DẬY THÌ SỚM Ở TRẺ - THỰC TRẠNG ĐÁNG BÁO ĐỘNG CỦA XÃ HỘI
Dậy thì sớm là tình trạng xuất hiện khá phổ biến trong xã hội ngày nay. Tình trạng này gặp ngày càng nhiều và nguy hiểm hơn là tuổi của dậy thì sớm ngày càng nhỏ lại. Đây cũng là một vấn đề được các vị phụ huynh quan tâm và không ít phần lo lắng. Cùng tìm hiểu về dậy thì sớm để hiểu hơn và từ đó có cách phòng tránh cho con mình.
1. Thế nào là dậy thì sớm?
Theo y văn cổ ghi về sinh lý con người như sau: Nữ lấy con số 7 làm chủ, 7x2 là 14 tuổi thiên quý đến, xung nhâm mãn đầy, xuất hiện kinh nguyệt. Nam lấy con số 8 làm chủ, 8x2 là 16, bắt đầu mọc râu, vỡ giọng, và xuất hiện mộng tinh, đánh dấu dấu hiệu dậy thì.
Tuy nhiên, ngày nay, tuổi dậy thì được rút ngắn xuống, với nữ là từ 12 tuổi, với nam là từ 14 tuổi. Vậy, dậy thì sớm thì ở tuổi bao nhiêu?
Y khoa ghi nhận, dậy thì sớm là tình trạng phát triển các đặc tính sinh dục sớm hơn bình thường (ở bé gái là trước 8 tuổi, có kinh trước 10 tuổi; ở bé trai là trước 9 tuổi.
Cha mẹ cần theo dõi tình trạng của con, để tránh nhầm lẫn giữa tình trạng phát triển sớm của tuyến vú hay gặp ở trẻ gái – một rối loạn lành tính và dậy thì thực thụ.
2. Phân loại dậy thì sớm
Thường được phân loại theo 2 cách sau đây:
• Phân loại theo tác động của cơ quan
- Dậy thì sớm trung ương: Là quá trình dậy thì sớm thật. Do hoạt động sớm của trục hạ đồi – tuyến yên – sinh dục và phụ thuộc chủ yếu vào hormone hướng sinh dục. Đó là một chuối quá trình từ sự tăng cao nồng độ GnRH. Từ đó kích thích sản xuất Hormon LH và FSH. H và FSH làm cho buồng trứng sản xuất kích thích tố tham gia vào sự tăng trưởng và phát triển các đặc điểm tình dục nữ (estrogen) và tinh hoàn để sản xuất hormon chịu trách nhiệm cho sự tăng trưởng và phát triển các đặc điểm tình dục nam (testosteron). Các tuyến thượng thận cũng bắt đầu sản xuất estrogen và testosteron.
- Dậy thì sớm ngoại vi: (dậy thì giả) là sự biến đổi hormone tại chính cơ quan sinh dục mà không có sự liên quan với tuyến yên hay hormone GnRH.
• Phân loại theo tốc độ phát triển
- Phát triển nhanh: Là quá trình trải qua từng giai đoạn (bao gồm đóng sụn tăng trưởng của xương) với tốc độ rất nhanh nên trẻ sẽ mất rất nhiều chiều cao tiềm năng có thể đạt tới khi đến tuổi trưởng thành. Khi trưởng thành, các bé sẽ thuộc nhóm 5% có chiều cao thấp nhất so với các bạn cùng lứa tuổi. Thường phần lớn các bé gái ở trong nhóm này.
- Phát triển chậm: nhiều bé gái tuy bắt đầu dậy thì sớm (đặc biệt là trường hợp bắt đầu dậy thì sau 7 tuổi) nhưng vẫn trải qua tất cả các giai đoạn với tốc độ trung bình. Trẻ sẽ cao vọt lên sớm nhưng vẫn tiếp tục lớn cho đến khi xương đạt độ trưởng thành cuối cùng vào khoảng 16 tuổi.
- Không kéo dài: một vài trẻ dậy thì sớm với những thay đổi dậy thì bắt đầu rồi nhanh chóng kết thúc.
3. Nguyên nhân của dậy thì sớm
Phần lớn thường không có nguyên nhân cụ thể, tuy nhiên những yếu tố có khả năng gây nên quá trình dậy thì sớm thường gặp là:
- Ở dậy thì trung ương: nguyên nhân có thể liên quan đến khối u trong não hoặc tuỷ sống, viêm não hay viêm màng não; Bức xạ vào não hay cột sống; Sự tắc nghẽn gây thiếu máu cục bộ não, suy giáp (tuyến giáp không sản xuất đủ hormon). Các bệnh lý bẩm sinh của hệ thần kinh trung ương (não úng thuỷ, các kytse màng nhện, loạn sản vách-thị, harmatome...); Hội chứng McCune-Albright-Tăng sản thượng thận bẩm sinh.
- Ở dậy thì ngoại biên: có thể do khối u ở tuyến thượng thận hoặc trong tuyến yên tiết ra estrogen hoặc là testosteron; hội chứng McCune-Albright; tiếp xúc với các nguồn bên ngoài của estrogen hay testosteron, chẳng hạn như các loại kem hoặc thuốc mỡ. Ở trẻ gái cũng có thể được kết hợp với: u nang buồng trứng, các khối u buồng trứng. Ở trẻ trai cũng có thể là do khối u trong các tế bào sản xuất tinh trùng (tế bào mầm), hoặc trong các tế bào mà sản xuất testosteron (tế bào Leydig). Ngoài ra, gene đột biến - một rối loạn hiếm gặp gọi là gonadotropin, là do một khiếm khuyết ở gen, có thể dẫn đến việc sản xuất ban đầu của testosteron ở các bé trai, thường là ở độ tuổi từ 1 đến 4.
- Ngoài ra còn có thể do một số yếu tố khác như di truyền, chế độ ăn uống có chứa nhiều hormone tăng trưởng và sinh dục, đồ chơi, thuốc…
4. Biểu hiện của dậy thì sớm
- Trẻ gái có biểu hiện đặc trưng là ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt, chiều cao, cân nặng phát triển nhanh.
- Trẻ trai có biểu hiện: tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, nổi mụn trứng cá, giọng trầm đi.
Việc dậy thì sớm ở trẻ sẽ gây nhiều hệ lụy không mong muốn, đó là sự phát triển sớm của trẻ so với bạn cùng trang lứa nhưng sau đó chững lại và không thể phát triển chiều cao như trẻ bình thường ở độ tuổi trưởng thành. Ngoài ra, sẽ gây cho trẻ những rối loạn tâm sinh lý, cũng như sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng khi còn nhỏ tuổi sẽ vô cùng hạn chế. Vì vậy, bố mẹ nên theo dõi là cho con đi khám kịp thời khi trẻ có biểu hiện dậy thì sớm.