MỘT SỐ TÁC DỤNG PHỤ THƯỜNG GẶP CỦA HÓA TRỊ LIỆU UNG THƯ
Hóa trị là phương pháp điều trị bệnh ung thư bằng hóa chất rất phổ biến hiện nay. Đặc biệt hóa trị được ưu tiên sử dụng ở giai đoạn bệnh lan rộng và di căn bởi vì chúng di chuyển qua đường máu. Tuy nhiên, thông thường các thuốc hóa trị được sử dụng phối hợp, ít khi dùng một loại vậy nên không thể tránh khỏi các tác dụng phụ của nó mang lại cho người bệnh. Vậy những tác dụng phụ thường gặp của hóa trị liệu ung thư là gì, hãy cùng Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu để có thể cải thiện và khắc phục sớm các tình trạng do hóa trị liệu gây ra.
Hóa trị liệu ung thư là gì?
Hóa trị hay hóa trị liệu (Chemotherapy) là phương pháp điều trị ung thư sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc kháng ung thư – gây độc tế bào để tiêu diệt, phá vỡ những tế bào đang phát triển nhanh như các tế bào ung thư. Hóa trị có thể là một phần của phác đồ điều trị ung thư. Hóa trị liệu ung thư có thể sử dụng một thuốc/ lần (đơn hóa trị liệu) hoặc nhiều thuốc/ lần (đa hóa trị liệu/hóa trị liệu kết hợp). Phần lớn các thuốc hóa trị đều được truyền qua đường tĩnh mạch. Thuốc được pha loãng với dung dịch rồi truyền vào cơ thể qua mạch máu. Tuy nhiên, các hóa chất này cũng có ảnh hưởng nhất định lên các tế bào lành của cơ thể, gây ra các tác động bất lợi hay còn gọi là tác dụng phụ. Hóa trị được thực hiện theo đợt và có thời gian nghỉ giữa các đợt điều trị. Việc này sẽ cho phép các tế bào bình thường trong cơ thể có thời gian phục hồi sau các tác dụng phụ của thuốc.
Một số tác dụng phụ thường gặp của hóa trị liệu ung thư
Hóa trị liệu ung thư có rất nhiều tác dụng phụ nhưng thường gặp nhất trong điều trị là các tác dụng phụ sau:
Giảm các dòng tế bào máu ngoại biên
Các thuốc chống ung thư có thể làm chết các tế bào máu ngoại biên: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu; một dòng, hai dòng hay cả ba dòng tế bào máu, gây ra những bệnh lý tương ứng sau:
Thiếu hồng cầu (tế bào máu đỏ): Thường xảy ra sau nhiều đợt hóa trị. Trường hợp nặng phải điều trị bằng truyền hồng cầu lắng, nhẹ hơn có thể dùng thuốc kích thích tăng trưởng hồng cầu (epoetin alfa, bêta, darbepoetin alfa), sulfate sắt uống. Sử dụng thuốc pemetrexed phải dùng kèm với vitamin B và acid folic. Cần duy trì Hb của bệnh nhân ở mức 10 - 12g/dl.
Giảm bạch cầu, đặc biệt là giảm bạch cầu hạt: Bạch cầu chính là các tế bào miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Khi bạch cầu giảm sẽ làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể, dẫn đến dễ bị nhiễm trùng nặng, nguy hiểm tính mạng.
Giảm tiểu cầu: Thường xảy ra sau nhiều đợt hóa trị, tiểu cầu tham gia vào quá trình đông máu nên khi thiếu dễ bị xuất huyết dưới da hoặc nội tạng. Các biểu hiện thường gặp là chảy máu cam, nốt (mảng) xuất huyết dưới da ở những nơi va chạm, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen hoặc máu tươi, kinh nguyệt ra nhiều máu hơn và kéo dài hơn bình thường…
Buồn nôn và nôn ói
Buồn nôn và ói mửa là một trong những tác dụng phụ đáng sợ nhất của hóa trị, nghiêm trọng hơn nó có thể khiến bệnh nhân phải dừng các đợt hóa trị. Các thuốc thường gặp gây nôn ói cao: (carmustin, cisplatin, cyclophosphamide > 1500 mg/m2); trung bình (doxorubicin, epirubicin, oxaliplatin, ifosfamide). Cùng với buồn nôn và nôn, hóa trị gây ra mất cảm giác hương vị, làm mất cảm giác thèm ăn, dẫn đến hấp thu dinh dưỡng kém. Vấn đề quan trọng là cần phòng ngừa trước khi xảy ra nôn vì khi đã nôn rồi thì khó kiểm soát triệu chứng.
Suy nhược, mệt mỏi
Rất thường gặp sau khi truyền thuốc hóa trị ung thư. Các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể cũng bị tiêu diệt cùng với tế bào ung thư. Cho nên hệ miễn dịch cơ thể sẽ yếu dẫn đến suy nhược, khó thở, khó nuốt, chán ăn, hạn chế hoạt động thể lực. Ở những bệnh nhân trước đó có phẫu thuật hay xạ trị, tình trạng này có thể nặng hơn. Thường liên quan đến các tình trạng thực thể của bệnh nhân như thiếu máu, nhiễm trùng, trầm cảm và đau đớn. Do đó, nên xác định có các tình trạng này không, nếu có cần điều trị thích hợp và kịp thời.
