ĐAU DÂY THẦN KINH TOẠ NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU ?
Đau dây thần kinh tọa là bệnh lý rất thường gặp hiện nay và là một trong những bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đau dây thần kinh tọa hay gặp ở độ tuổi lao động từ 30-50 tuổi, trước kia tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ, song các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ nữ bị đau dây thần kinh tọa đã cao hơn nam.
Đau dây thần kinh tọa (Sciatica pain) còn gọi là đau dây thần kinh hông to, là cơn đau toả ra dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, nhánh từ thắt lưng qua hông gây đau tại cột sống thắt lưng lan tới mặt ngoài đùi, sau xuống mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá ngoài và tận ở các ngón chân. Tùy theo vị trí tổn thương mà hướng lan của đau có khác nhau. Thông thường, đau dây thần kinh toạ chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể.
Thoát vị đĩa đệm
Nguyên nhân phổ biến nhất chính là thoát vị đĩa đệm chiếm tỉ lệ từ 60 - 90% các trường hợp. Đĩa đệm hoạt động như tấm đệm giữa các đốt sống của cột sống, được cấu tạo bởi các sợi rất chắc bao bọc xung quanh và ở giữa là nhân nhầy. Khi lực tác động mạnh, đột ngột lên đĩa đệm, có thể làm cho các vòng sợi bị rách và nhân nhầy bị đẩy ra ngoài, chui vào ống sống hoặc chui vào vị trí thoát ra của rễ thần kinh thắt lưng số 5 và cùng 1 làm chèn ép rễ thần kinh và gây đau.
Thoái hóa cột sống thắt lưng
Thoái hóa cột sống thắt lưng gây bào mòn xương hình thành các gai xương xâm lấn vào vị trí các dây thần kinh tọa thoát ra khỏi cột sống (gọi là lỗ liên đốt cột sống). Nếu gai xương đủ lớn sẽ tác động tới dây thần kinh tọa và gây đau.
Hẹp cột sống
Sự hao mòn tự nhiên của đốt sống hoặc tình trạng gai cột sống có thể dẫn đến hẹp ống sống, thường xảy ra ở người trên 60 tuổi. Sự thu hẹp này gây áp lực lên rễ của dây thần kinh tọa. Nguồn gốc của cơn đau dây thần kinh tọa.
Trượt đốt sống
Thường phối hợp với thoái hóa cột sống, có thể thấy hình ảnh 1 hoặc nhiều đốt sống bị trượt ra phía trước hoặc phía sau, có thể do bẩm sinh hoặc chấn thương, hoặc do tổn thương các rễ thần kinh, hẹp ống sống thắt lưng… gây đau nhức nhiều. Là một trong các nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa
Khối u cột sống
Trong một số ít trường hợp, đau thần kinh tọa có thể do các khối u phát triển bên trong hoặc dọc theo tủy sống hoặc dây thần kinh tọa. Khi một khối u phát triển, nó có thể gây áp lực lên các dây thần kinh phân nhánh từ tủy sống.
Chấn thương hoặc nhiễm trùng
Chấn thương hoặc nhiễm trùng trong quá trình vận động, sinh hoạt hoặc do tai nạn… tác động trực tiếp vào rễ thần kinh. Một số trường hợp người bệnh bị gãy xương chậu, gãy xương cột sống thắt lưng cũng có thể ảnh hưởng tới dây thần kinh tọa gây đau nhức.
Viêm đốt sống hoặc viêm cột sống dính khớp
Viêm đốt sống hay gặp ở người lớn tuổi, đau âm ỉ cả ngày kể cả khi nghỉ ngơi, khi vận động có thể đau tăng. Hay viêm cột sống dính khớp thường diễn biến chậm, lặng lẽ với triệu chứng đau thắt lưng hông và mông, cứng khớp buổi sáng, trời lạnh và đêm đau tăng, đau cả ngày khó chịu và mệt mỏi.
Hội chứng cơ hình lê
Cơ hình lê là cơ tìm thấy sâu bên trong mông. Nó kết nối cột sống dưới với xương đùi trên và chạy trực tiếp qua dây thần kinh tọa. Nếu cơ này đi vào co thắt, nó có thể gây áp lực lên dây thần kinh tọa, gây ra các triệu chứng đau thần kinh tọa. Hội chứng cơ hình lê phổ biến hơn ở phụ nữ.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị đau dây thần kinh tọa
Độ tuổi: Những thay đổi trong cột sống theo thời gian, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm và gai cột sống thường gặp ở người cao tuổi. Đó đều là các nguyên nhân chính gây ra đau thần kinh tọa.
Béo phì: Bị thừa cân hoặc béo phì cũng là một cách gây áp lực lên dây thần kinh tọa. Một nghiên cứu xem xét mối liên quan giữa việc bị thừa cân với chứng đau thần kinh tọa chỉ ra rằng, có một mối liên quan độc lập giữa 2 yếu tố này. Nói một cách khác, dễ hiểu hơn, thì bạn càng thừa nhiều cân, thì nguy cơ đau thần kinh tọa của bạn càng cao.
Tính chất công việc: Một số công việc khiến bạn phải xoay lưng nhiều, mang vác nặng trên vai hay lái xe đường dài, đi giày cao gót không phù hợp có thể góp phần gây ra đau thần kinh tọa. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng rõ ràng cho mối liên hệ này.
Người ít vận động: Những người ngồi nhiều, ít vận động sẽ có nhiều khả năng bị đau thần kinh tọa hơn so với những người năng động.
Người bị bệnh đái tháo đường: Căn bệnh này liên quan đến cách cơ thể sử dụng đường trong máu, từ đó làm tăng nguy cơ bị tổn thương thần kinh.
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282