CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH TRĨ
Bệnh trĩ gây ra bởi nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau như táo bón, các bệnh lý hậu môn trực tràng, thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ… Nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, thậm chí gây các biến chứng nặng nề ảnh hưởng sức khỏe của bệnh nhân. Chính vì vậy cần có các biện pháp phòng bệnh trĩ hiệu quả để ngăn ngừa căn bệnh này tái phát.
1. Thay đổi thói quen ăn uống
Táo bón là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh trĩ, vì thế mà phải có chế độ ăn, uống sao cho tránh nguy cơ bị táo bón sẽ giúp phòng bệnh trĩ hiệu quả
- Tăng cường chất xơ và vitamin: Chất xơ giúp tăng nhu động ruột, giúp nhuận tràng nên tránh được táo bón
- Uống nhiều nước: hàng ngày uống khoảng 2 – 2,5 lít nước, tốt nhất là nước tinh khiết, nước khoáng, nước đun sôi để nguội,…
- Hạn chế các loại thức ăn cay, nóng, hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, chè, café, đồ uống có ga, bỏ hút thuốc (nếu có),....
2. Hoạt động thể lực thường xuyên
- Rèn luyện thể lực thường xuyên
Việc luyện tập vừa có tác dụng tăng cường sức khỏe thể lực, vừa tăng nhu động ruột, kích thích tiêu hóa, hạn chế nguy cơ bị táo bón. Luyện tập thể lực cũng giúp tăng lưu thông máu, hạn chế tình trạng ứ máu ở vùng hậu môn trực tràng, giúp giảm nguy cơ căng giãn búi tĩnh mạch trĩ.
Các biện pháp luyện tập đơn giản có thể áp dụng như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi, cầu lông, chơi bóng,… Lưu ý là phải luyện tập đều đặn, mỗi ngày ít nhất 60 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
- Thư giãn sau khi làm việc
Những người ngồi nhiều, hoặc đứng lâu ở một tư thế trong thời gian dài, có thể gây áp lực lên các búi tĩnh mạch trĩ ở hậu môn. Vì thế mà đối tượng này càng cần phải vận động thường xuyên. Chẳng hạn, sau khoảng 30 – 60 phút làm việc, phải đứng dậy rồi đi lại quanh phòng hoặc thực hiện một số bài tập đơn giản về vận động.
3. Chế độ làm việc, sinh hoạt hợp lí
Ngủ đúng giờ và khoa học, mỗi ngày ngủ ít nhất 7 – 8 giờ. Không nên thức khuya, dậy sớm, tránh căng thẳng kéo dài, hạn chế áp lực trong cuộc sống,…
Tránh làm việc gắng sức, bê, vác nặng, gánh nặng… nếu cần mang vật nặng có thể sử dụng dụng cụ hỗ trợ hoặc kêu gọi người trợ giúp.