BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CÓ THỂ GÂY RA NHỮNG BIẾN CHỨNG NÀO Ở MẮT
Đái tháo đường là căn bệnh rối loạn chuyển hóa gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh khi ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể như hệ thần kinh, tim mạch, mạch máu, thận và mắt… Đa phần chúng ta thường chú ý đến các biến chứng dễ nhận thấy trên hệ tim mạch, mạch máu, thận… mà không chú ý đến những biến chứng âm thầm nhưng rất nguy hiểm đó là biến chứng về mắt, khiến cho bệnh nhân suy giảm thị lực nhanh chóng. Vậy bệnh đái tháo đường có thể gây ra những biến chứng về mắt nào, hãy cùng Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu nhé!
Tăng nhãn áp
Các nghiên cứu chứng minh, bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ gặp phải tình trạng tăng nhãn áp cao gấp 1,4 lần so với người bình thường, nguy cơ này sẽ càng cao ở những bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc bệnh lâu năm. Tăng nhãn áp là tình trạng xảy ra khi áp lực tích tụ trong một hoặc cả hai mắt. Phần lớn các trường hợp, áp lực khiến cho hệ thống thoát dịch lỏng chậm, điều này làm cho lượng dịch tích tụ ngày càng nhiều trong tiền phòng. Áp lực chèn ép các mạch máu nuôi dưỡng võng mạc và thần kinh thị giác. Điều này khiến cho võng mạc và thần kinh thị giác bị tổn thương, khiến cho thị lực dần bị mất đi.
Bệnh nhân đái tháo đường bị tăng nhãn áp thường có biểu hiện đau đầu thường xuyên, đặc biệt là đau dữ dội vùng hốc mắt, kết quả kiểm tra nhãn áp thường rất cao.
Đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể có thể gặp ở bất kỳ ai. Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc phải tình trạng này cao hơn 1,6 lần so với người bình thường. Khác với tăng nhãn áp thường gặp ở người lớn tuổi, đục thủy tinh thể lại phổ biến ở những người trẻ tuổi bị đái tháo đường. Đục thủy tinh thể hình thành đi kèm bệnh đái tháo đường thường xảy ra vì hàm lượng sorbitol dư thừa (một loại đường hình thành từ glucose), tạo thành cặn trong thủy tinh thể. Tình trạng thủy tinh thể đục tiến triển nhanh chóng, gây suy giảm thị lực, nhòa, chói sáng ở người bệnh. Đục thủy tinh thể cũng gây khó khăn cho việc khám và phát hiện bệnh võng mạc người bệnh đái tháo đường vì rất khó có thể quan sát được đáy mắt và hậu phòng.
Người bệnh đái tháo đường bị đục thủy tinh thể vẫn có thể điều trị khôi phục thị lực bằng cách phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo. Tuy nhiên, người bệnh chỉ có thể thực hiện phẫu thuật khi chỉ số đường huyết =< 9 để đảm bảo an toàn cho người bệnh và ca phẫu thuật đạt hiệu quả cao nhất.
Bệnh võng mạc do đái tháo đường
Võng mạc là một bộ phận quan trọng trong con mắt của bạn. Nó ghi nhận lại tất cả các hình ảnh trước mắt bạn, chuyển thành tín hiệu truyền lên não và giải mã. Trong võng mạc còn có một vùng nhỏ ghi nhận các hình ảnh nhỏ gọi là hoàng điểm. Cả hoàng điểm và võng mạc được nuôi dưỡng bởi hệ thống mao mạch lớn nhỏ nằm trong và phía sau võng mạc.
Võng mạc đái tháo đường xảy ra do tình trạng tổn thương mạch máu ở võng mạc mắt. Tình trạng đường huyết tăng cao trực tiếp gây tổn thương và phá hủy các mạch máu này, điều này dẫn đến dịch từ trong lòng mạch bị thoát ra gây phù nề, xuất huyết.
Trước tình trạng đó, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách sinh ra các mao mạch mới. Tuy nhiên, các mao mạch mới này rất dễ vỡ, gây xuất huyết nặng ngay từ giai đoạn sớm làm đục dịch kính. Các mạch máu mới này cũng gây ra các vết sẹo xơ ở võng mạc, trong quá trình liền sẹo có thể co rút gây ra bong võng mạc và làm mất thị lực vĩnh viễn. Các giai đoạn của bệnh võng mạc đái tháo đường gồm:
Giai đoạn mạch máu chưa tăng sinh: Mắt chưa có triệu chứng rõ rệt, bác sĩ phải chụp đáy mắt để phát hiện bệnh. Tuy nhiên, giai đoạn này có thể xuất hiện chứng phù hoàng điểm với các triệu chứng là mờ mắt, tầm nhìn bị thu hẹp hay hình ảnh nhìn thấy biến đổi khác nhau với hai mắt.
Giai đoạn mạch máu tăng sinh: Giai đoạn này tầm nhìn của người bệnh sẽ bị hạn chế đáng kể, mắt có thể bị đau, đỏ, nhức hốc mắt. Nếu nặng hơn sẽ xuất hiện những vệt máu và đốm đỏ trôi nổi trong tầm nhìn thậm chí có thể bị xuất huyết.
Để phòng ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường, cần thay đổi lối sống lành mạnh hơn, kiểm soát tốt các chỉ số đường huyết cũng như chủ động trước các yếu tố nguy cơ gây biến chứng giúp làm chậm tiến triển ảnh hưởng thị lực của người bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, thăm khám mắt định kỳ 3-6 tháng/ lần để phát hiện sớm các dấu hiện của bệnh và điều trị kịp thời trước khi thị lực bị ảnh hưởng, điều này giúp người bệnh bảo vệ thị lực, ngăn ngừa mù lòa.
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282