp đường niệu > 2%.
+ Có Ceton niệu 2 lần liên tiếp.
Bệnh nhân tiểu đường cần được điều trị tích cực, tuân thủ y lệnh của thầy thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất.
Tiến sĩ – Lương Y: Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)
Quý vị cần tư vấn về sức khỏe vui lòng liên hệ nhà thuốc, các bác sĩ sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về bệnh, thuốc và quy trình khám chữa bệnh!
Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282