Rụng tóc
Các loại thuốc chống ung thư thường tác động dựa trên cơ chế gây hại cho các tế bào có khả năng sinh sản và tăng trưởng nhanh bởi đây chính là những đặc trưng của tế bào ung thư. Do đó, hóa trị cũng sẽ gây ảnh hưởng đến các tế bào có mức độ tăng trưởng tương đối nhanh của cơ thể, bao gồm tế bào biểu bì, phần phụ của da như móng, nang lông,... gây rụng tóc, rụng lông ở các phần khác nhau của cơ thể.
Rụng tóc rất ảnh hưởng về mặt tâm lý, nhất là đối với bệnh nhân nữ. Tuy nhiên, tác dụng phụ này có thể hồi phục sau khi kết thúc việc hóa trị. Việc tư vấn và trấn an cho bệnh nhân về tác dụng phụ này là cần thiết để bệnh nhân an tâm điều trị.
Viêm loét niêm mạc miệng
Tình trạng này thường xảy ra ở những bệnh nhân kết hợp cả hóa trị và xạ trị trong điều trị ung thư đầu, mặt, cổ hoặc do ảnh hưởng của các loại thuốc như methotrexate, capecitabin, 5-fluorouracil, cisplatin, carboplatin... Biểu hiện có thể từ nhẹ đến nặng, làm bệnh nhân đau đớn, khó chịu, khó ăn uống vì tình trạng lở miệng, khô miệng. Lưỡi, môi, nướu răng, cổ họng cũng có thể bị đau. Loét miệng có thể gây chảy máu và nhiễm trùng.
Gây táo bón, tiêu chảy
Niêm mạc ruột do hóa trị làm suy yếu chức năng loại bỏ chất thải của đại tràng gây táo bón. Nếu tế bào niêm mạc bị tiêu diệt, gây mất khả năng hấp thu dịch và chất dinh dưỡng gây tiêu chảy.
Giảm ham muốn tình dục và khả năng sinh sản
Hóa chất điều trị ung thư ảnh hưởng tới hormone có thể làm bệnh nhân giảm ham muốn tình dục, thậm chí gây vô sinh hoặc quái thai. Ví dụ như những thay đổi hormone ở phụ nữ có thể làm rối loạn kinh nguyệt hoặc tắt kinh bất thường, gây khô âm đạo, khiến cho bệnh nhân không thoải mái trong quan hệ tình dục, tăng nguy cơ bị nhiễm trùng cơ quan sinh dục. Ở nam giới một số hóa chất có thể ảnh hưởng tới số lượng và chất lượng tinh trùng. Ảnh hưởng này có thể tạm thời, nhưng cũng có thể lâu dài.
Giảm hoạt động của não bộ
Sau khi điều trị ung thư, một số người nhận thấy những thay đổi trong trí nhớ, sự tập trung và cách suy nghĩ. Những thay đổi này được gọi là suy giảm nhận thức nhẹ (mild cognitive impairment) hoặc rối loạn chức năng nhận thức. Một số người gọi chúng là “não hóa trị – chemo brain” hoặc “sương mù hóa trị – chemo fog”.
Gây loãng xương
Đa số bệnh nhân đặc biệt ở phụ nữ, sẽ bị giảm mật độ xương khi lớn tuổi. Hóa chất làm giảm nồng độ Canxi trong máu, đẩy nhanh quá trình loãng xương, gây nên chứng loãng xương liên quan đến ung thư, đặc biệt là ở phụ nữ đã mãn kinh hoặc ở phụ nữ bị mất kinh khi điều trị hóa chất.
Độc tính thần kinh ngoại biên
Một số loại thuốc hóa trị có thể làm tổn thương dây thần kinh, đặc biệt là ở tay và chân, bệnh nhân có cảm giác từ nhẹ đến nặng gồm tê, bị châm chích, tê mất cảm giác hoàn toàn ở các đầu chi. Nếu không được điều trị đúng mức, có thể lan đến phần còn lại của các chi. Thường gặp khi điều trị với các thuốc thuộc nhóm Vinca alkaloids (vincristine, vinblastine, vinorelbine), muối platin (cisplatin, carboplatin, oxaliplatin), nhóm taxane (paclitaxel, docetaxel). Oxaliplatin còn gây ra cảm giác đau tê, đặc biệt khi tiếp xúc với đồ vật lạnh, tình trạng này gặp trên 90% số bệnh nhân.
Độc tính trên tim
Nhóm fluoropyrimidine, nhóm anthracycline, trastuzumab có thể gây độc cho tim. Các biểu hiện thường gặp của nhiễm độc tim do hóa chất chống ung thư mà người bệnh có thể cảm nhận được là mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, khó thở tăng lên khi nằm, trống ngực mạnh, phù chân, đi tiểu ít.
Phương pháp hóa trị liệu ung thư gây nên rất nhiều tác dụng phụ đối với bệnh nhân. Có nhiều bệnh nhân tử vong trong quá trình điều trị không phải do khối u mà do sức khỏe kém, không thể chịu đựng được những tác dụng phụ đó. Do đó, để điều trị ung thư hiệu quả, cần thực hiện các biện pháp ngăn ngừa các ảnh hưởng có hại của quá trình hóa trị gây ra.
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282